Bệnh nhân sán lá gan thường có triệu chứng đau tức vùng gan, nổi mẩn, rối loạn tiêu hóa, thậm chí tắc mật, ứ mật, vàng da.
Thói quen ăn uống của người Việt đang khiến các bệnh ký sinh trùng gia tăng nhanh chóng. Đây là nhận định của TS.BS Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.
"Thói quen ăn thịt lợn tái, bò tái, tiết canh, gỏi cá, rau thủy sinh… là nguyên nhân chính gây ra các bệnh ký sinh trùng", TS Cảnh phân tích.
Theo ông, với điều kiện khí hậu đặc thù, côn trùng, ký sinh trùng gây bệnh ở nước ta rất phong phú.
TS.BS Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Ảnh: CTV).
Phân tích sâu về gánh nặng bệnh tật do ký sinh trùng, theo TS Cảnh, thống kê năm 2023 cho thấy có hơn 12.000 người mắc sán lá gan lớn được điều trị tại các cơ sở y tế.
Sán lá gan lớn dưới dạng ấu trùng bơi trong nước. Sau đó, chúng bám vào ốc và rau. Khi thâm nhập vào cơ thể người, loại ký sinh trùng này có thể gây áp xe gan, lạc chỗ vào não, mắt…
Bệnh nhân sán lá gan thường có triệu chứng đau tức vùng gan, nổi mẩn, rối loạn tiêu hóa, thậm chí tắc mật, ứ mật, vàng da. Nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ xuất hiện trạng thái thiếu máu, gan bị xơ hóa, tăng huyết áp tĩnh mạch cửa và suy kiệt dần.
Trong khi đó, với sán lá gan nhỏ có hơn một triệu người nhiễm mỗi năm. Tỷ lệ nhiễm đặc biệt cao ở những nơi có hồ nuôi cá.
Sán lá gan nhỏ là sán lá truyền qua cá (Fishborne Trematode). Người nhiễm do ăn cá sống có ấu trùng sán. Khi ấu trùng sán lá gan nhỏ được người ăn phải, chúng vào dạ dày, xuống tá tràng rồi chui lên đường mật của gan để phát triển trưởng thành, ký sinh vĩnh viễn tại đó.
Thói quen ăn gỏi cá làm tăng nguy cơ mắc sán lá gan nhỏ (Ảnh: Getty).
Đáng chú ý, theo TS Cảnh, bệnh giun rồng trong những năm gần đây tái xuất.
Bệnh giun rồng hay còn gọi là bệnh Guinea là căn bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tiêu hóa, do ký sinh trùng giun tròn có tên khoa học là Dracunculus medinensis.
"Vài năm gần đây, Việt Nam đã phát hiện khoảng 20 ca mắc giun rồng. Bệnh nhân ở Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa. Giun được gắp ra từ bệnh nhân có thể dài cả gang tay", TS Cảnh thông tin.
Trong khi đó, việc gia tăng nuôi chó mèo làm thú cưng đã khiến bệnh giun đũa chó mèo hiện nay đang bùng nổ.
"Đây là bệnh có nguyên nhân do nuôi thú cưng, thường xuyên ôm ấp thú cưng. Khi ôm, ngủ cùng thú cưng, người nuôi dễ nuốt phải trứng giun đũa chó mèo", TS Cảnh thông tin.
Theo thống kê tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương), chỉ riêng trong năm qua đã tiếp nhận thăm khám, điều trị cho 15.527 người nhiễm giun đũa chó mèo.
Chuyên gia này nêu thực trạng, việc phát hiện chủ động nhiễm giun sán ở nước ta rất kém. Đa phần người dân có triệu chứng, đi khám bệnh mới bất ngờ được phát hiện.
Tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, nhiều người từng được chẩn đoán u, ung thư não, gan, phổi nhưng nguyên nhân chính xác là ổ áp-xe ấu trùng giun, sán.
"Việc quản lý dự phòng liên quan nhiều bộ ngành. Ví dụ như sán chủ yếu ở phân bò, nhưng việc quản lý chất thải chăn nuôi vẫn tồn tại nhiều vấn đề.
Ở Tây Nguyên, theo kết quả khảo sát của chúng tôi, trong phân bò tỷ lệ nhiễm sán lên đến 30%, sán xâm nhiễm gây bệnh trực tiếp cho người dân", TS Cảnh thông tin.
Theo khuyến cáo của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, để phòng nhiễm sán, người dân cần ăn chín, không ăn đồ tái sống.
Với người nuôi thú cưng, cần tẩy sạch giun cho vật nuôi và đặc biệt là quản lý tốt phân từ chúng, bởi đây là nguồn chứa trứng giun đũa. Nếu vệ sinh không sạch sẽ, người nuôi rất dễ nhiễm trứng giun.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/5-mon-an-la-o-san-khien-nhieu-nguoi-viet-phai-nhap-vien-20240329090258932.htm