Từ vụ nữ điều dưỡng cứu du khách ngưng tim ở Đà Nẵng, các chuyên gia nhận định mỗi người cần trang bị kỹ năng sơ cấp cứu để dùng trong trường hợp cấp thiết.
Nữ điều dưỡng Đặng Thị Hạ (Bệnh viện Bạch Mai) cứu sống du khách Ấn Độ bị ngưng tuần hoàn trong một nhà hàng tại Đà Nẵng - Ảnh: cắt từ clip
Bác sĩ chuyên khoa I Hoàng Hữu Hiếu - phó trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng - cho rằng trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có thể phải đối diện với những tình huống khẩn nguy, nhiều tình huống trong số đó mang tính chất sinh - tử.
Sơ cấp cứu nắm "thời gian vàng"
Bác sĩ Hiếu cho rằng khi xảy ra những tình huống bất ngờ như tắc nghẽn đường thở do dị vật, ngưng tuần hoàn do tai nạn, đuối nước hoặc bệnh lý, nạn nhân luôn có một khoảng "thời gian vàng" để được tiếp cận cấp cứu hiệu quả.
Nếu lúc này được can thiệp đúng cách, đúng thời điểm thì khả năng cứu sống được là rất cao.
Kỹ năng sơ cấp cứu được trang bị tốt sẽ đóng vai trò then chốt trong việc cứu mạng nạn nhân.
Ngược lại nếu cấp cứu trễ hoặc cấp cứu sai cách thì chỉ từ 3 - 5 phút, nạn nhân có thể phải đối diện với di chứng nặng nề hoặc tử vong.
Bác sĩ Hiếu dẫn chứng trường hợp "đột quỵ", chúng ta cần phân biệt "đột quỵ não" và "đột quỵ do tim mạch".
Đối với đột quỵ não, việc nắm bắt được các triệu chứng và nhanh chóng liên hệ đưa bệnh nhân đến các trung tâm điều trị đột quỵ, tránh trì hoãn là yếu tố quan trọng, do "thời gian là não".
Đối với đột quỵ do tim mạch, bệnh nhân sẽ có tình trạng ngừng tuần hoàn, do đó thao tác sống còn là nhận biết, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực và khai thông đường thở trong khi chờ lực lượng cấp cứu chuyên nghiệp tiếp cận.
"Các thao tác này cần phải được đào tạo, hướng dẫn thực hành bởi các cơ sở y tế thì mới có thể thực hiện đúng cách và hiệu quả được", ông Hiếu nói.
Bác sĩ Hiếu tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu cho nhân viên y tế tuyến dưới - Ảnh: BV
Dạy sơ cấp cứu "đang bị bỏ quên"
Bác sĩ Hiếu cho biết ở các nước phát triển, các kỹ năng này được đào tạo cho học sinh ngay từ trong nhà trường.
Việc trang bị các thiết bị cấp cứu được xem là tiêu chuẩn bắt buộc tại nơi công cộng.
Tại Việt Nam, nhiều trường hợp được cứu sống do có người gần đó biết cách cấp cứu, nhưng cũng rất nhiều trường hợp đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, sau đó tử vong vì không được cấp cứu kịp thời hoặc cấp cứu sai cách.
Bác sĩ Nguyễn Nguyên Long, giám đốc Học viện Con Rồng Cháu Tiên (Đà Nẵng), chia sẻ trước đây việc đào tạo các kỹ năng sơ cấp cứu thường được lồng ghép vào các hoạt động Đoàn, Đội, Hội, hướng đạo… Tuy nhiên, hiện các hoạt động này gần như đang bị bỏ quên.
Các bạn nhỏ ở Học viện Con Rồng Cháu Tiên thực hành kỹ năng sơ cấp cứu - Ảnh: LÊ VĂN QUANG
Theo ông Long, tùy vào độ tuổi, học sinh từ tiểu học đã có thể học sơ cấp cứu đơn giản như biết cách xác định động mạch, băng ép, biết cách vận chuyển nhẹ bệnh nhân, hay sử dụng các vật dụng xung quanh để sơ cứu người bệnh trong một số trường hợp.
Học sơ cấp cứu ở đâu? Ngoài các bài học sơ cấp cứu đơn giản ở trường (với học sinh), mỗi người có thể đăng ký đến các lớp học kỹ năng để được các chuyên gia hướng dẫn. Bác sĩ Hiếu cho biết có nhiều khóa huấn luyện kỹ thuật cấp cứu cơ bản được các bệnh viện tổ chức. Các cơ sở y tế đều định kỳ tập huấn cho nhân viên, do đó để trang bị cho mình kỹ năng này, mọi người có thể liên hệ với các bệnh viện hoặc trường đại học y để được tư vấn. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/tu-vu-nu-dieu-duong-cuu-du-khach-ngung-tim-o-da-nang-dung-bo-quen-day-so-cap-cuu-20240328113403878.htm