Một nghiên cứu mới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát hiện trong số 8 tỉ dân số thế giới, có đến 3,4 tỉ người mắc bệnh rối loạn thần kinh. Tình trạng này có thể cải thiện bằng cách nào?
Hiện có đến 42,5% dân số thế giới mắc chứng rối loạn thần kinh - Ảnh: Samitivej Hospital
Theo Medical News Today, sự gia tăng các bệnh về não cũng có liên quan đến việc gia tăng tỉ lệ tử vong sớm, 80% trong số đó xảy ra ở các quốc gia thuộc thế giới thứ ba do cơ sở chăm sóc sức khỏe thần kinh còn hạn chế.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cho thấy tỉ lệ đáng báo động của các chứng rối loạn thần kinh.
Gần một nửa dân số mắc rối loạn thần kinh
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet Neurology phát hiện thêm rằng rối loạn hệ thần kinh là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng khuyết tật ở người. Nghiên cứu kết luận hiện có đến 42,5% dân số thế giới mắc chứng rối loạn thần kinh.
Kể từ năm 1990, số ca tử vong và tàn tật do rối loạn não bộ đã tăng 18%. Các tác giả đã liệt kê 10 bệnh thần kinh hàng đầu bao gồm đột quỵ, bệnh não ở trẻ sơ sinh, chứng đau nửa đầu, bệnh Alzheimer và các bệnh mất trí nhớ khác, bệnh thần kinh do tiểu đường, viêm màng não, động kinh, biến chứng thần kinh do sinh non, rối loạn phổ tự kỷ và ung thư hệ thần kinh.
Bệnh thần kinh tiểu đường, một loại tổn thương thần kinh xảy ra do mắc bệnh tiểu đường, là bệnh não phát triển nhanh nhất và đã tăng gấp ba lần kể từ năm 1990.
Theo nghiên cứu, sự gia tăng các bệnh về thần kinh cũng có thể do COVID-19, vì số liệu thống kê chỉ ra rằng COVID-19 dẫn đến suy giảm nhận thức lâu dài và hội chứng Guillain-Barré.
Các tác giả đã phân loại các nhóm người dựa trên việc họ sống ở quốc gia có thu nhập thấp hay trung bình.
Theo đó, họ đã tính toán bằng cách "sử dụng mức thu nhập của Ngân hàng Thế giới, dựa trên tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người".
Giao tiếp xã hội, tập thể dục thường xuyên để cải thiện tình hình
Các tác giả ghi nhận một dấu hiệu tích cực trong quá trình nghiên cứu, đó là tình trạng suy giảm sức khỏe do các bệnh như uốn ván, bệnh dại và đột quỵ đã giảm 25% kể từ năm 1990. Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này do việc phòng ngừa và chăm sóc được cải thiện.
Tiến sĩ David Merill, giám đốc Viện Khoa học thần kinh Thái Bình Dương ở California, cho biết các hành vi liên quan đến sức khỏe của chúng ta tạo ra sự khác biệt.
"Có thể giảm nguy cơ phát triển các tình trạng thần kinh mãn tính như chứng mất trí nhớ bằng cách tối ưu hóa các hành vi liên quan đến lối sống, bao gồm tập thể dục thường xuyên, giao tiếp xã hội, kích thích nhận thức và chế độ ăn uống lành mạnh", ông Merill nói.
Nghiên cứu cũng nhấn mạnh có một số yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được, từ đó làm giảm nguy cơ phát triển các tình trạng rối loạn thần kinh, chẳng hạn như hạn chế tiếp xúc với chì và giảm lượng đường trong máu.
WHO cũng đang xem các chứng rối loạn thần kinh là trọng tâm để cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và quản lý những tình trạng này.
Tiến sĩ Muhammad Arshad, một nhà thần kinh học tại Trung tâm y tế Memorial Hermann ở Houston (Hoa Kỳ), người không tham gia vào nghiên cứu, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những phát hiện này từ quan điểm y tế công cộng. "Những phát hiện có ý nghĩa quan trọng về chính sách và dịch vụ y tế, đồng thời là bằng chứng cho thấy tình trạng giảm sút sức khỏe thần kinh toàn cầu chưa được thừa nhận và đang gia tăng, đồng thời phân bố không đồng đều về mặt địa lý và kinh tế - xã hội", ông Arshad phân tích. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/who-bao-dong-hon-42-dan-so-mac-chung-roi-loan-than-kinh-cai-thien-tinh-trang-nay-ra-sao-20240325102402251.htm