Thời tiết cuối năm thường thay đổi thất thường, tạo điều kiện thuận lợi để virus cúm hoành hành giữa môi trường công sở. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và hiệu suất làm việc của người lao động.
Công sở: Môi trường thích hợp để virus cúm lây lan
Thời tiết giao mùa, với sự biến động nhiệt độ, tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm lây truyền nhanh chóng. Đặc biệt, văn phòng, nơi tụ tập đông người với sự tiếp xúc cận kề trong không gian hạn chế, đã trở thành "điểm nóng" tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm cúm.
Mặt khác, không gian kín, thiếu gió trong văn phòng càng khiến việc lây truyền virus cúm thông qua hạt nhỏ trong không khí trở nên dễ dàng hơn.
Nguy cơ nhiễm cúm trong môi trường công sở đang tăng cao (Ảnh: Shutterstock).
Hiện nay, dịch hô hấp, đặc biệt là cúm, đang vào giai đoạn cao điểm tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại Thái Lan, số ca mắc cúm gia tăng đáng báo động trong trường học cùng với 2 trường hợp tử vong ghi nhận từ đầu tháng 10/2023 đã khiến nhiều chuyên gia y tế tại nước này tuyên bố đây là một tình trạng khẩn cấp đối với sức khỏe cộng đồng.
Trung Quốc cũng ghi nhận số ca mắc bệnh hô hấp tăng mạnh từ giữa tháng 11. Ủy ban Y tế quốc gia này cũng đã kêu gọi trường học, viện dưỡng lão tăng cường biện pháp phòng bệnh.
Cùng lúc, thực trạng cúm trái mùa gia tăng ở Nhật Bản đã góp phần gióng lên hồi chuông báo động về việc chủ động tăng cường các biện pháp phòng bệnh trong dịp cuối năm.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 3-5 triệu người mắc bệnh cúm nặng và khoảng 290.000-650.000 người tử vong do cúm. Điều này chứng tỏ cúm là căn bệnh không thể xem nhẹ, dù với bất cứ đối tượng nào.
Gánh nặng của cúm đối với dân công sở
Cúm mùa không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu như mệt mỏi, đau đầu, sốt… mà còn cản trở tiến độ công việc. Dân công sở nếu không may nhiễm cúm có thể giảm hiệu suất lao động, thậm chí phải nghỉ làm để hồi phục sức khỏe.
Nhiễm cúm không chỉ khiến dân công sở mệt mỏi, giảm hiệu suất công việc mà còn có khả năng dẫn đến những biến chứng nguy hiểm (Ảnh: Shutterstock).
Cúm mùa còn tiềm ẩn những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người bệnh. Cúm không chỉ gây nhiễm trùng đường hô hấp từ trung bình đến nặng mà còn có thể dẫn tới những biến chứng.
Với nhóm người có tình trạng xơ vữa động mạch, cúm có thể thúc đẩy và châm ngòi cho các đợt nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Ở tuần lễ sau nhiễm cúm, nguy cơ nhồi máu cơ tim lần đầu ở người trưởng thành cao gấp 10 lần, trong khi nguy cơ đột quỵ lần đầu gấp 8 lần.
Ngoài ra, dù không biểu hiện triệu chứng hay chuyển biến nặng, dân công sở có thể mang virus cúm từ văn phòng về nhà, đe dọa sức khỏe của người già và trẻ nhỏ trong gia đình, vốn là những đối tượng có nguy cơ cao đối với bệnh cúm.
Cụ thể, bệnh nhi khi mắc cúm có thể dẫn đến tình trạng viêm phổi, viêm tai giữa, viêm cơ tim, làm trầm trọng thêm các bệnh nền đang có. Còn đối với người cao tuổi, mắc cúm có thể làm tăng gấp 8 lần nguy cơ đột quỵ.
Chủ động tiêm phòng cúm để bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Cúm mùa không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân, mà còn có thể tác động đến cuộc sống, kinh tế và xã hội.
Việc tiêm vaccine phòng cúm mùa rất quan trọng đối với dân công sở, vì đây là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ chính bản thân và gián tiếp bảo vệ mọi người xung quanh, nhất là những đối tượng có nguy cơ cao trong gia đình như bố mẹ, ông bà, con nhỏ,…
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh lợi ích vượt trội của vaccine cúm mùa. Không chỉ ngăn ngừa bệnh, vaccine còn góp phần giảm thiểu các rủi ro do cúm mùa gây ra; đồng thời giảm nguy cơ nhập viện và tử vong có liên quan đến cúm mùa.
Tiêm phòng cúm hàng năm nên là thói quen chăm sóc sức khỏe cần được thực hành thường xuyên để xây dựng và duy trì khả năng miễn dịch ở cấp độ cá nhân và cộng đồng (Ảnh: Shutterstock).
Dân công sở nên chủ động tiêm phòng cúm theo khuyến cáo của bác sĩ để bảo vệ hệ hô hấp, "bật công tắc" năng suất, an tâm tận hưởng mùa lễ hội cuối năm. Nếu chưa tiêm phòng cúm trong năm nay, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ và tiêm ngừa khi có thể.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/khach-la-ma-quen-tan-cong-van-phong-dan-cong-so-de-sup-nguon-dip-cuoi-nam-20240109103102230.htm