19
/
138737
Tìm giá trị cốt lõi 'rút gọn' cho người Việt
tim-gia-tri-cot-loi-rut-gon-cho-nguoi-viet
news

Một năm hội nghị văn hóa toàn quốc: Tìm giá trị cốt lõi 'rút gọn' cho người Việt

Thứ 4, 30/11/2022 | 08:52:20
2,176 lượt xem

Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới cần được đưa ra một cách ngắn gọn và hợp lòng dân.

Phân tích cái xấu để xây dựng hệ giá trị

Phát biểu tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người VN trong thời kỳ mới” tổ chức ngày 29.11 tại Hà Nội, GS-TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư, nhắc lại nhu cầu “cách tân, khai dân trí, chấn dân khí” những năm đầu thế kỷ 20, cùng với phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Phong trào đó để phân tích thói hư tật xấu của người Việt, rồi sau đó sửa chữa sự lạc hậu của chính mình. Nhưng đã có một thời gian khá dài chúng ta né tránh việc đó. Vì thế, việc nhìn lại mình một cách tỉnh táo là hướng đi cần thiết. “Phải chăng vấn đề này đang bị bỏ lửng?”, ông Dũng nêu câu hỏi.

PGS-TS Lương Đình Hải, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, nêu hiện tượng xuất hiện sự “đứt gãy”, gián đoạn về giáo dục, trao truyền hệ giá trị con người giữa các thế hệ. Trước đây công việc này chủ yếu do gia đình đảm nhận, là vai trò, chức năng căn bản của gia đình, ông bà, bố mẹ. Ngày nay trẻ em học hành, tiếp xúc với thầy cô, bạn bè nhiều hơn ở nhà với ông bà, bố mẹ, anh chị em. Trong khi nhà trường chưa sẵn sàng, chủ động với việc giáo dục các hệ giá trị thì vai trò, chức năng của gia đình về việc này đang bị rút bỏ. “Xã hội chưa sẵn sàng tiếp nhận nhiệm vụ trực tiếp, chủ động trao truyền, giáo dục hệ giá trị con người và các hệ giá trị khác thì gia đình đã bị tước bỏ chức năng này. Đây là khiếm khuyết lớn, cần khắc phục càng sớm càng tốt”, ông Hải phân tích.

Tìm giá trị cốt lõi 'rút gọn' cho người Việt - ảnh 1

Gia đình hạnh phúc là một giá trị ai cũng muốn hướng tới. ĐÀO NGỌC THẠCH

PGS-TS Nguyễn Hữu Minh, Viện Nghiên cứu gia đình và giới, chỉ ra một loạt vấn đề về gia đình tại VN. Với phụ nữ, việc vừa phải làm việc nhà vừa phải lo việc cơ quan khiến họ chịu sức ép lớn, khó có thời gian chăm sóc bản thân. Giáo dục trẻ em trong gia đình tuy có xu hướng ngày càng bình đẳng hơn, song về cơ bản quan hệ cha mẹ - con cái vẫn bảo lưu tôn ti trật tự truyền thống, dẫn đến sự thiếu tôn trọng quyền của con cái. Tỷ lệ con cái sống chung với cha mẹ sau khi kết hôn giảm đi làm cho việc chăm sóc của con cái đối với cha mẹ sẽ ít thường xuyên hơn. Tình trạng ly hôn, ly thân và nhiều người trong độ tuổi lao động di cư khiến cho người cao tuổi càng cô đơn và thiếu nơi nương tựa.

PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội, cho biết có ý kiến còn cho rằng chúng ta đang ở vào thời kỳ khủng hoảng các giá trị. “Giáo sư Phan Huy Lê từng nhận xét chúng ta đang ở trong một giai đoạn khủng hoảng hệ giá trị nghiêm trọng. Đây là lúc hệ giá trị cổ truyền bị giải thể, giải cấu trúc, không còn nguyên giá trị và tính hệ thống, nhưng hệ giá trị mới lại chưa thành hình để có thể thay thế hệ giá trị cũ. Cái cũ thì giải thể, chưa được cấu trúc lại, cái mới chưa được xác lập. Đây đúng là giai đoạn quá độ, rối loạn từ trong hệ giá trị”, ông Sơn trích dẫn.

Đầu tư cho xây dựng chuẩn

PGS-TS Đặng Thị Hoa, Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm KHXH VN, cho rằng nghiên cứu về gia đình cần được tiếp tục với những đầu tư về công sức và trí tuệ. Những vấn đề về gia đình còn đang để ngỏ cho các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, cần làm rõ những gì đang tồn tại bên trong gia đình VN, để xem xét một cách kỹ càng, thấu đáo những gì “bên dưới một lớp sơn phủ ngoài những ý niệm có sẵn” về gia đình.

PGS-TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH VN, thì bày tỏ hệ giá trị văn hóa VN rất đa dạng. Vì thế khi xây dựng hệ giá trị văn hóa cần xét nó trong hệ thống với nhiều yếu tố cấu thành. Cũng theo bà Châm: “Nếu quan tâm đúng mức hơn đến tính thực tiễn của hệ giá trị văn hóa thì chúng ta sẽ khắc phục được sự chung chung, hô hào, hình thức trong xây dựng hệ giá trị văn hóa”.

GS-TS Từ Thị Loan, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, lại đưa ra một số nguyên tắc khi xây dựng hệ giá trị sau khi tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Theo bà, việc xác định hệ giá trị chỉ nên dừng lại ở những giá trị cốt lõi, trọng điểm, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay. “Cấu trúc hệ giá trị cần ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ tuyên truyền, triển khai. Kinh nghiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như các nước cho thấy, càng đúc rút câu chữ, khái niệm cô đọng, dễ nhớ bao nhiêu càng đi vào cuộc sống dễ bấy nhiêu”, bà Loan nói.

“Tính cách Huế” trong đại gia đình VN

Những bàn luận về văn hóa, gia đình, chuẩn mực con người VN trong thời kỳ mới cũng diễn ra tại 3 đầu cầu: Hà Nội, Huế, TP.HCM.

Ở đầu cầu Hà Nội, GS-TS Hồ Sĩ Quý, Viện Hàn lâm KHXH VN, cho rằng: “Rất nhiều hành vi và hiện tượng hiện nay đang bị xã hội coi là lệch chuẩn, không chỉ chuẩn đạo đức mà còn cả về chuẩn pháp lý. Vì thế vấn đề xây dựng chuẩn mực con người cần đặt ra một cách cấp thiết”.

Tại TP.HCM, để phát huy các hệ giá trị con người VN, TP luôn đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Trong khi đó, tham luận của Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế cho rằng: “Gia đình là hạt nhân căn bản của xã hội, ở đó nổi bật chức năng hương hỏa, đặc biệt là ở mô hình đại gia đình truyền thống. Người lớn phải không ngừng phấn đấu để trở thành tấm gương mẫu mực cho con cái noi theo và phía ngược lại, con cái cũng phải hết sức nỗ lực để không phụ công ơn cha mẹ, và đặc biệt là gìn giữ gia phong. Gia phong (môn phong, gia pháp) là phong khí truyền thống trong gia tộc, là phong cách gia giáo, không chỉ liên quan đến sự hưng suy của gia tộc mà còn liên quan đến phong khí của xã hội”.

Lê Công Sơn

Xây giá trị cốt lõi quốc gia như Hồ Chủ tịch đã di chúc

Phát biểu kết luận hội thảo, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng giá trị cốt lõi quốc gia đã được Hồ Chủ tịch căn dặn trong di chúc. Theo đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Mong muốn cuối cùng của tôi là: toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước VN hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Ông Nghĩa khẳng định: “Đây chính là những giá trị cốt lõi của quốc gia mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã và đang phấn đấu thực hiện theo Di chúc của Người”.

Ông Nghĩa cũng nhắc tới lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021. Theo đó, hệ giá trị con người VN gồm 8 giá trị chủ yếu là: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Hệ giá trị gia đình gồm 4 giá trị cốt lõi: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Hệ giá trị văn hóa gồm 4 giá trị: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Hệ giá trị quốc gia gồm 9 giá trị: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.

Theo Trinh Nguyễn/Thanh niên

https://thanhnien.vn/tim-gia-tri-cot-loi-rut-gon-cho-nguoi-viet-post1526784.html

  • Từ khóa

Công bố 100 tư liệu và hình ảnh về đường Trường Sơn huyền thoại

100 tư liệu, hình ảnh về đường Trường Sơn đã được trưng bày tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội trong triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ...
16:12 - 26/04/2024
191 lượt xem

Hải Phòng một ngày kêu gọi được 22 tỉ đồng cho Lễ hội Hoa Phượng Đỏ

Chỉ trong ngày đầu tiên gặp mặt kêu gọi các doanh nghiệp tài trợ cho Lễ hội Hoa Phượng Đỏ, UBND thành phố Hải Phòng đã nhận được 22 tỉ đồng. Ngân sách...
15:20 - 26/04/2024
223 lượt xem

Thạch nhũ đẹp mê hồn bên trong hang động mới phát hiện tại Quảng Bình

Một hang động mới được phát hiện tại 'vương quốc hang động' Quảng Bình, với hệ thạch nhũ được đánh giá như những tấm thảm đẹp mê hồn.
15:43 - 26/04/2024
205 lượt xem

Bảo vật quốc gia: Hình tượng bảo vật trở thành biểu trưng của bảo tàng

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng lấy hình tượng vũ nữ Apsara Trà Kiệu trên phù điêu mới được công nhận là bảo vật quốc gia làm biểu trưng. Tuyệt tác điêu...
13:12 - 26/04/2024
263 lượt xem

Nghệ An sẽ có tượng Bác Hồ về thăm quê

Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ đề 'Bác Hồ về thăm quê' sẽ được đặt tại sân vận động Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An.
10:13 - 26/04/2024
331 lượt xem