Trước những thách thức đặt ra về xe đạp công cộng chưa được yêu thích tại TP.HCM, nhiều người trẻ góp ý kiến để thúc đẩy phương tiện xanh này phát triển bền vững hơn.
Nên bố trí thêm trạm xe đạp ở các tuyến đường có nhiều bóng mát
Lê Hà Anh Thy, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng TP.HCM có thể học hỏi các nước khác trong việc hoạt động dịch vụ xe đạp công cộng.
Anh Thy từng đi xe đạp công cộng tại Đài Loan. Cô gái mê mẩn đạp xe mỗi ngày để khám phá các cung đường mới lạ. Những nơi mà cô gái đi đều có làn đường riêng cho xe đạp. Thy cảm thấy việc đạp xe an toàn và thoải mái hơn. Chưa kể, trạm xe được bố trí ở rất nhiều nơi, không chỉ ở trung tâm mà các khu xa xa cũng có. Vì thế, cô gái không cần lo việc thuê xong không tìm ra chỗ để trả.
Theo cô, TP.HCM nên tích hợp ứng dụng thuê xe vào ví điện tử hay ứng dụng ngân hàng. Trạm xe nên bố trí ở khắp nơi trong thành phố, đặc biệt là những nơi mọi người thích đạp xe dạo phố như ở bờ kè đường Hoàng Sa - Trường Sa.
"Khí hậu ở TP.HCM nóng quanh năm nên đây cũng là lý do mình nghĩ người dân ngại đi xe đạp. Bản thân mình cũng không chọn đạp xe nếu đi du lịch vào mùa hè. Vì thế, có thể bố trí thêm trạm xe ở các tuyến đường có nhiều bóng mát, xây dựng các mái che… Điều này không chỉ bảo vệ xe khỏi mưa nắng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng khi thuê hoặc trả xe", cô nói.
Xe đạp công cộng tại TP.HCM còn một số điểm hạn chế ẢNH: PHƯƠNG VY
Huỳnh Tuấn Danh, sinh viên Học viện Cán bộ TP.HCM, mong muốn được miễn phí đỗ xe đạp tại các điểm công cộng, có thêm chính sách giảm giá vé khi kết hợp nhiều phương tiện công cộng, tích hợp thẻ xe đạp với xe buýt để tiện kết nối, có gói giảm giá cho học sinh, sinh viên… Có như vậy, các bạn học sinh, sinh viên thích thú và tạo được thói quen đi xe đạp trong cộng đồng.
Còn Nguyễn Trung Khang, chuyên viên Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết gần đây trường rất thích cho sinh viên quốc tế trải nghiệm phương tiện công cộng tại TP.HCM. Bên cạnh việc giúp các bạn bước đầu tìm hiểu về thành phố, trải nghiệm các thiết chế công cộng, nhà trường cũng mong muốn các bạn sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn vì tiện lợi, thân thiện, hợp với các sinh viên học ở trung tâm nội thành.
Nghiên cứu bố trí làn đường ưu tiên hoặc dành riêng cho xe đạp
Thạc sĩ Lê Văn Cường, Quản lý chương trình đào tạo quản lý và kinh doanh vận tải, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, nhận định thành phố đang đối mặt với thách thức giao thông nghiêm trọng do quá trình đô thị hóa nhanh chóng và sự gia tăng phương tiện cá nhân, dẫn đến tình trạng ùn tắc và ô nhiễm môi trường.
Để giải quyết vấn đề này, các trường có thể triển khai nhiều hoạt động nhằm khuyến khích sinh viên sử dụng phương tiện công cộng như tổ chức các hội thảo và tọa đàm để cung cấp thông tin về lợi ích của việc sử dụng giao thông công cộng, đẩy mạnh truyền thông, cộng điểm rèn luyện… Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đang lên kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động mới lạ như tổ chức hành trình di chuyển bằng các phương tiện: metro, xe buýt, xe đạp công cộng… cho sinh viên tham gia để tạo thói quen mới.
Đại diện Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM (thuộc Sở GTVT TP.HCM) cho rằng hoạt động quảng bá chính được nhà đầu tư thực hiện qua các chương trình, các kênh truyền thông… Về phía trung tâm thường xuyên lồng ghép quảng bá trong các hoạt động thông tin tuyên truyền chung về giao thông công cộng thành phố. Bên cạnh đó, trung tâm còn có các hoạt động giới thiệu tại một số phường, trường ĐH trên địa bàn…
"Chúng tôi hy vọng trong tương lai, sau khi dịch vụ được mở rộng, khách hàng có thể dễ dàng thuê và trả xe tại mọi khu vực, tiện lợi hơn trong quá trình sử dụng xe đạp. Khi xe đạp kết nối với các điểm trạm xe buýt, metro giúp khách hàng thuận tiện hơn trong khi sử dụng dịch vụ giao thông công cộng tại thành phố. Do đó, dịch vụ xe đạp công cộng cần được mở rộng và tăng cường thêm các tiện ích để thu hút người dân sử dụng nhiều hơn", vị này nói.
Hiện tại, trung tâm đã phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan khảo sát, thống nhất bổ sung 115 vị trí tại các quận 1, 3, 4, 5, 10. Sắp tới, trung tâm từng bước tiếp tục phối hợp với các quận khác.
Vị này còn hé lộ trung tâm đang nghiên cứu bố trí làn đường ưu tiên hoặc dành riêng cho xe đạp để đảm bảo an toàn, tạo điều kiện thuận lợi và tối ưu khả năng di chuyển cho người sử dụng xe đạp. Dự kiến triển khai thí điểm tuyến đường dành riêng cho xe đạp dọc trục xa lộ Hà Nội nhằm tăng cường kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1. Nhà đầu tư đang đề xuất triển khai bổ sung xe đạp điện sau khi mở rộng dịch vụ xe đạp công cộng trên địa bàn thành phố.
Ông Đỗ Bá Quân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dịch vụ vận tải số Trí Nam, cho biết nhà đầu tư đang nỗ lực ra nhiều chính sách ưu đãi cho khách đi xe đạp như mua vé chỉ với 79.000 đồng/tháng để miễn phí tất cả các chuyến đi dưới 45 phút, minigame khuyến mãi vé xe… để thu hút bạn trẻ yêu thích xe đạp công cộng nhiều hơn.
Theo Phương Vy/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/de-nguoi-tre-man-ma-hon-voi-xe-dap-cong-cong-185241104211315269.htm