Khi mới ra mắt, xe đạp công cộng nhanh chóng "gây sốt" với những chiếc xe đạp được gắn GPS, có mã QR để định vị, giá thuê hợp lý...; nhưng giờ đây dịch vụ này lại báo lỗ. Nguyên do từ đâu?
1.000 lý do từ chối xe đạp công cộng
Sau hơn 1 năm thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng ở Hà Nội, Công ty cổ phần dịch vụ vận tải số Trí Nam (đơn vị vận hành dịch vụ) báo lỗ hơn 2 tỉ đồng. Nghe con số này, nhiều người cảm thấy lo lắng cho những chiếc xe đạp công cộng ở TP.HCM cũng gặp tình trạng hẩm hiu tương tự.
Bạn trẻ đang thờ ơ với xe đạp công cộng? ẢNH: PHƯƠNG VY
Theo ghi nhận của người viết, các trạm xe đạp công cộng tại TP.HCM vẫn thưa vắng khách dù là ngày cuối tuần. Số lượng xe rời trạm đếm trên đầu ngón tay.
Trần Tuấn Anh (29 tuổi), làm việc ở P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM, cho biết anh rất thích đi phương tiện công cộng và thường đi bộ từ nhà đến trạm xe buýt. Sau đó, Tuấn Anh chọn dừng xuống trạm có xe đạp công cộng rồi mở khóa đạp xe đến công ty.
Thế nhưng, gần đây Tuấn Anh không thích đi xe đạp công cộng nữa. Lý do là không phù hợp khi cần di chuyển xa, mang hành lý nặng hoặc khi trời mưa gió. Chưa kể, cơ sở hạ tầng hạn chế. Mỗi lần đi xe đạp, Tuấn Anh phải tới các trạm dừng, sau đó đi bộ vài phút để tới chỗ làm.
"Xe đạp công cộng không tiện bằng xe đạp cá nhân. Quá trình mở app xe đạp, lấy xe, trả xe rất tốn thời gian, có nguy cơ trễ giờ làm. Mình quyết định đi xe đạp cá nhân cho nhanh chóng. Cuối tuần rảnh rỗi cần ngắm cảnh thì mình mới chọn thuê xe đạp công cộng", Tuấn Anh chia sẻ.
Theo anh, điều bất cập lớn nhất của xe đạp công cộng tại TP.HCM chính là các trạm xe chỉ có ở khu vực Q.1. Nhiều người sống ở các khu vực khác muốn đạp xe về nhà cho tiện cũng không khả thi.
Nhiều bạn trẻ cho rằng xe đạp công cộng còn nhiều bất cập ẢNH: PHƯƠNG VY
Nguyễn Thị Thu (27 tuổi), làm việc ở Q.3, TP.HCM, cho biết lý do cô "tạm biệt" xe đạp công cộng là vì loại xe này không phù hợp với người chân ngắn. Thu có chiều cao khá khiêm tốn, trong khi xe đạp được thiết kế rất cao, nếu hạ yên cũng phải nhón hết cỡ mới chống chân được.
Theo cô, xe đạp công cộng chỉ phù hợp để đi chơi, còn khi đi làm lại gặp khó khăn vì không biết gửi xe ở đâu. Hơn nữa, chi phí thuê xe đạp khoảng 10.000 đồng cho giờ đầu và 3.000 đồng mỗi 15 phút sau đó, cao hơn cả chi phí khi đi xe máy xăng. Nếu để xe tại công ty trong 8 tiếng làm việc, chi phí có thể lên đến gần 100.000 đồng.
Mỗi khi du lịch tới đất nước nào, chị Huỳnh Nguyên Thảo (30 tuổi), ngụ TP.Thủ Đức, đều tranh thủ đạp xe vi vu khám phá thành phố. Tuy nhiên, Thảo thấy xe đạp công cộng ở TP.HCM không khả thi. Lý do là chị thường xuyên bị xe máy bóp còi, vượt mặt dù đi sát lề. Chưa kể, nắng nóng, khói bụi, kẹt xe, ngập nước cũng làm người đạp xe nản lòng.
"Theo mình, Việt Nam muốn phát triển xe đạp công cộng thì nên nhân rộng mô hình làn đường riêng dành cho xe đạp. Ngoài ra, cần có chỗ đậu xe hoặc giữ xe đạp. Hiện tại mình thấy rất nhiều nơi không nhận giữ xe đạp. Nỗi lo mất cắp phải được giải quyết thì mới khuyến khích người dân đi xe đạp công cộng", chị nói.
"Hơn nữa ở TP.HCM nắng nóng, kẹt xe mà đạp tới chỗ làm, người đầy mồ hôi thì kỳ lắm", chị Thảo nói tiếp.
Xe đạp công cộng ở TP.HCM cũng... lỗ
Trao đổi với người viết, ông Đỗ Bá Quân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dịch vụ vận tải số Trí Nam, cho biết không chỉ ở Hà Nội, dịch vụ xe đạp công cộng tại TP.HCM cũng đang thua lỗ.
Mặc dù thời gian đầu được truyền thông mạnh mẽ và công ty đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi như tặng 30 phút đạp xe miễn phí, giảm giá ngày lễ, tết, làm vé tháng để thu hút người dân. Tuy nhiên, với quy mô 500 xe và 45 trạm tại Q.1, dịch vụ này vẫn chưa đủ hấp dẫn.
Dịch vụ xe đạp công cộng tại TP.HCM đang lỗ ẢNH: PHƯƠNG VY
"Chúng tôi đã lường trước việc thua lỗ khi vận hành. Đây là hoạt động cần thời gian dài để tạo thói quen cho người dân, khi đó mới mong có lãi. Hiện nay, với việc thành phố ban hành thu phí vỉa hè càng khiến tình trạng lỗ nặng hơn. Chúng tôi hy vọng nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ phát triển đầu tư. Tuy nhiên trước mắt, khi dịch vụ vẫn đang báo lỗ hằng tháng, chúng tôi chưa dám mở rộng thêm", ông Quân chia sẻ.
Theo ông Phạm Vương Bảo, Phó giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM (thuộc Sở GTVT TP.HCM), sau gần 3 năm đưa vào hoạt động, dịch vụ xe đạp công cộng đã có khoảng 800.000 tài khoản đăng ký và hơn 600.000 chuyến đi, trung bình khoảng 600 chuyến/ngày. Lượng khách hàng sử dụng ổn định, trong đó một số khách hàng đã mua vé tháng, vé trả trước để sử dụng xe đạp làm phương tiện di chuyển hằng ngày.
Tuy nhiên, hành khách sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng có xu hướng giảm, cụ thể 8 tháng năm 2024, các chỉ tiêu (số chuyến đi, quãng đường sử dụng, thời gian sử dụng) giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2023.
Phía trung tâm đánh giá nguyên nhân dẫn đến sụt giảm là do hiện tại các trạm xe đạp chỉ tập trung xung quanh Q.1 có phạm vi khoảng 25 km2 chưa đáp ứng được số lượng khách hàng thường xuyên, mới chỉ phục vụ trải nghiệm. Chưa kể, tỷ lệ khách hàng sử dụng lại hằng ngày rất ít, chưa đáp ứng được sự tiện lợi của khách hàng cho việc di chuyển liên quận hoặc di chuyển liên phương thức trong chuyến đi sử dụng giao thông công cộng.
Bên cạnh đó, năm 2024 dịch vụ đã dần quen thuộc với người dân và du khách khiến lượng người trải nghiệm giảm và dần đi vào bình ổn với lượng khách sử dụng phương tiện cho nhu cầu thực tế hằng ngày. Trung tâm sẽ lên nhiều kế hoạch, tiếp tục phát triển dịch vụ xe đạp công cộng với mục tiêu bổ trợ cho hệ thống giao thông công cộng (xe buýt, metro), hướng đến chủ trương phát triển, chuyển đổi phương tiện xanh ngành giao thông vận tải.
Theo Phương Vy/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/xe-dap-cong-cong-bao-lo-vi-sao-dich-vu-nay-chua-thu-hut-185241103194218875.htm