Rất nhiều người bị các đối tượng dùng công nghệ cao dẫn dụ bằng các chiêu trò trúng thưởng trên mạng xã hội (facebook) để lừa đảo dẫn đến việc mất tiền.
Ngoài ra, một số đối tượng lừa đảo còn sử dụng công nghệ cao giả danh Công an, ngân hàng để lừa các nạn nhân. Tết cận kề, đừng vì hám một chút lợi nhỏ để rồi không còn tiền… tiêu Tết.
Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý, trên địa bàn tỉnh Long An nhiều nạn nhân đã bị các đối tượng lừa đảo trúng thưởng dẫn dụ trên mạng xã hội (facebook) bị mất đi số tiền hàng trăm triệu đồng khiến gia đình khốn khổ. Đang lướt facebook, bà T.T.T (SN 1961, ngụ TP Tân An) nhận được tin nhắn trúng thưởng chiếc Shi kèm theo một phiếu quà tặng trị giá 200 triệu đồng.
Nghĩ vận may đã mỉm cười với mình những ngày cuối năm, bà T. bấm vào tin nhắn thì nhận được mã số trúng thưởng, tin nhắn yêu cầu bà T. vào trang nhanquaxuan55.com để làm thủ tục. Bà T. làm theo hướng dẫn trên trang web này và chờ đợi. Những ngày sau đó bà T. liên tục nhận được các cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền để làm thủ tục nhận thưởng. bà T. đã 5 lần chuyển khoản với số tiền gần 1 tỷ đồng vào 5 tài khoản khác nhau cho các đối tượng.
Tuy nhiên chờ mãi không thấy quà, các số điện thoại trước đây liên lạc với bà T. khi gọi lại đều…ngoài vùng phủ sóng. Lúc này bà T. mới tỉnh hồn và báo với Công an. “Không biết tôi mê muội làm sao mà nghe theo lời hướng dẫn của các đối tượng. Nếu như giải thưởng có thật cũng khoảng 350 triệu, vậy mà tôi lại chuyển khoản cho chúng cả tỷ!”- bà T. đau xót.
Chỉ vì những chiêu thức dẫn dụ trên mạng xã hội, nhiều người đã bị các đối tượng lừa số tiền hàng trăm triệu đồng.
Chị L.T.K (SN 1981, ngụ Tân Trụ, Long An) nhận được tin nhắn trúng thưởng 300 triệu đồng từ một chương trình tri ân khách hàng, phía “ban tổ chức” yêu cầu chị K. nạp 3 triệu đồng để làm hồ sơ nhận thưởng và 10% thuế thu nhập cá nhân (30 triệu đồng). Để lấy lòng tin, các đối tượng này cho biết công ty hỗ trợ 20 triệu đồng, chị K. chỉ phải nộp thêm 10 triệu. Nộp tiền xong chị K. liên tục nhận các cuộc điện thoại yêu cầu nộp tiền để kích hoạt tài khoản. Đến khi nhận ra mình bị lừa đảo, chị K. đã nộp cho chúng gần 60 triệu đồng.
Ngoài việc nhận được tin nhắn lừa đảo trúng thưởng, nhiều nạn nhân còn bị các đối tượng gọi điện xưng là Công an, báo với nạn nhân là liên quan đến các vụ án và chuyển tiền cho chúng kiểm tra. Những nạn nhân này là người lớn tuổi, thông tin về các vụ lừa đảo bằng công nghệ cao chưa được cập nhật nên sa vào bẫy của chúng. Điển hình là bà L.N.P (ngụ Cần Giuộc) bị lừa hơn 200 triệu đồng, chị N.K.V (SN 1990, ngụ TP Tân An) bị lừa hơn 100 triệu đồng. Tại TP HCM, với việc sử dụng công nghệ cao giả danh Công an, các đối tượng đã lừa bà L.T.Th (ngụ quận 10) gần 1 tỷ đồng…
Ngoài việc tận dụng các mạng xã hội lừa đảo, các đối tượng sử dụng công nghệ cao còn sử dụng các hình thức tinh vi lừa đảo các nạn nhân qua các giao dịch ngân hàng, đặc biệt là giao dịch điện tử. Sau khi thu thập thông tin khách hàng, địa chỉ nhà, email, thông tin về thẻ tín dụng (mật khẩu, số dư tài khoản, lịch sử giao dịch), người bị lộ thông tin này nhiều nhất là những người bán hàng online do đăng tải thông tin tài khoản của mình trên các trang mạng xã hội. Sau đó, các đối tượng lừa đảo sẽ giả danh nhân viên ngân hàng hoặc cán bộ Công an gọi điện liên hệ với nạn nhân hù dọa và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo một cán bộ công tác tại ngân hàng cho biết, giai đoạn cận Tết là thời điểm người dân có nhu cầu giao dịch qua ngân hàng tăng đột biến, đây cũng là thời điểm mà các đối tượng lừa đảo bằng công nghệ cao hoạt động mạnh gây thiệt hại cho khách hàng và ngay cả ngân hàng, vì vậy người dân cần nâng cao cảnh giác để không mất tiền oan.
Theo Phòng Cảnh sát hình sự- Công an TP HCM, các đối tượng lừa đảo bằng công nghệ cao thường nhắm vào những người lớn tuổi tập tành sử dụng mạng xã hội. Những người này thường đặt mật khẩu tài khoản trên mạng của mình đơn giản, dễ nhớ. Tinh vi hơn, các đối tượng lừa đảo dùng các đường link giả mạo để những người thiếu cảnh giác đăng nhập vào để rồi bị đánh cắp thông tin.
Gần đây để đánh cắp thông tin, các đối tượng lừa đảo dùng thêm các chiêu thức như tạo đường link giả sau đó gởi vào tin nhắn (messenger-tin nhắn trên facebook) của nạn nhân kèm theo thông tin chủ tài khoản bị báo chí xuyên tạc, chủ tài khoản có vợ hoặc chồng ngoại tình, gia đình có người tham gia các cuộc thi lọt vào top cao… sau đó yêu cầu nạn nhân click vào đường dẫn vào đăng nhập để được xem các hình ảnh, video liên quan.
Vì vậy Công an TP HCM khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước các trò lừa đảo trên mạng xã hội, đừng tin vào các trò trúng thưởng với giá trị giải thưởng cao trên mạng internet. Khi có những cuộc gọi lạ thông báo liên quan đến các vụ án cần báo ngay cho cán bộ Công an nơi gần nhất, tránh việc làm theo các đối tượng, chuyển tiền vào tài khoản cho chúng.
Theo Nghinh Phong / Công an nhân dân
http://cand.com.vn/Lan-theo-dau-vet-toi-pham/Canh-giac-nhung-tro-lua-dao-tren-mang-dip-Tet-577703/