Chiều 27/12, TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Hữu Tín (sinh năm 1957, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM) cùng 4 đồng phạm về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Đầu phiên tòa, đại diện Viện KSND TPHCM đề nghị mức án đối với từng bị cáo. Theo đó, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Tín và Đào Anh Kiệt mức án từ 7 - 8 năm tù.
Mở đầu phần tranh luận, luật sư Nguyễn Thành Công - bào chữa cho bị cáo Đào Anh Kiệt (cựu giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường) - cho rằng không đủ căn cứ buộc tội bị cáo Kiệt vì chưa xem xét đến pháp luật chuyên ngành và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm khi chưa xem xét đến trách nhiệm của Sở Tài chính.
Các bị cáo tại tòa.
Cụ thể, công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 là công ty bình phong của Bộ Công an. Công ty Phim Giải phóng trực thuộc Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã nhượng quyền thuê đất số 15 Thi Sách cho Công ty Bắc Nam 79. Việc nhượng quyền thuê đất là sự thống nhất chỉ đạo từ Bộ Công an và Bộ Văn hóa thể thao và du lịch.
Thực tế, 2 bộ đã có nhiều văn bản trao đổi. Sau đó, ngày 24/20/2014, Bộ Công an có công văn 3702 gửi UBND TPHCM, đề nghị UBND TPHCM tạo điều kiện cho công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 thuê đất.
Do đó, mục đích thuê đất số 15 Thi Sách phục vụ nghiệp vụ an ninh tình báo là có thật và cấp bách. Đặc biệt với hàng loạt văn bản pháp luật như Pháp lệnh tình báo, Nghị định 162, Chỉ thị 936/2009 thì UBND TPHCM buộc phải hỗ trợ công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79.
Thứ hai, giám định tư pháp của Bộ Tài chính đã không xác định đúng chủ thể. Bởi công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 được Bộ Công an giới thiệu là công ty bình phong của Bộ Công an, làm nhiệm vụ tình báo và là chủ thể đặc biệt.
Ngoài ra, kết luận giám định tư pháp xác định sai thời điểm mà UBND TPHCM cho phép công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 chuyển mục đích sử dụng đất nên dẫn đến kết luận sai khi đánh giá nhà 15 Thi Sách buộc phải đấu giá quyền sử dụng đất khi giao, cho thuê đất. Bởi vào thời điểm này, UBND TPHCM cho thuê đất với mục đích làm văn phòng chứ không phải mục đích kinh doanh thương mại.
Hơn nữa, nội dung công văn 48 tham mưu cho UBND TPHCM là đúng pháp luật, đúng thẩm quyền. Ông Kiệt đã dựa trên các quy định, pháp lệnh tình báo… để tham mưu UBND TPHCM cho công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 thuê đất phục vụ công tác nghiệp vụ an ninh là đúng pháp luật, không vi phạm chế độ quản lý sử dụng tài sản là nhà 15 Thi Sách.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Kiệt đề nghị trả hồ sơ.
Còn việc tham mưu, đề xuất khấu trừ khoản tiền bồi thường tài sản và vật kiến trúc trên đất vào tiền thuê đất là hành vi riêng biệt của Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và môi trường không có chức năng nhiệm vụ và không tham mưu, đề xuất nội dung này cho UBND TPHCM.
Từ đó, luật sư đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung để xác định bị cáo Kiệt có phạm tội hay không.
Tiếp đó, luật sư Trần Minh Hải (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hữu Tín) cho rằng tuy ông Tín thừa nhận việc cho Công ty Bắc Nam 79 thuê đất là sai nhưng cần ghi nhận rằng từ cái sai này mà các công văn của Bộ Công an và Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, bí mật về hoạt động tình báo của tổ chức bình phong của Bộ Công an đã được giữ kín, không bị tiết lộ.
Bên cạnh đó, luật sư Hải cho rằng có khoảng trống pháp luật giữa việc quản lý đất đai và công tác an ninh tình báo. Bởi trong việc cấn trừ 6,7 tỉ đồng vào tiền thuê đất của công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79, UBND TP dựa trên quan điểm coi công ty này là tổ chức bình phong của Bộ Công an. Còn Bộ Tài chính xem xét công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 là doanh nghiệp đơn thuần.
Từ đó đã dẫn đến sự xung đột trong cách nhìn nhận về mục đích cho thuê đất đối với Công ty Bắc Nam 79. Dù ông Tín thừa nhận sai trong việc khấu trừ nhưng cái sai này xuất phát từ khoảng trống pháp lý.
Luật sư cho rằng dù bị cáo Tín nhận sai nhưng quyết định ông Tín ký không làm mất đi quyền sở hữu nhà nước đối với đất số 15 Thi Sách.
Ngoài ra, cáo trạng xác định bị cáo Tín có vai trò chủ mưu, nhưng thực tế bị cáo Tín ký các văn bản trên cơ sở các sở ban ngành đề đạt lên và dựa trên văn bản đề nghị của Bộ Công an, nên việc xác định bị cáo Tín chủ mưu là chưa phù hợp.
Ngày 30/12, phiên tòa tiếp tục tranh luận.
Luật sư Hải cũng cho rằng khoản tiền 802 tỉ đồng tiền sử dụng đất chưa thu không phải là thiệt hại của vụ án và vụ án này không có thiệt hại. Bởi Nhà nước chưa chuyển giao chủ quyền sử dụng đất cho Công ty Bắc Nam 79 nên nếu không thu được tiền sử dụng đất, quyền sử dụng đất vẫn thuộc về Nhà nước và không có thiệt hại phát sinh. Do đó, cần phải loại trừ việc xem xét trách nhiệm của bị cáo Tín đối với số tiền này.
Bào chữa bổ sung, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang cho rằng Bộ Công an có nhiều văn bản, chỉ thị để Công ty Bắc Nam 79 thuê đất nhằm phục vụ công tác tình báo. Đây là văn bản pháp luật đặc thù nên ông Tín cho rằng cần phải thực hiện theo pháp luật đặc thù thay vì Luật Đất đai.
Hiện nay UBND TPHCM chưa có hướng dẫn nào về việc khi có quy định đặc thù và các quy định pháp luật khác thì áp dụng văn bản pháp luật nào. Và không chỉ ông Tín nhận thức như vậy.
Luật sư Trang cũng cho rằng có lỗ hổng trong quy trình tổ chức UBND TPHCM. "Khi ông Tín nhận văn bản mật của Bộ Công an, các cơ quan giúp việc của UBND TPHCM ở đâu mà không tham mưu cho ông Tín rằng nếu ông thực hiện thì hậu quả thế nào", luật sư Trang đặt câu hỏi.
Ngày 30/12, phiên tòa sẽ tiếp tục tranh luận.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/phap-luat/de-nghi-tra-ho-so-vu-nguyen-huu-tin-20191227203016983.htm