16
/
171743
Bạo lực học đường và chế tài xử phạt
bao-luc-hoc-duong-va-che-tai-xu-phat
news

Bạo lực học đường và chế tài xử phạt

Thứ 5, 31/10/2024 | 15:02:00
1,991 lượt xem

BGTV - Vừa qua, chuyên mục " Luật sư của bạn" nhận được một số câu hỏi của khán giả xung quanh nội dung quy định của pháp luật về bạo lực học đường và chế tài xử phạt như thế nào?

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, Luật sư, Nguyễn Thị Phong Lan - Giám đốc Công ty Luật TNHH Intelico- Hà Nội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) có nội dung tư vấn như sau:

Luật sư Nguyễn Thị Phong Lan

Bạo lực học đường và chế tài xử phạt như thế nào?

Bạo lực học đường đang là một vấn nạn xã hội trong môi trường học đường xảy ra ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tính từ ngày 1/9/2021 - 5/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến 2.016 học sinh, bình quân cứ 50 cơ sở giáo dục xảy ra 1 vụ bạo lực học đường[1]. Bạo lực học đường không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩn của nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, tính cách. Vậy Bạo lực học đường là gì? Chế tài xử phạt hành vi bạo lực học đường như thế nào? 

1. Khái niệm bạo lực học đường

Căn cứ khoản 5 Điều 2 Nghị định số 80/2017/NĐ-CP, bạo lực học đường bao gồm các hành vi xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập, cụ thể:

- Hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập;

- Hành vi xâm hại thân thể, sức khỏe;

- Hành vi lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

- Cô lập, xua đuổi;

Tất cả những hành vi trên đều nhằm gây tổn hại cả về thể chất lẫn tinh thần của người học. Quy định này nhằm liệt kê các hành vi bạo lực học đường, từ đó, nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ học sinh khỏi mọi hình thức bạo lực, đảm bảo môi trường học tập an toàn và lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của các em.

2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường

Hiện nay, xảy ra tình trạng bạo lực học đường khó kiểm soát với nhiều nguyên nhân xuất phát từ phía gia đình, trường học, xã hội, ....

Thứ nhất, từ phía gia đình: Môi trường gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tính cách và hành vi của học sinh. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng tạo môi trường lành mạnh để trẻ phát triển. Khi trẻ em lớn lên trong gia đình có bạo lực, xung đột hoặc thiếu sự quan tâm sẽ dễ dàng nảy sinh suy nghĩ về bạo lực và bình thường hóa hành vi này. 

Thứ hai, từ phía nhà trường: Nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục và đào tạo học sinh. Một môi trường học tập không có sự giám sát và quy tắc rõ ràng có thể tạo điều kiện cho bạo lực xảy ra. Nhiều trường học còn nặng về kiến thức, chưa có nhiều hoạt động giúp học sinh nhận thức được các bài học về giá trị cuộc sống, sự tôn trọng và trách nhiệm của bản thân với người xung quanh. 

Bên cạnh đó, có một số trường xuất hiện tình trạng chạy đua thành tích khá phổ biến, điều này tạo ra một môi trường cạnh tranh giữa học sinh, thúc đẩy sự ganh đua, xung đột và hành vi bạo lực xảy ra.

Cuối cùng, từ phía xã hội: Trẻ em tiếp xúc với phương tiện truyền thông từ khá sớm. Các chương trình truyền hình, phim ảnh và video game thường xuất hiện nội dung bạo lực, xung đột. Tuy nhiên, trẻ em thường không có khả năng phân biệt giữa thực tế và hư cấu. Điều này, tác động trực tiếp đến hành vi và thái độ của trẻ, chúng sẽ có xu hướng giải quyết các mâu thuẫn bằng bạo lực.

3. Hậu quả do tình trạng bạo lực học đường gây ra

Bạo lực học đường có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng không chỉ đến nạn nhân mà còn đến cả người gây ra bạo lực:

- Đối với người bị bạo lực: xảy ra những hậu quả tác động về mặt tâm lý, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần, từ đó khiến nạn nhân có thể gặp khó khăn trong việc tập trung, dẫn đến giảm kết quả học tập và thành tích, thậm chí là nghỉ học.

- Đối với người gây bạo lực: sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định nội bộ của Nhà trường và theo quy định pháp luật (từ việc xử lý vi phạm hành chính, trách nhiệm dân sự và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự). 

Ngoài ra, bạo lực học đường sẽ khiến ảnh hưởng đến xã hội và các mối quan hệ giữa các cá nhân trong cộng đồng bởi các hành vi bạo lực. 

4. Chế tài xử phạt hành vi bạo lực học đường

4.1. Xử phạt tại Nhà trường

Căn cứ Điều 37 Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT, quy định những hành vi học sinh không được làm khi tham gia học tập tại trường bao gồm: “Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng”

Tại tiểu mục 5 Mục III Thông tư số 08/TT năm 1988, mức xử phạt dành cho hành vi bạo lực học đường cụ thể như sau: 

“5. Đuổi học 1 năm:

[...] Mắc khuyết điểm sai phạm rất nghiêm trọng, tuy chỉ là lần đầu, song hành động sai phạm này là có ý thức và chủ động (không phải bị lôi kéo, a tòng), gây nên những tác hại rất lớn, rất nguy hiểm đến tài sản của xã hội và tính mạng của con người như: tham gia 

các tổ chức trộm cắp, trấn lột, trụy lạc, phản động,… dùng vũ khí (dao găm, lưỡi lê, súng lục, lựu đạn, …) đánh nhau có tổ chức, gây thương tích cho người khác, can án ngoài nhà trường bị công an bắt giữ hoặc mắc những khuyết điểm sai phạm khác mà tính chất và mức độ tác hại tương đương.”.

Như vậy, bạo lực học đường là hành vi bị nghiêm cấm, học sinh không được thực hiện. Trường hợp học sinh cố tình gây ra các hành vi bạo lực học đường sẽ bị Nhà trường nơi học sinh đang học tập xử lý kỷ luật với hình thức đuổi học 1 năm. 

4.2. Xử lý vi phạm hành chính

Căn cứ theo Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.”

Đồng thời, Điều 22 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định cảnh cáo: “Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản.”

Theo các quy định, có thể hiểu:

- Đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi cố ý gây ra hành vi bạo lực học đường sẽ bị xử phạt hành chính. Trường hợp vô ý, sẽ không phải chịu xử lý vi phạm hành chính.

- Đối với người từ 16 tuổi trở lên gây ra hành vi bạo lực học đường sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, đối với cá nhân thực hiện hành vi bạo lực học đường chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng và có tình tiết giảm nhẹ thì có thể bị xử phạt cảnh cáo. 

4.3. Trách nhiệm dân sự

Hành vi bạo lực học đường là hành vi xâm hại thân thể, sức khỏe; xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Do đó, trong trường hợp xảy ra thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, người đại diện theo pháp luật của người gây ra bạo lực có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị bạo lực.

Căn cứ Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 được hướng dẫn bởi Điều 7 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP quy định về các khoản chi phí sẽ phải bồi thường thiệt hại bao gồm:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị. 

Ngoài ra, người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm phải bồi thường thiệt hại về chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu - Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015.

4.4. Truy cứu trách nhiệm hình sự

Trường hợp người bị bạo lực bị xâm phạm nghiêm trọng về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, người gây ra hành vi bạo lực học đường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (chỉ áp dụng đối với những học sinh từ đủ tuổi 16 tuổi trở lên - Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) theo các tội sau:

- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm khi:

+ Gây ra tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

+ Gây ra tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% và thuộc trường hợp: Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; đối với người dưới 16 tuổi; đối với thầy giáo, cô giáo của mình; ....

- Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Như vậy, người gây ra bạo lực học đường tùy vào mức độ, hậu quả hành vi bạo lực học đường sẽ phải chịu trách nhiệm hành sự. 

Từ những phân tích nêu trên, tình trạng bạo lực học đường là một vấn nạn chung của toàn xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của các nạn nhân (đa số là lứa tuổi học sinh). 

Nhằm giải quyết triệt để vấn nạn trên, nhà trường, gia đình cần ưu tiên xây dựng nền tảng giáo dục vững chắc, tăng cường giáo dục đạo đức và các kỹ năng xã hội cần thiết cho các em. Đồng thời, nâng cao, phối hợp mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc tư vấn tâm lý học đường để trẻ được hỗ trợ, chia sẻ khi gặp các vấn đề về cảm xúc, giúp trẻ giải quyết các xung đột và có hướng giải quyết phù hợp, ....

Duy Phách



  • Từ khóa

Những ai ‘bẻ lái’ kết luận thanh tra giúp đại gia Nguyễn Cao Trí thâu tóm dự án Đại Ninh?

Cựu bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bị cáo buộc hai lần ký bút phê vào đơn kiến nghị để giúp đỡ ông Nguyễn Cao Trí và nhận cảm ơn...
15:04 - 30/11/2024
602 lượt xem

Trường hợp nào phải ra hạn quyền sử dụng đất?

BGTV-Theo quy định mới của Luật Đất đai năm 2024, trường hợp nào người dân phải gia hạn và không phải gia hạn khi hết hạn sử dụng đất?
14:00 - 29/11/2024
1,142 lượt xem

Tạm giữ đối tượng giả danh Công an để lừa đảo

Ngày 29/11, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Tiền Giang) đã bàn giao đối tượng Lý Quang Thái, sinh 1979, cư trú...
13:50 - 29/11/2024
1,181 lượt xem

Xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”

Ngày 27/11/2024 Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng tài...
11:19 - 29/11/2024
1,269 lượt xem

Hiệp Hòa: Bắt nhóm thanh thiếu niên có hành vi 'Gây rối trật tự công cộng'

Ngày 27 và 28/11/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hiệp Hòa đã ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ hình sự đối với nhóm 10...
09:13 - 29/11/2024
1,291 lượt xem