Theo Bộ trưởng Tô Lâm, khi đã ngáo đá và có hành vi phạm tội thì xử lý rất nghiêm theo quy định của pháp luật .
Tăng số vụ án do người tâm thần, ngáo đá gây ra
Ngày 4/6, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (đoàn Bình Thuận) đặt vấn đề, thời gian qua, cả nước xảy ra nhiều vụ ngáo đá gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như giết người hoặc bắt cóc con tin. Bộ Công an đã có văn bản hướng dẫn xử lý những trường hợp ngáo đá xảy ra hậu quả nghiêm trọng, nếu chưa xảy ra hậu quả thì chưa xử lý hình sự được. Xin Bộ trưởng cho biết hướng xử lý loại đối tượng này để đảm bảo an ninh, trật tự địa phương?”
Trả lời đại biểu, người đứng đầu ngành Công an cho biết, đây là vấn đề mới trong hoạt động của các loại tội phạm. Số vụ án do người tâm thần, sử dụng ma túy dẫn đến ngáo đá gây ra có tăng lên trong thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Điểm chung của các vụ án này là sự việc diễn ra bất ngờ, không thể lường trước được, đối tượng gây án thường có mối quan hệ ruột thịt, họ hàng thân thiết với nạn nhân như con giết cha, mẹ; anh, chị, em giết nhau; chồng giết vợ...
“Qua khảo sát, người bị bệnh tâm thần có khả năng gây án cao khoảng 6 - 7 lần người bình thường, tập trung ở dạng tâm thần phân liệt, tâm thần hoang tưởng, tâm thần trầm cảm. Chúng tôi có phối hợp với chính quyền và các cơ quan chức năng để quản lý đối tượng tâm thần đang sống trong xã hội, cơ sở quản lý những người tâm thần sẽ được tăng cường để quản lý những người không làm chủ được hành vi của mình trong xã hội” – Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.
Đưa 1 người đi cai nghiện phải trải qua 6 bước
Bộ trưởng Bộ Công an thừa nhận, về vấn đề lập hồ sơ quản lý người nghiện ma túy và đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc còn có những khó khăn. Để đưa 1 người nghiện vào cai nghiện tại cơ sở bắt buộc phải trải qua 6 bước và 4 cơ quan để tiến hành việc này. Nếu người cai nghiện và gia đình không hợp tác thì rất khó thực hiện.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công an đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy. Để giảm nguồn cung trong nước thì việc quản lý và cai nghiện là vấn đề quan trọng. Bộ đang tổng kết thực hiện Luật Phòng, chống ma túy và đề xuất sửa đổi để có những biện pháp hữu hiệu hơn.
Theo ông Tô Lâm, thực tế còn nhiều vướng mắc nhưng nhiều địa phương đã vận dụng linh hoạt các quy định, có nhiều cách làm hay để làm tốt công tác quản lý và đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện.
“Trong khi chờ sửa luật, Bộ đang chỉ đạo phổ biến nhân rộng những cách làm hiệu quả của nhiều địa phương khác liên quan đến việc vận động đưa người cai nghiện vào cơ sở tập trung; Tăng cường công tác quản lý người nghiện, đề phòng hiện tượng ngáo đá - nguyên nhân gây ra tội phạm như các đại biểu đã quan tâm” – ông Tô Lâm nói.
Bộ cũng sẽ tăng cường hướng dẫn công an các đơn vị địa phương về quản lý các loại đối tượng này, hướng dẫn về các mặt nghiệp vụ để nhận diện, lên danh sách các đối tượng ngáo đá và có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, quản lý hoạt động của các đối tượng này ngay tại cơ sở. Đây là biện pháp để quản lý đối tượng, đề phòng gây án vì khả năng gây án của các đối tượng nghiện, ngáo đá là rất lớn.
“Họ chưa có hành vi phạm tội thì chưa thể xử lý được. Khi đã ngáo đá và có hành vi phạm tội thì xử lý rất nghiêm theo quy định của pháp luật” – ông Tô Lâm trả lời.
Trước đó, giải trình về công tác đấu tranh phòng, chống tội ma túy, Bộ trưởng Tô Lâm nhìn nhận, đây là loại "tội phạm của các loại tội phạm". Từ tội phạm ma tuý sẽ nảy sinh các loại tội phạm khác như giết người, cướp của.
Nếu mỗi bánh heroin lọt được vào Việt Nam thì khoảng 10 gia đình có người đi tù, có người vi phạm pháp luật, từ vận chuyển đến mua bán. Đây là loại tội phạm hết sức nguy hiểm.
Theo ông, hiện 50% số phạm nhân trong các trại giam có liên quan tới ma túy. Vì thế, đấu tranh trong lĩnh vực này rất quan trọng để giảm tội phạm trong nước./.
Theo Kim Anh/VOV.VN