Người dân Hà Nội đốt lửa sưởi ấm trên vỉa hè, lòng đường hoàn toàn có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí phạt tù nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Thời tiết giá lạnh tại Hà Nội những ngày qua khiến nhiều người lao động làm việc ngoài trời như công nhân, bán hàng rong, xe ôm hay người vô gia cư phải đốt lửa, căng ô để chống rét. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, điều này vô tình đã ảnh hưởng đến chất lượng không khí, mất mỹ quan đô thị, gây hư hỏng cơ sở hạ tầng giao thông. Thậm chí là vi phạm pháp luật.
Hà Nội chìm trong giá rét, người lao động đốt lửa sưởi dưới gầm cầu. Ảnh: TG.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Lao Động, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, việc người dân sưởi ấm bằng củi, cành khô ở lòng đường hay vỉa hè, dưới gầm cầu hoàn toàn có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo luật sư Lực, hành vi đốt củi, cành khô để sưởi ấm ngoài đường sẽ phát sinh ra khói bụi lẫn vào không khí, người đi đường hít phải dễ mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Việc đốt củi để sưởi ấm ngoài đường sẽ phát sinh ra khói bụi lẫn vào không khí.
"Điều 7 của Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định cấm hành vi thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, chất ion hóa vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Nghị định 155/2015/NĐ-CP cũng quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với mức phạt tối đa với cá nhân lên tới 1 tỉ đồng tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi", luật sư Lực cho biết.
Ngoài tác động đối với môi trường, việc đốt lửa sưởi ấm trên vỉa hè, lòng đường có thể gây hư hỏng kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông. Luật sư Lực cho hay, theo Điều 15 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, phạt tiền từ 200.000 - 300.000 đồng đối với cá nhân, 400.000 - 600.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi tự ý đốt lửa trên cầu, dưới gầm cầu; nơi neo đậu tàu, thuyền dưới gầm cầu hoặc trong phạm vi hành lang an toàn câu.
Người lao động tập trung từng tốp đốt lửa trên vỉa hè chống rét.
Ngoài các chế tài hành chính, trường hợp đốt lửa tại các địa điểm dễ cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng, thì người đốt lửa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy" theo Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với mức phạt tù cao nhất lên đến 12 năm tù.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Nhiều người đốt lửa sưởi ấm trong mùa giá rét ở vỉa hè.
Bên cạnh đó, nếu hành vi đốt lửa sưởi ấm cản trở giao thông, gây tai nạn cho người tham gia giao thông, dẫn đến tổn hại sức khỏe, tính mạng hay gây thiệt hại về vật chất cho nạn nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cản trở giao thông đường bộ" theo Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức phạt tù cao nhất lên đến 15 năm tù.
Nền nhiệt giảm mạnh dưới 10 độ C, nhiều người dân lao động đốt lửa dọc vỉa hè.
Qua đó, luật sư Quách Thành Lực cho rằng, chính quyền địa phương cần có các chính sách, chương trình quyên góp, ủng hộ, nhà tình thương hay các biện pháp hỗ trợ khác đối với những người vô gia cư, người thu nhập thấp trên địa bàn để người dân có thể trống rét trong điều kiện khắc nghiệt như hiện tại.
Bên cạnh đó, người dân, đặc biệt là người lao động ngoài trời, bán hàng rong, xe ôm hay người vô gia cư cần nắm rõ các quy định này và tránh đốt lửa sưởi ấm trên vỉa hè, lòng đường để không vi phạm quy định của pháp luật.
Theo Tùng Giang/Lao động
https://laodong.vn/phap-luat/nguoi-dan-dot-lua-tren-via-he-co-the-vi-pham-phap-luat-tham-chi-phat-tu-869534.ldo