11
/
172059
Tốt nghiệp muộn vì chuẩn đầu ra ngoại ngữ: 'Bài toán' hóc búa
tot-nghiep-muon-vi-chuan-dau-ra-ngoai-ngu-bai-toan-hoc-bua
news

Tốt nghiệp muộn vì chuẩn đầu ra ngoại ngữ: 'Bài toán' hóc búa

Thứ 5, 07/11/2024 | 15:53:00
1,970 lượt xem

Hàng nghìn sinh viên chậm tốt nghiệp do vướng chuẩn đầu ra ngoại ngữ là “bài toán” hóc búa với nhiều trường đại học.

Sinh viên cần nhận thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ để chủ động trau dồi phù hợp và đạt chuẩn đầu ra. Ảnh: ITN

Việc này ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo chung của nhà trường, gây tốn kém nguồn lực giảng viên, cơ sở vật chất để hỗ trợ người học.

Hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp muộn

Năm 2016, Bộ GD&ĐT ban hành quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ dựa trên Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Trong đó, yêu cầu với người có bằng đại học phải có năng lực ngoại ngữ bậc 3/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam, tương đương trình độ B1 theo khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu - CEFR. Đây cũng là chuẩn đầu ra tiếng Anh được đa số trường đại học sử dụng để xét đầu ra tốt nghiệp. Tuy nhiên, hằng năm, có hàng chục nghìn sinh viên không thể tốt nghiệp đúng hạn do thiếu chứng chỉ ngoại ngữ.

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, Trường Đại học Công Thương TPHCM cho biết, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng thời hạn (tức là 3,5 năm) tại trường khoảng 58% so với chỉ tiêu đầu vào. Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, trong đó chủ yếu là sinh viên chưa đạt chuẩn ngoại ngữ để tốt nghiệp đúng hạn. Ngoài ra, có một số lượng sinh viên học hệ kỹ sư, chương trình đào tạo kéo dài hơn (4 năm).

Theo ông Sơn, việc sinh viên bị “giam” bằng tốt nghiệp do thiếu chứng chỉ ngoại ngữ đã tác động đến quy mô đào tạo và xác định chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Khi tỷ lệ này cao, số lượng sinh viên chưa tốt nghiệp sẽ tăng, dẫn đến áp lực cho cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và các nguồn lực khác. “Điều này có thể làm phức tạp hơn cho việc lên kế hoạch chỉ tiêu tuyển sinh cho các khóa mới, vì quy mô hiện tại bao gồm cả sinh viên đã hoàn tất chương trình nhưng chưa đủ điều kiện tốt nghiệp”, ông Sơn cho biết.

Nói về việc sinh viên tốt nghiệp muộn, ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng ban Truyền thông, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, khi xem xét số liệu từ các trường đại học và cao đẳng hiện nay, dễ thấy tình trạng này phổ biến. “Ví dụ, nếu một trường có 2.000 sinh viên nhập học mỗi năm nhưng chỉ khoảng 1.000 - 1.200 sinh viên trong số đó tốt nghiệp đúng hạn. Điều này đồng nghĩa khoảng 800 - 1.000 sinh viên chậm tốt nghiệp, lý do chủ yếu đến từ việc nợ chuẩn đầu ra hoặc nợ môn học”, ThS Ngọc nói.

Phó Hiệu trưởng một trường đại học công lập tại TPHCM cho hay, sinh viên chậm ra trường do thiếu chứng chỉ ngoại ngữ có nguyên nhân một phần vì chất lượng đầu vào ngoại ngữ thấp. “Ngoại trừ các em đến từ đô thị lớn, trường chuyên thì đa phần sinh viên đến từ vùng nông thôn nên khó khăn hơn trong tiếp cận ngoại ngữ.

Trong khi đó, chương trình tiếng Anh ở bậc đại học lại nặng, cũng không đủ thời lượng để dạy lại các em, nên nếu đầu vào thấp, người học khó theo kịp. Vì vậy, các em phải xác định học tiếng Anh là quá trình dài, không thể chờ “nước đến chân mới nhảy” hay qua vài khóa học là thành thạo”, ông phân tích.

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) trong lễ khai giảng năm học 2024 - 2025. Ảnh: Lê Nam 

Trường lên kế hoạch “theo sát” sinh viên

ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) cho rằng, trình độ tiếng Anh của giới trẻ hiện nay có chuyển biến tích cực so với trước đây. Số lượng sinh viên đạt được các chứng chỉ quốc tế, được miễn thi, sử dụng tiếng Anh thành thạo tăng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh đó có một bộ phận sinh viên gặp khó khăn trong quá trình học ngoại ngữ và chưa đảm bảo yêu cầu chứng chỉ đầu ra của các trường đại học, dẫn đến tốt nghiệp muộn hơn so với kế hoạch. “Đây là điều đáng tiếc bởi sinh viên không chỉ tốt nghiệp muộn hơn các bạn cùng trang lứa, mà hạn chế về ngoại ngữ còn làm mất đi những cơ hội việc làm triển vọng”, bà Dung nói.

Theo bà Dung, HUTECH có nhiều kế hoạch để phát triển kỹ năng ngoại ngữ cho sinh viên. Cụ thể, ngay từ học kỳ đầu tiên bộ phận đào tạo đã phổ biến rất rõ những yêu cầu đầu ra, trong đó yêu cầu về ngoại ngữ để sinh viên chủ động lên kế hoạch học tập, nâng cao năng lực và thi các chứng chỉ ngoại ngữ từ sớm.

Bên cạnh đó, tại các khoa, viện đào tạo thường xuyên phối hợp với trung tâm ngoại ngữ để triển khai các buổi hội thảo chuyên đề, cuộc thi học thuật về kinh nghiệm học ngoại ngữ, các phương pháp và chiến lược cụ thể để nâng cao trình độ tiếng Anh cho sinh viên.

Đặc biệt, trường có không gian giao lưu quốc tế sôi nổi (lễ hội văn hóa đa quốc gia, tuần lễ nghiên cứu khoa học, thực hiện các dự án học thuật, giao lưu với sinh viên quốc tế đến từ đại học đối tác, tổ chức cho sinh viên tham gia chương trình chuyển tiếp học tập ở nước ngoài...) để sinh viên rèn luyện ngoại ngữ một cách sinh động, trực quan và thú vị hơn.

“Tất nhiên để những định hướng hoạt động này hiệu quả thì điều quan trọng nhất vẫn là sinh viên tự nhận thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ để chủ động lên kế hoạch trau dồi phù hợp và đạt chuẩn đầu ra”, ThS Dung nói.

Tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF), sinh viên được học tập tiếng Anh ngay từ đầu năm nhất và xuyên suốt trong quá trình học nên hiếm gặp trường hợp chậm tốt nghiệp vì chứng chỉ ngoại ngữ. “Giải pháp tốt nhất giúp sinh viên phát triển ngoại ngữ là phải quan tâm sâu sát để đốc thúc các em trau dồi”, ThS Trương Thị Ngọc Bích - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông nói.

Cụ thể, đội ngũ giáo vụ, cố vấn học tập nhà trường luôn theo sát để nhắc nhở những sinh viên có nguy cơ thiếu điểm ngoại ngữ. “Các giáo vụ sẽ gọi, nhắn nhủ các em nếu học kỳ này thiếu điểm ngoại ngữ khả năng sẽ mất học bổng, khó qua môn. Chỉ có quan tâm sát sao như thế các em mới không bê trễ việc học ngoại ngữ”, ThS Bích chia sẻ.

Trong khi đó, Trường Đại học Công Thương TPHCM đưa ra các chương trình bổ trợ như tăng cường lớp ngoại ngữ giao tiếp, đồng thời thường xuyên nhắc nhở sinh viên trong quá trình học tập nhằm giảm áp lực trong giai đoạn “nước rút”.

“Sinh viên chậm tốt nghiệp do thiếu chứng chỉ ngoại ngữ cũng có lý do từ việc nhiều em chưa ý thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ. Các em nên rèn luyện tiếng Anh hàng ngày, đều đặn, kiên trì”, ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, Trường Đại học Công Thương TPHCM nói.

“Để tránh tình trạng tốt nghiệp muộn, cần quản lý bản thân ngay từ năm nhất. Việc đầu tiên là quản trị thời gian. Các bạn phải có thời gian biểu, thời khóa biểu và tập cho mình tính kỷ luật để hoàn thành các đề mục trong ngày phải làm. Làm tốt từ năm 1 - 3, đến năm cuối, chắc chắn sẽ không bao giờ thấy mình dang dở”, ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng ban Truyền thông, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) nhắn nhủ.

Theo Quốc Hải - Lê Nam/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/tot-nghiep-muon-vi-chuan-dau-ra-ngoai-ngu-bai-toan-hoc-bua-post707544.html

  • Từ khóa

Chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 12/2024

Quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên; Quy trình xây dựng, thẩm định, phương pháp định giá dịch vụ giáo dục,...
15:33 - 02/12/2024
11 lượt xem

Thay đổi quy định điểm sàn khi xét tuyển đại học ngành y dược, sư phạm

Theo dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến áp dụng một mức điểm sàn cho nhóm ngành y dược và sư phạm.
14:50 - 02/12/2024
31 lượt xem

Tuyển dụng giảng viên: Thảm đỏ cũng… khó mời

Hiện có nhiều rào cản khiến các trường gặp không ít khó khăn trong việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài...
10:42 - 02/12/2024
128 lượt xem

‘Còn vị thi cử thì còn dạy thêm’

Trong các hệ thống giáo dục, đặc biệt ở nhiều nước Đông Á, "giáo dục vị thi cử" - hay còn gọi là "teaching to the test" - đã trở thành hiện tượng phổ...
08:53 - 02/12/2024
175 lượt xem

Học sinh đổi kế hoạch, 'tìm đường lui' trước khả năng siết xét tuyển

Nâng ngưỡng đầu vào ngành sư phạm và sức khỏe, siết quy định xét tuyển bằng học bạ là một số quy định mới trong dự thảo của Bộ GD-ĐT khiến nhiều học sinh...
07:36 - 02/12/2024
223 lượt xem