Ngày 4/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về:
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên thảo luận tại hội trường. (Ảnh DUY LINH)
Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người dân sau thiên tai
Góp ý vào đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua, nhiều đại biểu thống nhất cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và dự kiến năm 2025; nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành rất sát sao, quyết liệt, linh hoạt, cùng sự nỗ lực của người dân và doanh nghiệp, nền kinh tế của nước ta được phục hồi và phát triển nhanh; có nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Đề cập tình hình kinh tế trong nước, đại biểu Trần Thị Quỳnh (Nam Định) cho rằng, nhu cầu của nền kinh tế còn yếu, vẫn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, chi đầu tư công còn chậm… Do vậy, Chính phủ cần giảm thuế VAT, tiếp tục tháo gỡ nút thắt để hỗ trợ nền kinh tế; tiếp tục nới lỏng thực chất chính sách tài khóa, nghiên cứu hỗ trợ mạnh hơn cho những gia đình, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi bão lũ, thiên tai.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, về giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua có tích cực nhưng chưa đạt kế hoạch, tỷ lệ giải ngân chung của cả nước chín tháng đầu năm là 47,29%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Do vậy, Chính phủ cần phân tích, nhận diện rõ các nguyên nhân, từ đó có giải pháp cụ thể, phù hợp và hiệu quả đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phát triển...
Để hoàn thành các mục tiêu do Đại hội XIII của Đảng đề ra, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), cần quan tâm đến các nông sản, thủy sản, sản phẩm công nghệ số mang thương hiệu Việt Nam; tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ... Việc Quốc hội chuẩn bị thông qua các dự án luật, nghị quyết tại kỳ họp này là một trong những biện pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế...
Về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) và nhiều đại biểu khác nhận định: Tỷ lệ hộ nghèo tại 74 huyện nghèo tuy có giảm nhưng vẫn còn rất cao (chiếm 31,72%). Nguồn vốn đầu tư cho Chương trình giải ngân còn thấp, dự kiến sẽ không đạt theo kế hoạch.
Do đó, đại biểu kiến nghị với Chính phủ cần đánh giá chính xác nguyên nhân khách quan, chủ quan ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình giảm nghèo; làm rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương về việc đạt kết quả giải ngân thấp của chương trình; tiếp tục rà soát, đánh giá bổ sung tác động của thiên tai để có các giải pháp giảm nghèo khả thi, hiệu quả sát với thực tế các tháng cuối năm 2024 và năm 2025.
Thời gian qua, đất nước ta đã hứng chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, trong đó có cơn bão số 3 (Yagi) và cơn bão Trà Mi; sau khi những cơn bão đi qua, còn nhiều vướng mắc. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) cho rằng: Các quy định, cơ chế, chính sách hỗ trợ khắc phục thiên tai được ban hành từ giai đoạn trước, chưa được cập nhật đầy đủ các đối tượng chịu ảnh hưởng cần được hỗ trợ; nội dung hỗ trợ và mức hỗ trợ còn thấp so với thiệt hại lớn do cơn bão số 3 gây ra.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh DUY LINH)
Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, hỗ trợ các ngành, lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nặng nề, xây dựng đề án tái thiết nền kinh tế sau bão; thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, người dân bị ảnh hưởng thiệt hại; ưu tiên bố trí nguồn lực để sớm khắc phục các sự cố, hư hỏng về hệ thống giao thông, đê điều, hồ chứa thủy lợi…
Đặc biệt, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp để khôi phục sản xuất, cơ chế trục vớt tàu, thuyền bị đắm do thiên tai gây ra, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy; bố trí nguồn vốn để thực hiện công tác đầu tư xây dựng, cải tạo lưới điện nhằm cung cấp điện, bảo đảm an toàn trước những ảnh hưởng của thiên tai.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang) đề nghị, Chính phủ cần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, các vấn đề về môi trường, nâng cao năng lực chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân; có giải pháp phòng, tránh bão, lũ từ sớm, từ xa. Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất Quốc hội xem xét ban hành chính sách bảo hiểm lũ lụt.
Thảo luận về những nguyên nhân gây cản trở sự phát triển, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) cùng nhiều đại biểu kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật; kịp thời ban hành cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; giải pháp khắc phục điểm nghẽn ở thể chế đã được chỉ ra; thường xuyên đánh giá chất lượng, hiệu quả các chính sách ban hành để kịp thời điều chỉnh, nhất là có cơ chế kiểm điểm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp thực tế cuộc sống, cản trở phát triển kinh tế-xã hội.
Tháo gỡ khó khăn, tìm hướng đi phù hợp
Liên quan đến vấn đề tháo gỡ khó khăn ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên sau sáp nhập, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện cả nước có 92 trung tâm do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý, 526 trung tâm do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp quận/huyện/thị xã quản lý.
Việc chủ thể quản lý, điều hành hiện nay rất đa dạng đã dẫn đến một số vướng mắc nhất định. Do vậy, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xử lý các bất cập nêu trên; đồng thời đề xuất Chính phủ sửa đổi chính sách về trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó tập trung xem xét “đấu nối” công tác quản lý các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp một cách hợp lý hơn.
Đối với việc phân bổ, hướng nghiệp cho học sinh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định: hiện học sinh phải đối mặt với sức ép rất lớn khi thi vào lớp 10. Vì thế, cần thiết đưa ra những đánh giá đầy đủ về hiệu quả thực tế của Quyết định 522 sau thời gian triển khai từ năm 2018.
Phát biểu ý kiến giải trình tại phiên làm việc, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị-xã hội, các chính sách xã hội cơ bản được triển khai đúng, đủ và kịp thời. Trong đó, các chính sách giảm nghèo bền vững dành cho những đối tượng yếu thế được thực hiện theo hướng bảo đảm an sinh tối thiểu và nâng dần các mức trợ giúp xã hội.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, hiện cần tập trung vào đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghệ bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đề án phát triển nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao. Cụ thể hơn, cần có chính sách hiệu quả thu hút nguồn nhân lực cao vào khu vực công; chú trọng nghiên cứu khoa học trong khu vực đại học, lấy tự chủ đại học là khâu đột phá; tập trung đổi mới giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và nhà nước.
Về nội dung phát triển thủy sản bền vững, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan dẫn nội dung Công điện số 111/CĐ-TTg ngày 4/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), khẳng định đây là bước tiến lớn để phát triển bền vững thủy sản.
Đối với những biện pháp gỡ thẻ vàng thủy sản, người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Đoàn thanh tra của Liên minh châu Âu đã ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành Việt Nam, đặc biệt là việc nhiều địa phương ở nước ta đã quyết liệt ngăn chặn hành vi đánh bắt, khai thác hải sản bất hợp pháp.
Theo Nhân dân Online
https://nhandan.vn/chi-dao-dieu-hanh-quyet-liet-linh-hoat-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-post843082.html