Kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ giáo viên thúc đẩy các điều kiện bảo đảm, nâng cao chất lượng giáo dục. Những năm vừa qua, công tác kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ giáo viên có sự quan tâm chăm lo đầu tư từ nguồn lực Nhà nước và một phần công tác xã hội hóa góp phần thay đổi diện mạo trường, lớp học trên khắp cả nước.
Công trình không gian đọc thân thiện của học sinh Trường tiểu học Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh DƯƠNG CHUNG)
Tăng nhanh trường lớp học được kiên cố
Trước kia, mọi hoạt động học tập, ăn, ngủ của học sinh Trường mầm non xã Đại Đồng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đều trong một căn phòng nhỏ, bất tiện, không đủ tiêu chuẩn thì giờ đây, trẻ được học tập trong không gian rộng rãi, có phòng ngủ riêng; khu vệ sinh khép kín khang trang, phù hợp với lứa tuổi. Đây là kết quả của việc huy động nguồn lực xã hội hóa kiên cố trường lớp, xóa bỏ phòng học tạm của tỉnh Yên Bái trong những năm qua.
Cô giáo Trần Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Đại Đồng chia sẻ, năm 2019, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) đầu tư xây dựng cho nhà trường sáu phòng học kiên cố, với tổng số tiền 3,5 tỷ đồng. Sau một năm thi công, công trình được bàn giao cho nhà trường và đưa vào sử dụng từ tháng 12/2020. Cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sự hỗ trợ, bổ sung kịp thời trong công tác xã hội hóa, đến nay Trường mầm non xã Đại Đồng đã được công nhận là trường học chuẩn quốc gia mức độ hai. Năm học 2024-2025, nhà trường nuôi dạy 170 học sinh với 7 nhóm lớp trong độ tuổi từ 3-72 tháng tuổi.
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Bình, Vũ Thị Lý cho biết những năm qua, địa phương nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, chính quyền trong việc thực hiện chủ trương kiên cố hóa trường lớp học. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa kiên cố trường lớp học, nhà công vụ giáo viên cũng được ngành giáo dục cùng các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương kêu gọi và được các đơn vị doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh và ngoài tỉnh hỗ trợ, cùng chung tay, góp sức, góp phần xây dựng bức tranh chung cho sự nghiệp phát triển giáo dục.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái Đào Tuấn Anh, với địa hình đồi núi cộng với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, Yên Bái thường xuyên phải gánh chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra cho nên nhu cầu nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học, nhà công vụ giáo viên là rất lớn. Những năm qua, tỉnh đã nỗ lực bố trí, sắp xếp nguồn đầu tư của Nhà nước và huy động nguồn lực từ xã hội hóa góp phần quan trọng đẩy mạnh kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ giáo viên đạt được kết quả tích cực. Năm 2013, toàn tỉnh có 6.069 phòng học các cấp, trong đó có 4.115 phòng kiên cố (đạt tỷ lệ 68%) Đến năm 2023, toàn tỉnh có 6.871 phòng học, trong đó có 6.026 phòng kiên cố (đạt tỷ lệ 87,7%). Ngoài nguồn lực đầu tư của Nhà nước, tỉnh Yên Bái đã huy động được 223,78 tỷ đồng từ nguồn lực xã hội hóa giúp tăng thêm 455 phòng học và 36 phòng công vụ cho giáo viên của 79 trường học được xây dựng kiên cố.
Không chỉ tỉnh Yên Bái, nhiều địa phương đã ban hành các chính sách khuyến khích, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để xây dựng, sửa chữa trường, lớp học, mua sắm đồ dùng, trang thiết bị dạy học. Điển hình tại tỉnh Điện Biên, tính đến hết năm 2023 có 7.333 phòng học trong đó có 5.493 phòng học kiên cố hóa, chiếm tỷ lệ 74,91% (tăng 20,6% so với năm 2013). Đáng chú ý, trong mười năm qua, tỉnh Điện Biên đã huy động các nguồn lực xã hội hóa xây dựng 826 phòng học và 192 phòng công vụ cho giáo viên với tổng số tiền 585,8 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, năm 2013, cả nước có 41.397 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, với tổng số 553.181 phòng học, chỉ có 65,9% số phòng học kiên cố, nhất là cấp học mầm non với tỷ lệ rất thấp chỉ đạt 47,7%. Tính đến năm 2023, hệ thống trường, lớp học đã có sự cải thiện đáng kể với 628.571 phòng học, trong đó 86,6% được kiên cố hóa, tăng hơn 20% so với năm 2013. 10 năm qua, cả nước có 37.200 phòng học và nhà ở công vụ giáo viên được xây dựng từ nguồn xã hội hóa với số kinh phí ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng.
Cần thêm sự chung tay góp sức
Có thể nói, cùng với nguồn đầu tư của Nhà nước, chính sách xã hội hóa giáo dục đã trở thành động lực to lớn, khơi dậy tinh thần trách nhiệm cộng đồng, đồng thời khuyến khích sự tham gia đóng góp từ các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân cho sự nghiệp trồng người. Tuy nhiên, tỷ lệ kiên cố hóa bình quân đạt 86% so với 10 năm trước, dù rất cao nhưng số chưa kiên cố hóa lại chủ yếu tập trung ở các tỉnh khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc và vùng khó khăn (Tây Bắc, Tây Nguyên, Trung Bộ và Tây Nam Bộ). Đáng chú ý, những trường học chưa được kiên cố tập trung nhiều nhất ở bậc học mầm non và tiểu học; nhiều tỉnh có tới hơn 40% số trường chưa kiên cố hóa ở hai bậc học này (Đắk Nông, Kon Tum, Cao Bằng, Lai Châu…).
Trong khi đó, mầm non và tiểu học là các em nhỏ tuổi nhất trong lứa tuổi đi học cần được ưu tiên chăm lo và cần được học tập trong những ngôi trường kiên cố, bảo đảm tiện nghi cơ bản nhưng lại đang phải chịu thiệt thòi về trường lớp học. Vì vậy, cần tiếp tục đầu tư kiên cố hóa trường lớp học từ nhiều nguồn khác nhau.
Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, xác định rõ “phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 100%”. Để thực hiện được mục tiêu nêu trên cần các giải pháp mang tính tổng thể, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo và việc huy động các nguồn lực xã hội cho kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ giáo viên là hết sức quan trọng.
Vì vậy, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và lan tỏa phong trào xã hội hóa, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, nhất là kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Ngành giáo dục cũng như các địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức việc kiên cố hóa trường, lớp học là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Các địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp học; khuyến khích mô hình hợp tác công tư (PPP) trong việc xây dựng trường học và nhà công vụ cho giáo viên nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và thu hút tối đa nguồn lực từ xã hội. Với trách nhiệm quản lý nhà nước, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ trong việc xây dựng chương trình đầu tư công phát huy nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, từ các dự án; đồng thời rà soát các chính sách để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục để thu hút nhiều hơn nguồn lực xã hội tiến tới hoàn thành mục tiêu kiên cố hóa 100% trường học vào năm 2030.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, để hoàn thành mục tiêu kiên cố hóa toàn bộ hệ thống trường lớp, nhà công vụ cho giáo viên trong thời gian tới cùng với đầu tư của Nhà nước cần tiếp tục huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất các chính sách ưu đãi để khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội vào công cuộc xã hội hóa giáo dục, trong đó chú trọng kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ cho giáo viên.
UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa và dịch chuyển dân số. Các địa phương bảo đảm ngân sách cho giáo dục và đào tạo, đồng thời chủ động đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học ở các khu vực khó khăn.
Theo Thúy Quỳnh/ Nhân Dân
https://nhandan.vn/xa-hoi-hoa-kien-co-truong-lop-hoc-nha-cong-vu-giao-vien-post842907.html