Các cuộc thi STEM do trường đại học kết nối với trường phổ thông là sân chơi giúp phát hiện và nuôi dưỡng tài năng khoa học, công nghệ...
Học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong tìm hiểu, thiết kế mô hình xe điều khiển không dây dưới sự hướng dẫn của các giảng viên, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng).
Học sinh phổ thông được truyền cảm hứng học tập, theo đuổi con đường khoa học - công nghệ từ các buổi học kết nối do trường đại học tổ chức về kỹ năng sáng tạo trong hoạt động STEM.
Sân chơi sáng tạo
Học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (Hải Châu, Đà Nẵng) vừa trải nghiệm nhiều hoạt động trong Ngày hội STEM - Khơi nguồn sáng tạo. Đây là dự án do nhà trường phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) triển khai trong tháng 10.
Với 4 chuyên đề được tổ chức vào các ngày cuối tuần, do các giảng viên của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) chủ trì, gồm tìm hiểu về phương pháp giáo dục STEM và cách tiếp cận sáng tạo cho học sinh THCS; thực hành và trải nghiệm các mô hình STEM liên quan đến cơ khí và kỹ thuật; hoạt động nhóm và thảo luận về việc ứng dụng STEM trong thực tiễn; tổ chức Cuộc thi thiết kế và sáng tạo sản phẩm STEM với chủ đề “Thiết kế bánh xe mơ ước”.
Ngày hội STEM - Khơi nguồn sáng tạo tại Trường THCS Lê Hồng Phong đã diễn ra nhiều hoạt động hữu ích, thu hút học sinh và sinh viên như các cuộc thi: “Sáng tạo cùng STEM”, “Thiết kế bánh xe mơ ước”, “Làm kem siêu tốc”, thuyết trình các sản phẩm công nghệ do chính các học sinh thực hành, trải nghiệm và thể hiện.
Những mô hình xe điều khiển không dây tham gia tranh tài tại Cuộc thi “Thiết kế bánh xe mơ ước” lần này chính là sản phẩm của học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong sau 4 tuần tham gia dự án.
Thầy Đặng Ngọc Lam - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong chia sẻ: “Thông qua sự hướng dẫn, huấn luyện của các giảng viên, chuyên gia tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng), học sinh được nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, thuyết trình.
Các giảng viên, chuyên gia của nhà trường đã cung cấp định hướng, động lực và truyền cảm hứng cho học sinh theo đuổi các lĩnh vực STEM trong tương lai. Sự phối hợp giữa trường đại học và trường THCS tạo ra mối quan hệ hợp tác hiệu quả, thúc đẩy chuyển giao kiến thức và kỹ năng. Góp phần xây dựng hệ thống giáo dục STEM liên thông từ trung học đến đại học”.
Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (VNUK) thuộc Đại học Đà Nẵng khởi động Cuộc thi Sáng tạo Khoa học Công nghệ U-Invent mùa thứ 7 với chủ đề Sáng tạo vì một tương lai an toàn hơn - Innovation For a Safer Future.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án Thành phố lành mạnh cho thanh thiếu niên - dự án đang được UNICEF Việt Nam triển khai. Đồng thời là mô hình gắn kết giữa giáo dục STEM với khoa học và ứng dụng thực tiễn; giữa môi trường giáo dục THPT với đại học mà Viện VNUK khởi xướng.
U-Invent 2024 được tổ chức xuyên suốt 4 tháng với nhiều lần kết nối, gặp gỡ, huấn luyện các đội thi và thí sinh là học sinh THPT. Những kiến thức, kỹ năng cần thiết, đặc biệt sự tư vấn bổ ích, chia sẻ kinh nghiệm từ chuyên gia giúp các đội thi hoàn thiện ý tưởng, giải pháp và sản phẩm/dịch vụ góp phần thiết thực đáp ứng nhu cầu đổi mới sáng tạo vì cộng đồng.
Học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong tham gia cuộc thi “Thiết kế bánh xe mơ ước” trong Ngày hội STEM. Ảnh: NTCC
Ươm mầm nhân lực ngành kỹ thuật
Nguyễn Đức Hưng - học sinh lớp 8/1, Trường THCS Lê Hồng Phong chia sẻ: “Lần đầu tiên em được sử dụng các thiết bị hiện đại tại phòng thí nghiệm của trường đại học để tạo mô hình xe điều khiển không dây.
Cùng các bạn tự tay thiết kế, lắp ráp, vận hành sản phẩm, em thấy kiến thức học được qua các môn học có sự liên kết với nhau để vận dụng vào thực tế. Khi xe vận hành được từ các thiết bị điều khiển, nhóm chúng em rất vui. Em thấy hứng thú và sẽ cố gắng học tốt hơn các môn Công nghệ, Khoa học tự nhiên và Toán để có thể tạo ra những sản phẩm mới”.
TS Trần Hoàng Vũ - Trưởng khoa Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) nhận xét, học sinh THCS đang ở độ tuổi thích khám phá và dễ dàng tiếp nhận các ý tưởng mới, điều này thuận lợi cho việc giới thiệu và đào sâu về STEM.
Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, giảng viên có gặp khó khăn trong việc duy trì hứng thú và khả năng tập trung của học sinh. Một số em có thể gặp khó trong việc nắm bắt kiến thức STEM, đặc biệt khi nội dung quá phức tạp hoặc không liên quan đến trải nghiệm thực tế. Vì vậy, thầy cô phải chọn những nội dung không quá phức tạp, vượt khả năng hiểu biết của người học.
PGS.TS Nguyễn Lê Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) cho biết: “Với chương trình tập huấn Giáo dục STEM, học sinh phổ thông bước đầu làm quen với các kỹ năng sáng tạo trong hoạt động STEM. Những trải nghiệm này sẽ giúp truyền cảm hứng học tập, theo đuổi con đường khoa học - công nghệ cho học sinh”.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) đã tổ chức Trại hè Công nghệ 2024 cho học sinh các trường THPT tại Đà Nẵng tham gia. Với Trại hè Công nghệ 4.0, học sinh các khối lớp 10, 11, 12 có cơ hội được tiếp xúc trải nghiệm các sản phẩm công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo (AI) các ngành kỹ thuật hiện nay. Từ những trải nghiệm thực tế sẽ giúp các em định hướng nghề nghiệp tương lai theo sở thích và năng lực bản thân…
Theo PGS.TS Nguyễn Lê Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), các cuộc thi STEM do trường đại học kết nối với trường phổ thông là sân chơi giúp phát hiện và nuôi dưỡng tài năng khoa học, công nghệ trong học sinh. Những sản phẩm, ý tưởng sáng tạo của các em có thể trở thành động lực và định hướng để theo đuổi con đường phấn đấu trở thành sinh viên, kỹ sư, nhà khoa học trong tương lai.
Theo Hà Ngọc/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/san-choi-ket-noi-giao-duc-stem-giua-pho-thong-va-dai-hoc-post706987.html