11
/
145036
Vì sao đến năm 2025 chưa giao thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương?
vi-sao-den-nam-2025-chua-giao-thi-tot-nghiep-thpt-cho-cac-dia-phuong
news

Vì sao đến năm 2025 chưa giao thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương?

Thứ 6, 31/03/2023 | 08:00:10
2,123 lượt xem

Ngày 30.3, PGS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), đã có trao đổi xung quanh một số góp ý về dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

3 điểm mới trong phương án thi 2025

Cục trưởng Huỳnh Văn Chương cho rằng, Bộ GD-ĐT đã đưa dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vào lộ trình để xin ý kiến dư luận xã hội với tinh thần tôn trọng và cầu thị, lắng nghe các góp ý, phân tích, đánh giá nhiều chiều. Đến thời điểm này, Bộ đang nhận được nhiều ý kiến từ các chuyên gia, thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh. Trước đó, để xây dựng dự thảo phương án này, Bộ đã có nhiều cuộc họp với chuyên gia, xin ý kiến các sở GD-ĐT, thầy cô giáo trường THPT.

Vì sao đến năm 2025 chưa giao thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương ? - Ảnh 1.

Học sinh lớp 10 năm nay sẽ là lứa đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo hướng đổi mới từ năm 2025. NHẬT THỊNH

Ông Chương nhấn mạnh 3 điểm mới được thể hiện trong dự thảo phương án: Thứ nhất là việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực phù hợp chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Thứ hai, Bộ muốn nhấn mạnh đến việc định hướng nghề nghiệp qua các môn thi tự chọn từ các môn học chọn học của học sinh; điều này giúp sớm định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích cho các em. Thứ ba, theo lộ trình từ năm 2025 - 2030, từng bước, Bộ GD-ĐT sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin để tổ chức kỳ thi trên máy tính.

"Chúng tôi kỳ vọng phương án này vừa đáp ứng được yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá chất lượng dạy và học theo sự tiến bộ của người học, đồng thời kết quả thi đủ độ tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo xét tuyển sinh; học sinh được định hướng nghề nghiệp ngay từ sớm", ông Chương nói.

Sẽ lắng nghe góp ý về thay đổi cách ra đề môn lịch sử

Một trong những điểm đáng lưu ý của phương án là môn lịch sử trở thành một trong 4 môn thi bắt buộc. Không ít ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT cần thay đổi cách ra đề, cách kiểm tra đánh giá với môn lịch sử.

Lộ trình thi trên máy

Theo Cục trưởng Huỳnh Văn Chương, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, từng bước tổ chức kỳ thi trên máy tính cũng là phù hợp với xu hướng quốc tế và phù hợp việc đẩy mạnh chuyển đổi số của quốc gia hiện nay, trong đó có ngành giáo dục. Đây là vấn đề đã bàn thảo rất nhiều, xin ý kiến các chuyên gia và được xây dựng theo lộ trình phù hợp, chắc chắn.

Các năm 2025, 2026, 2027, kỳ thi vẫn tiếp tục được tổ chức trên giấy; song song đó, Bộ sẽ thử nghiệm diện hẹp thi trên máy tính tại một số địa phương đủ điều kiện. Sau khi thử nghiệm đồng bộ, có đánh giá tác động, các điều kiện đều đáp ứng cho mỗi địa phương thì Bộ GD-ĐT mới tính toán triển khai đồng loạt.

Ông Chương cho rằng, trước khi quyết định đưa lịch sử là một trong 4 môn thi bắt buộc trong dự thảo, Bộ đã cân nhắc rất kỹ và xin ý kiến đa chiều. Đây cũng là nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 của Quốc hội khóa XV chỉ rõ "thiết kế môn lịch sử trong chương trình giáo dục cấp THPT, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, bảo đảm hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh".

Bộ GD-ĐT đang nhận được khá nhiều ý kiến đồng thuận, đặc biệt từ các thầy cô giáo giảng dạy và học sinh trong trường phổ thông. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số ý kiến khác nhau, nhất là ủng hộ việc thi môn lịch sử nhưng cần thay đổi nhiều hơn cách ra đề cho môn học này. "Những ý kiến góp ý này, Bộ sẽ tiếp tục cầu thị, lắng nghe, tổng hợp tiếp thu và phân tích đa chiều", ông Chương chia sẻ.

Vì sao đến năm 2025 chưa giao thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương? - Ảnh 3.

Theo dự thảo phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025, Bộ GD-ĐT thực hiện công tác ban hành quy chế, xây dựng đề thi và thanh tra, kiểm tra, giám sát. NGỌC DƯƠNG

Bộ GD-ĐT vẫn chịu trách nhiệm ra đề thi

Xung quanh việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT, nhiều năm gần đây không ít ý kiến đề nghị nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng hơn nữa; cụ thể, nên trao quyền tối đa cho các sở GD-ĐT từ việc tổ chức thi đến ra đề thi. Tuy nhiên, theo dự thảo phương án thi từ năm 2025, Bộ GD-ĐT vẫn chịu trách nhiệm ra đề thi.

Giải thích về việc này, ông Huỳnh Văn Chương cho rằng, hiện nay Bộ GD-ĐT đã phân cấp khá mạnh và rõ cho các địa phương trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các địa phương, cụ thể là UBND các tỉnh, TP chịu trách nhiệm chính về tổ chức kỳ thi trên địa bàn. Bộ GD-ĐT thực hiện công tác ban hành quy chế, xây dựng đề thi và thanh tra, kiểm tra, giám sát. Những kỳ thi gần đây, đặc biệt các năm 2020, 2021, 2022, mô hình này ghi nhận nhiều ưu điểm, sự phân cấp ngày một cụ thể và rõ trách nhiệm.

Dự kiến thí sinh thi 6 môn

Theo dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Bộ GD-ĐT đang xin ý kiến góp ý của xã hội, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ tổ chức thi theo môn. Trong đó, các môn học bắt buộc gồm: ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử (đối với giáo dục phổ thông); ngữ văn, toán, lịch sử (đối với giáo dục thường xuyên) và các môn học lựa chọn ở bậc THPT gồm: vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.

Theo đó, thí sinh học chương trình THPT dự thi 4 môn học bắt buộc gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn đã chọn học. Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT dự thi 3 môn học bắt buộc gồm ngữ văn, toán, lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn đã chọn học. Môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.

Bộ GD-ĐT sẽ quy định khung thời gian tổ chức thi (lịch thi chung) phù hợp với kế hoạch thời gian năm học để thống nhất trong cả nước; đồng thời có sự linh hoạt, ứng phó với các tình huống thiên tai, dịch bệnh trong toàn quốc và từng địa phương.

Ông Chương nhận định: "Hiện đang có sự khác nhau giữa các tỉnh, thành, từ năng lực ra đề thi đến việc tổ chức đánh giá, xây dựng đề thi. Bảo đảm được tính đồng đều về chất lượng, phổ quát và tương đồng giữa các địa phương là việc cần làm thận trọng và có lộ trình. Để đáp ứng được tính đồng bộ, Bộ GD-ĐT vẫn chịu trách nhiệm ban hành quy chế thi, ra đề thi, thanh tra, kiểm tra, còn các công việc khác, địa phương hoàn toàn chủ động và chịu trách nhiệm. Bộ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện quy định, quy chế và thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra ở cả cấp bộ và cấp địa phương để kết quả kỳ thi được an toàn, khách quan, minh bạch nhất".

Thông tin về đề thi từ năm 2025, ông Chương cho hay: "Đề thi sẽ bám sát chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực, có sự phân hóa phù hợp, bảo đảm vừa để xét công nhận tốt nghiệp và kết hợp đạt nhiều mục tiêu khác nhau".

Về mong muốn của các nhà trường và giáo viên là sớm có đề thi mẫu theo hướng đánh giá năng lực áp dụng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để các trường có căn cứ đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá, ông Chương nói: "Theo thông lệ hằng năm, ngay trước mỗi kỳ thi, Bộ GD-ĐT sẽ công bố đề thi tham khảo để làm cơ sở cho giáo viên và học sinh định hướng ôn tập. Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cũng vậy, trước khi tổ chức thi, Bộ GD-ĐT sẽ công bố đề thi tham khảo để giáo viên và học sinh chủ động trong quá trình dạy học và ôn thi".

Theo Tuệ Nguyễn/Thanh niên

https://thanhnien.vn/vi-sao-den-nam-2025-chua-giao-thi-tot-nghiep-thpt-cho-cac-dia-phuong-18523033022560019.htm

  • Từ khóa

Bộ Công an ban hành đề thi tham khảo kỳ thi đánh giá năm 2024

Bộ Công an ban hành đề thi tham khảo nhằm giúp thí sinh có nguyện vọng đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá của Bộ Công an năm 2024 có căn cứ để nghiên cứu,...
15:33 - 26/04/2024
351 lượt xem

16 sinh viên học vượt tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM nhận bằng tốt nghiệp

Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM trao bằng tốt nghiệp cho 1.053 sinh viên, trong đó 16 SV học vượt (3,5 năm) với thành tích cao.
14:28 - 26/04/2024
360 lượt xem

Kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội được công nhận nhãn hiệu độc quyền

Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ vừa công nhận đăng ký nhãn hiệu HSA kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) theo quyết...
10:50 - 26/04/2024
458 lượt xem

Những điểm mới cần nhớ khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

Thời điểm này, học sinh lớp 12 đang đăng ký thử và sẽ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chính thức ngay sau kỳ nghỉ lễ 30.4 (từ 2 - 10.5). Để đảm...
09:23 - 26/04/2024
482 lượt xem

Khi cô giáo mầm non "đeo mặt nạ", hôn hít đón trẻ, khép cửa là... đánh

Không chỉ đến sự việc chủ nhóm lớp Tí Bo đánh, đè lên người trẻ nhét đồ ăn gây bức xúc, đã quá nhiều vụ việc có chung mẫu số cô giáo mầm non cười tươi khi...
16:40 - 25/04/2024
924 lượt xem