Các DN xuất khẩu khẩu trang vào EU và Mỹ cần nhận thức tầm quan trọng của các chứng nhận về sự phù hợp cũng như chất lượng sản phẩm.
Với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 60, khẩu trang các loại, bao gồm cả khẩu trang vải và khẩu trang y tế, đã được tự do xuất khẩu. Tuy nhiên, khẩu trang cũng như các thiết bị phòng hộ cá nhân khác đều là những mặt hàng liên quan đến sức khỏe, an toàn của người sử dụng, do vậy, các nước nhập khẩu thường có những tiêu chuẩn về chất lượng đối với các mặt hàng này.
Đặc biệt, đối với các thị trường như EU và Mỹ, các tiêu chuẩn này là bắt buộc. Nếu không có các chứng chỉ phù hợp, hàng hóa có thể bị khó khăn khi nhập khẩu, thậm chí bị trả lại. Chính vì thế, thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp (DN) đã lúng túng khi muốn xin cấp chứng nhận CE và FDA là những tiêu chuẩn phổ biến ở EU và Mỹ, thắc mắc về tổ chức có thẩm quyền cấp chứng nhận, băn khoăn về việc giấy chứng nhận được cấp liệu có được nước nhập khẩu chấp nhận hay không...
Dây chuyền sản xuất khẩu trang. (Ảnh minh họa: Moit)
Ông Đinh Ngọc Long, Chuyên gia đánh giá trưởng của Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) cho biết, chứng chỉ (dấu, nhãn) CE xuất hiện trên nhiều sản phẩm tại thị trường châu Âu. Khi gắn dấu CE lên sản phẩm, nhà sản xuất tuyên bố sản phẩm đó đã đáp ứng được các yêu cầu, chỉ thị của Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) liên quan đến tiêu chuẩn an toàn cho người sử dụng về sức khỏe cũng như bảo vệ môi trường.
“Đối với thị trường Mỹ, trong điều khoản của FDA hiện nay, bản chất mặt hàng khẩu trang thuộc vào dạng liệt kê của FDA mới phải đăng kí FDA, còn trong các tài liệu của FDA không viện dẫn bất cứ một tiêu chuẩn nào ,vì đây là việc thử nghiệm sản phẩm nên các DN cần phải phân biệt giữa các chứng nhận hệ thống quản lý theo ISO GNV và chứng nhận sản phẩm theo STM như F2000”, ông Long lưu ý.
Lý giải về quy trình, thủ tục cấp chứng nhận CE mặt hàng khẩu trang tại thị trường EU, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, đối với khẩu trang vải thông thường sẽ không phải dán nhãn CE, nhưng đối với khẩu trang y tế cần nhãn CE khi xuất khẩu vào thị trường EU.
“Thông thường các sản phẩm muốn gắn nhãn CE thì phải được sản xuất theo các tiêu chuẩn được thông qua bởi CEN, CENELEC và ETSI và các tiêu chuẩn được công bố trên Tạp chí chính thức là tiêu chuẩn hài hòa, được cho là phù hợp với các yêu cầu của các Chỉ thị EU. Một nhà sản xuất có thể chọn không sử dụng các tiêu chuẩn EU hài hòa, nhưng sau đó phải chứng minh rằng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu an toàn cơ bản trước khi lưu hành trên thị trường EU”, Thương vụ cho biết.
Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, các nhà sản xuất có sản phẩm thỏa mãn các quy định của EU, có thể nộp đơn đến các tổ chức chứng nhận tiêu chuẩn được cấp phép ở bất cứ nước thành viên EU nào để được cấp chứng nhận tiêu chuẩn EU. Sau khi được cấp giấy chứng nhận, nhà sản xuất có thể đóng nhãn CE cho sản phẩm của mình và công bố sản phẩm của mình đạt tiêu chuẩn EU.
Đối với một số sản phẩm khác, nhà sản xuất cũng có thể lựa chọn, tự đánh giá sản phẩm đó phù hợp với các yêu cầu của EU và gắn nhãn CE sau khi tuyên bố sản phẩm hợp chuẩn. Tuy nhiên, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc tuyên bố của mình, cho nên các nhà sản xuất cần cân nhắc trước khi tuyên bố hợp chuẩn để đảm bảo sản phẩm phù hợp với tất cả các yêu cầu trên toàn EU.
Đặc biệt, khi sản phẩm được gắn nhãn CE, nếu cơ quan có thẩm quyền của EU yêu cầu, nhà sản xuất phải cung cấp cho họ tất cả thông tin và tài liệu hỗ trợ liên quan đến việc gắn nhãn CE. Ngoài ra, đối với các sản phẩm có rủi ro an toàn cao hơn các cơ quan cấp giấy chứng nhận CE bắt buộc phải kiểm tra độ an toàn trước khi cấp giấy chứng nhận.
Nhãn CE xuất hiện trên nhiều sản phẩm tại thị trường châu Âu.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), vừa qua các DN Việt Nam đã xuất khẩu được khẩu trang, nhưng chủ yếu vẫn là khẩu trang vải và khẩu trang kháng khuẩn còn lượng khẩu trang y tế cũng chưa được nhiều.
“Tới đây, các DN cần hết sức lưu ý đến những quy định của phía EU về quy trình dán nhãn CE, cũng như việc đăng kí với cơ quan FDA của Mỹ để có thể xuất khẩu khẩu trang với số lượng lớn vào các thị trường này”, ông Cẩm lưu ý.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất, nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, đối với mặt hàng khẩu trang và thiết bị bảo hộ y tế khi xuất khẩu vào EU và Mỹ, các DN cần nhận thức tầm quan trọng của các chứng nhận về sự phù hợp cũng như công tác đảm bảo chất lượng sản phẩm. Cần coi đây là hành trang bắt buộc trong tiến trình hội nhập để Việt Nam có thể bước ra thị trường thế giới một cách chủ động, vững tin, qua đó đem lại thành công cho DN và đất nước.
“Bộ Công Thương mong muốn các DN khi xuất khẩu khẩu trang vào các thị trường này cần phải có sự nghiêm túc, có sự đầu tư bài bản và đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu. Nếu không làm được điều này, mặt hàng khẩu trang khi đi qua mùa dịch sẽ lắng xuống và hoạt động kinh doanh không được lâu bền, thậm chí có thể gây thiệt hại nếu DN không nắm ững được quy định về chất lượng của các thị trường nhập khẩu”, ông Hải khuyến cáo./.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS):
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu sang các thị trường được 415 triệu chiếc khẩu trang, đạt kim ngạch 63 triệu USD là cơ hội cho các DN đàm bảo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua có thể các thị trường xuẩt khẩu chưa để ý nhiều đến các tiêu chuẩn, nhưng chắc chắn trong thời gian tới họ sẽ tiến hành kiểm tra chặt chẽ, nhất là khi có sự cạnh tranh giữa các thị trường xuất khẩu với nhau, đặc biệt là khi khẩu trang của các DN sản xuất cũng không đồng nhất, đồng đều.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/khau-trang-y-te-vao-thi-truong-eu-bat-buoc-phai-co-nhan-ce-1046536.vov