9
/
96720
Tuổi trẻ làm kinh tế giỏi trên vùng đất Tây Nguyên
tuoi-tre-lam-kinh-te-gioi-tren-vung-dat-tay-nguyen
news

Tuổi trẻ làm kinh tế giỏi trên vùng đất Tây Nguyên

Thứ 3, 01/09/2020 | 09:18:43
343 lượt xem

Bằng ý chí, khát vọng vươn lên trong cuộc sống, trong những năm qua được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành và tổ chức đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) các cấp, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên quyết tâm tận dụng lợi thế đất đai, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất.

Anh Y Linh Niê (buôn Trinh 1, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) chăm sóc vườn cây.

Nhiều mô hình phát triển đúng hướng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân vươn lên làm giàu ngay chính trên mảnh đất buôn làng mình. Từ TP Buôn Ma Thuột, chúng tôi theo đường Hồ Chí Minh về thị xã Buôn Hồ tìm gặp anh Y Linh Niê, dân tộc Ê Đê, dù tuổi đời còn trẻ nhưng là một điển hình làm kinh tế giỏi được bà con yêu mến. Dọc hai bên đường Hồ Chí Minh mùa này là những vườn cà-phê, cây ăn trái xanh tốt, trĩu quả xen giữa các khu dân cư với những ngôi nhà mái thái kiên cố, khang trang tô vẽ cho bức tranh buôn làng Tây Nguyên ấm no, trù phú. Ngôi nhà khang trang của anh Y Linh Niê ở buôn Trinh 1, phường An Lạc nằm ngay mặt đường với khoảng sân rộng dùng phơi cà-phê, tiêu, phía sau nhà là chuồng trại chăn nuôi và vườn cây trái sum suê. Vừa từ rẫy về, áo quần đẫm mồ hôi, anh Y Linh tâm sự: Gia đình anh có năm anh em, nhưng các anh chị đều lập gia đình ra ở riêng, chỉ còn anh ở với ba mẹ già. Một mình với diện tích 5 ha cà-phê, nhưng những năm gần đây, giá cà-phê liên tục giảm cộng với vườn cây già cỗi, năng suất thấp, càng làm càng lỗ khiến anh dần nản chí.

Nhờ chịu khó lao động và được tham gia các lớp tập huấn về KHKT chăm sóc, cải tạo vườn cây được tổ chức tại địa phương, đặc biệt với tính năng động, dám nghĩ, dám làm, qua tìm hiểu, tham quan các mô hình kinh tế trong tỉnh, anh Y Linh Niê mạnh dạn vay mượn vốn đầu tư mua trụ trồng xen tiêu và các loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ trong vườn cà-phê, đồng thời nhổ bỏ, tái canh những diện tích cà-phê già cỗi bằng giống cà-phê mới năng suất, chất lượng cao... “Trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, giá các loại nông sản gặp nhiều bất lợi như những năm gần đây thì việc sản xuất theo hướng đa cây, đa con là hướng đi đúng. Sản xuất theo hướng này giúp giảm chi phí đầu tư, nhưng nâng cao giá trị sử dụng đất và thu nhập cao hơn so với trồng độc canh cây trồng”, anh Y Linh chia sẻ. Với cách làm sáng tạo đó, đến nay trên diện tích 5 ha, mỗi năm anh thu khoảng 13 tấn cà-phê nhân, bảy tấn sầu riêng, hai tấn bơ... trị giá gần một tỷ đồng. Ngoài ra, anh Y Linh còn làm ba sào lúa nước và chăn nuôi thêm bò để phát triển bền vững. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, anh Y Linh còn quan tâm hướng dẫn, chia sẻ những kinh nghiệm phát triển kinh tế và vận động người dân trong buôn nỗ lực làm ăn, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc ngay trên quê hương mình.

Đến thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai hỏi thăm cô gái trẻ người Ba Na Hồ Thị Viên, ở làng Pơ Nang, xã Tú An ai cũng biết, bởi chị đang triển khai dự án nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của thị xã. Với vốn kiến thức có sẵn cùng mong muốn thay đổi tư duy sản xuất và ứng dụng công nghệ cao để nâng cao thu nhập cho bản thân và bà con nơi mình sinh sống, Hồ Thị Viên nảy sinh ý tưởng trồng cây cà gai leo, một loại cây dược liệu có từ lâu đời tại địa phương theo hướng hữu cơ để sản xuất trà dược liệu. Được sự đồng tình, ủng hộ của chính quyền địa phương, cuối năm 2018, chị Viên mạnh dạn thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây cà gai leo theo hướng hữu cơ trên địa bàn thị xã An Khê”. Theo khảo sát, cây cà gai leo phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở An Khê. Cùng với đó, việc Bộ Y tế đang hướng đến xây dựng các vùng trồng cây dược liệu có năng suất cao, chất lượng tốt để cung cấp nguồn dược liệu sản xuất thuốc tại chỗ cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để chị quyết tâm thực hiện dự án. Chị Viên thổ lộ: “Tôi mong muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo kế sinh nhai cho bà con Ba Na trong xã. Từ đây, dự án sẽ tạo dựng thương hiệu trà dược liệu Pơ Nang, giúp người dùng cải thiện sức khỏe”. Đến nay, có 10 hộ dân trong làng Pơ Mang tham gia dự án trên diện tích thí điểm gần 2 ha, cây cà gai leo được trồng theo hướng hoàn toàn hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao; Hợp tác xã nông nghiệp Tú An làm các khâu trung gian nhằm bảo đảm ổn định từ đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm. Chủ tịch UBND xã Tú An Nguyễn Thanh Cảnh cho biết: “Tham gia dự án tiếp cận công nghệ mới như bón phân hữu cơ, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt..., đồng bào DTTS còn khá bỡ ngỡ. Rất may có cô Viên, người tiên phong, năng nổ làm cùng, cho nên bà con rất yên tâm và phấn khởi sản xuất”. Hiện dự án lọt vào tốp 20 trong số 128 dự án nông nghiệp trong cả nước được Ủy ban Dân tộc của Chính phủ đề xuất Ngân hàng Thế giới tài trợ thực hiện trong khuôn khổ định hướng phát triển kinh tế nhanh, bền vững ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS.

Ở Kon Tum, một tỉnh còn nhiều khó khăn và diện tích phần lớn là đồi núi cho nên việc phát triển các mô hình kinh tế cho hiệu quả cao không phải dễ, nhất là đối với thanh niên. Thế nhưng, những năm gần đây với sự năng động của tuổi trẻ, nhiều thanh niên DTTS ở đây đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình trang trại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Mô hình phát triển cây dược liệu của chị Y Hương tại các xã Ngọc Lây, Tê Xăng, Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông là một điển hình đang được bà con trong huyện làm theo. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây dược liệu xanh tốt giữa bốn bề đồi núi, chị Y Hương chia sẻ: Năm 2017, từ nguồn vốn của gia đình và được hỗ trợ 50 triệu đồng từ huyện Tu Mơ Rông, chị đã mạnh dạn trồng hơn 10 ha cây dược liệu gồm sâm Ngọc Linh, sâm dây, Ngũ vị. Tháng 8-2019, thông qua Tỉnh đoàn Kon Tum, chị tiếp tục được vay nguồn vốn quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn thêm 200 triệu đồng để đầu tư mở rộng thêm vườn dược liệu, đến nay, doanh thu hàng năm từ mô hình phát triển cây dược liệu đạt hơn 150 triệu đồng. Hiện tại, mô hình kinh tế của gia đình chị giải quyết việc làm thường xuyên cho bốn lao động ở địa phương, đến khi vào mùa vụ cần từ 20 đến 30 lao động chăm sóc và thu hoạch với thu nhập trung bình hơn 170 nghìn đồng/người/ngày công.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Kon Tum A Xây cho biết: Nhiều bạn trẻ nắm bắt được cơ hội và mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế ngay tại quê hương mình. Không chỉ làm kinh tế giỏi, các bạn trẻ còn là lực lượng đi đầu trong Chương trình xây dựng nông thôn mới như đóng góp ngày công lao động, kinh phí làm đường giao thông nông thôn, sân bóng đá, bóng chuyền, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nhằm tạo thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, các câu lạc bộ giúp nhau phát triển kinh tế ngay tại địa phương...

Theo Nhân Dân

https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/tuoi-tre-lam-kinh-te-gioi-tren-vung-dat-tay-nguyen-615142/ 

  • Từ khóa

Về quê sống tưởng không khó mà… khó không tưởng!

Mẹ lớn tuổi một thân một mình không ai chăm nên tôi định về quê sinh sống và lập nghiệp. Ở được vài tháng, tôi đành tất tả quay lại thành phố.
11:50 - 17/05/2024
39 lượt xem

Niềm tin và lý tưởng là nền tảng để người trẻ 'quy hoạch' được cuộc đời mình

Tại hội thảo xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên VN, các đại biểu cho rằng hình mẫu thanh niên phù hợp sẽ là nền tảng để mỗi người trẻ đều có hoài bão...
09:50 - 17/05/2024
94 lượt xem

Chủ kênh 'Ẩm thực mẹ làm' có tên trong danh sách 30 Under 30 Asia 2024

Ngày 16-5, tạp chí Forbes công bố danh sách 30 Under 30 châu Á. Trong đó, chủ kênh YouTube “Ẩm thực mẹ làm” vinh dự là một trong 4 đại diện đến từ Việt...
08:19 - 17/05/2024
124 lượt xem

Ngành nghề của tương lai: Có một nghề vừa chơi, vừa làm và vừa... có tiền

Không dừng lại ở việc chơi game giải trí, thể thao điện tử đang dần trở thành một ngành nghề sản sinh ra nhiều vị trí việc làm và tuyển dụng một cách...
14:24 - 16/05/2024
556 lượt xem

Mệt mỏi với kiểu người đi đâu, làm gì cũng phải chụp hình ‘cúng’ Facebook

Đồ ăn mang ra từ lúc nóng hổi đến nguội lạnh, ly nước có khi tan gần hết đá vẫn chưa được động tay vào chỉ vì người đi cùng chưa chụp được một tấm hình...
11:30 - 16/05/2024
611 lượt xem