Ngủ dậy, Hoài Anh (27 tuổi) nhận được tin anh chồng và một bác hàng xóm dương tính với nCov, cô vẫn chọn ở lại vì không thể bỏ mặc chồng giữa lúc này.
Qazvin là một thành phố nhỏ, chưa tới 400.000 dân, nơi hẹp nhất chỉ 3,2 km, còn lại bốn bề là sa mạc. Đỗ Lệnh Hoài Anh - cô gái từng nhận học bổng của chính phủ Iran 5 năm trước và chuẩn bị lấy bằng thạc sĩ ngành biên phiên dịch Tiếng Anh - Ba Tư - ở trong khu chung cư nằm trên phố Felestin, trung tâm Qazvin. Ngày thường, căn hộ trên tầng 4 của cô phải đóng kín cửa sổ để giảm ồn do xe hơi, người đi bộ nườm nượp. Nhưng một tuần nay cô mở cửa, kéo cao rèm.
"Từ sáng đến giờ tôi nhìn xuống 5 lần rồi. Lúc nào cũng chỉ có vài chiếc xe, không có người đi bộ nào", Hoài Anh nói về con phố tấp nập bậc nhất ở Qazvin - nơi từng là kinh đô của đế chế Ba Tư. Nhưng giờ vì Covid-19 mà thành phố sa mạc này thêm xác xơ.
Con đường trước nhà Hoài Anh một tuần trước và hôm 4/3, vào đầu giờ trưa. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Hôm nay là một tháng Hoài Anh hầu như chỉ ở trong nhà. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán ở TP HCM, cô cùng chồng, anh Amir Hossein (31 tuổi) trở về Iran. Một ngày sau, cô bị sốt.
Khi ấy Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc. Hoài Anh lo sợ có thể cô đã nhiễm virus từ những du khách Trung Quốc khi quá cảnh tại Moskva, Nga. Ngay lập tức cô tới bệnh viện xin làm xét nghiệm, song thời điểm đó cơ quan y tế ở Qazvin chưa có bộ xét nghiệm nên khuyên cô cách ly tại nhà. Trở về, cô đề nghị chồng sang ở với bố mẹ để tránh lây lan. "Qua một ngày tôi không còn sốt nên nghĩ mình bị nhiễm lạnh thôi", Hoài Anh.
Suốt những năm qua, cuộc sống xung quanh cô thường xuyên bị ảnh hưởng bởi chính sách cấm vận của Mỹ hay tình hình chính trị bất ổn. Sáng 8/1, máy bay của Ukraine chở 176 người rơi sau vài phút cất cánh từ ngoại ô Tehran chỉ năm ngày sau một vị tướng của Iran bị Mỹ hạ sát. Hôm đó, Hoài Anh đang chuẩn bị lên máy bay từ Việt Nam sang Iran, dù run cầm cập, cô vẫn bước lên máy bay vì biết chồng đang chờ mình.
Kịch bản lặp lại, nhưng giờ là dịch bệnh. Ngày 19/1, Iran thông báo trường hợp đầu tiên nhiễm nCov. Nửa tháng sau, số người nhiễm tăng lên 2.500 và gần 100 người chết, trở thành ổ dịch thứ 4 của thế giới, sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy. Song, tỷ lệ tử vong của quốc gia Hồi giáo này cao hơn hẳn mức trung bình toàn cầu, đặc biệt có gần 30 quan chức chính phủ nhiễm nCoV, một cố vấn cấp cao cho lãnh tụ tối cao đã qua đời, làm dấy lên nghi ngờ chính phủ có thể đã che giấu dịch. Bên cạnh đó, người ta cũng lo ngại cho hệ thống y tế yếu kém ở Iran.
Hoài Anh và chồng quá cảnh tại sân bay Moskva, Nga ngày 1/2, trong chuyến bay từ Việt Nam về Iran. Đang kinh doanh các mặt hàng đặc sản Iran nên vợ chồng Hoài Anh thường đi lại giữa hai nước. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Thành phố của Hoài Anh, cách ổ dịch Qom 240 km, cách ổ dịch Tehran 150 km. Tuần trước Qazvin cũng ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên. Nhưng đến nay chỉ trong những người Hoài biết, đã hơn chục ca dương tính với virus. "Một người bạn của bố chồng chỉ ra ngoài mua rau, 5 ngày sau bị nhiễm nCoV. Anh họ của chồng tôi khi hành hương từ Qom về cũng đã bị dương tính", cô cho hay.
Lo sợ tình hình trầm trọng hơn, Hoài Anh định mua vé máy bay về Việt Nam nhưng vé hạng rẻ nhất cũng gần 200 triệu đồng trong khi bình thường vé khứ hồi chỉ từ 20 triệu đồng. Một ngày sau kiểm tra lại hầu như đã không còn vé. "Tôi rơi vào trạng thái nội bất xuất ngoại bất nhập", người Việt duy nhất ở thành phố Qavzin nói.
Giữa nơi đất khách quê người, cô chỉ biết cách duy nhất giúp mình vượt qua được đại dịch là... ở trong nhà. Ở đây đặc trưng khí hậu sa mạc, trời lạnh giá và khô từ tháng Một đến Ba. Thống kê của chính phủ cho thấy hơn 80% ca nhiễm đều là người trong nước, không đi từ vùng dịch về. "Họ đều vì bị ốm do khí hậu lạnh, ra đường hay đến bệnh viện kiểm tra mà bị lây virus", cô nói.
Xác định "trường kỳ kháng chiến", cuối tuần rồi vợ chồng Hoài Anh đi siêu thị mua đồ về dự trữ. Như những phụ nữ trong xã hội Hồi giáo, cô mặc quần áo kín từ đầu tới chân, đeo khăn, khẩu trang chỉ lộ đôi mắt và còn đeo thêm găng tay. Các siêu thị chưa có hiện tượng vét sạch hàng hóa như ở các nước. Song nước rửa tay và khẩu trang đã cháy hàng. Nếu như 10 ngày trước cô thấy người dân thờ ơ với dịch thì nay nỗi sợ đã thấy rõ. Không ai không dám ôm hôn, bắt tay khi gặp nhau, dù truyền thống người Iran là chào hỏi phải vậy.
Vợ chồng Hoài Anh ngày nào cũng ăn soup, dù rất thèm món khoái khẩu thịt cừu nướng, họ không dám đi ăn hay đặt qua mạng. "Phải sống sót qua dịch này rồi mới tính tiếp", cô nói thêm.
Với chồng Hoài Anh, anh Amir Hossein, 31 năm cuộc đời chưa từng thấy đường phố vắng như thế. Chỉ một tuần nữa là tới Tết Nowruz, ngày Tết lớn nhất của người Iran, đường phố giờ này đáng ra phải nhộn nhịp người mua sắm.
Nhiều công ty, quán xá và và trường học ở đây đã đóng cửa, dù chưa có chỉ thị của chính quyền. Amir cũng chuyển sang làm online vài tuần nay. Anh chỉ đi lại trong vòng bán kính 50 mét từ nhà mình sang nhà bố mẹ.
Người dân Iran, đặc biệt phụ nữ, không được phép tụ tập quán xá và cũng không có các hoạt động gì ngoài trời. Họ chỉ có mỗi thú vui là gặp gỡ gia đình, bạn bè. "Mà giờ bị dịch đâu ai dám tụ tập", Amir nói. Năm ngoái, lễ kết hôn của anh đã chục bữa tiệc được tổ chức, để gia đình, họ hàng ngồi lại với nhau.
"Người Iran sẽ thích nghi sớm với việc không được ra ngoài. Nhưng rất khó chịu vì không gặp gỡ ngày Tết", anh buồn nói.
10h sáng ngày 5/3 Hoài Anh mới thức dậy do thói quen từ những ngày nhốt mình trong nhà. Điện thoại báo hàng dài tin nhắn của nhân viên, khách hàng. Trong mớ tin nhắn đó, bao giờ cô cũng đọc 2 tin đầu tiên, một là của cơ quan y tế Iran, thông báo số ca nhiễm mới theo khuôn mẫu. Một tin nhắn khác được soạn tay của Đại sứ quán Việt Nam tại Iran, bên cạnh thông báo tình hình dịch là lời động viên.
"Từ khi có dấu hiệu dịch chúng tôi đã kịp thời cập nhật tình hình, diễn biến và các khuyến cáo của chính quyền sở tại, các biện pháp phòng chống Covid-19 tới công dân của mình. Đồng thời nắm bắt nguyện vọng của bà con, đề nghị nếu cần hỗ trợ thì liên hệ ngay", Đại sứ quán Việt Nam tại Iran cho biết.
Hiện ở Iran có 13 công dân Việt Nam, chưa bao gồm nhân viên đại sứ quán. Hầu hết là phụ nữ lấy chồng người bản địa, gia đình đều ở đây nên đa phần xác định ở lại chống dịch.
Theo VnExpress
https://vnexpress.net/doi-song/co-gai-viet-o-lai-iran-giua-mua-dich-4064283.html