Cháu gái 6 tuổi đố Thành nhảy từ tầng 2, một ý nghĩ thoáng qua “Hay nhảy xuống cho xong đời”, lúc đó anh vừa mất cả hai mắt.
Sáng sớm trong căn nhà nhỏ tại phường Phương Liệt, Hà Nội, Nguyễn Tiến Thành (38 tuổi) hôn tạm biệt các con rồi dò dẫm bước ra cổng. "Bố Thành đẹp trai, con yêu bố!", tiếng đồng thanh của hai cô gái nhỏ cất lên kèm chuỗi cười giòn tan. Thành quay lại mỉm cười, hít căng tràn lồng ngực không khí sớm mai. Tám năm trước, anh không dám nghĩ có ngày được hưởng niềm hạnh phúc này.
Tháng 9/2011, đôi mắt của anh không còn nhìn thấy ánh sáng bởi căn bệnh thiên đầu thống. Tỉnh dậy trong viện, trước mặt là một màu của bóng tối, bất giác nước mắt Thành ứa ra. Đây là lần đầu anh khóc sau gần 2 năm kiên trì điều trị và 6 lần phẫu thuật. Anh được đưa về nhà, bố mẹ già chăm sóc. Từ chỗ khỏe mạnh, giờ ăn uống vệ sinh phải có người phục vụ.
Anh Nguyễn Tiến Thành hiện là Chủ tịch hội người mù quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Hải Hiền.
Những ngày mới mất ánh sáng, Thành tự dò dẫm đi lại trong nhà dù nhiều lần đâm đầu vào tủ, vào tường. Một lần anh quờ tay lên bàn, chiếc ấm tích rơi xuống đất vỡ toang. Nghe tiếng, bà mẹ hét con trai đứng im để dọn dẹp, tránh đứt chân. "Tôi đứng chôn chân một chỗ, cảm giác bất lực dâng trào", anh kể.
Từng là phóng viên năng nổ, giờ ngày ngày giam mình trong phòng khiến Thành bực bội với mọi người. Bữa cơm, được hướng dẫn gắp thức ăn, Thành gắp chệch đũa, bố nói "Không phải chỗ đó, gắp đĩa này" khiến anh cáu gắt, buông bát đứng dậy.
Một lần cháu gái 6 tuổi dẫn chú ra ngoài hóng gió, ngây thơ nói: "Cháu đố chú nhảy dù được từ tầng 2 xuống đất", Thành chột dạ, bàn tay anh bấu chặt vào lan can, một ý nghĩ thoáng qua "Hay nhảy xuống cho xong đời". Bỗng tiếng mẹ gọi xuống ăn cơm khiến anh bừng tỉnh: "Dù sao cuộc đời tôi vẫn còn bố mẹ. Họ yêu thương tôi mà sao không thể tự bình tâm lại được".
Tết năm 2012, người hàng xóm tới thăm, gợi ý anh nên gia nhập Hội người mù quận để học nghề. "Tham gia nhiều hoạt động khiến cháu tươi vui hơn là nằm nhà đấy", người này nhắc. Chán quanh quẩn ở nhà, hôm sau Thành nhờ bạn đèo đến xin gia nhập hội khiếm thị.
Anh được gửi đi học chữ nổi, tin học và các kỹ năng di chuyển tại Hội người mù Việt Nam. Một năm kể từ ngày hai mắt hỏng vĩnh viễn, đồ đạc trong nhà Thành không còn rơi vỡ nữa.
Trong lớp học, Thành quen bạn trai tên Thái bị mù từ năm 14 tuổi. Dù bị khiếm thị nhưng Thái rất giỏi tin học, là thầy giáo dạy các bạn trong lớp. Nghe câu chuyện của Thành, Thái khuyên anh trở lại làm báo bằng công nghệ chữ nổi. Được động viên, Thành tham gia một cuộc thi viết về người tốt, việc tốt của quận. Bài viết của anh giành giải 3 ở cấp thành phố.
Giải thưởng như liều thuốc tinh thần đối với Thành, ngoài công việc ở Hội người mù quận, anh quay trở lại báo cũ xin viết bài. "Không thể không nhận Thành, bởi cậu ấy là một người có năng lực". chị Nguyễn Thị Thanh Trà, nguyên tổng biên tập báo nơi Thành làm việc chia sẻ, đồng thời cho biết, ở cơ quan anh được đối xử bình đẳng như mọi người.
Lần đầu quay trở lại nghề viết, một doanh nhân biết mắt Thành hỏng khuyên tìm việc khác phù hợp hơn. Thành tự ái, đứng dậy xin phép ra về. Tối ngồi thẫn thờ trước bàn làm việc, chợt nhớ lời người bạn: "Mất mắt thì còn đôi bàn tay", Thành lại lôi máy tính ra tiếp tục viết bài.
Anh Nguyễn Tiến Thành trao quà cho các hội viên khiếm thị năm mới 2020. Trước đó vào năm 2019, Hội người mù quận Thanh Xuân đạt được bằng khen của Hội người mù Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cuối năm 2012, Thành đến phỏng vấn một doanh nghiệp Trung Quốc, trước khi đến anh được phiên dịch của công ty gửi cho tài liệu tham khảo, hai người trao đổi qua lại. Người phiên dịch này là Hồng, giảng viên một trường đại học tại Hà Nội.
Lần đầu gặp nhau, nhìn thấy khuôn mặt thư sinh của Thành, cô phiên dịch trẻ đã ấn tượng ngay. Cô chủ động giúp đỡ mọi việc và hứa sẽ chở đi phỏng vấn khi anh cần. "Anh Thành bị khiếm thị nhưng làm việc rất chuyên nghiệp nên tôi chủ động hỏi han, chia sẻ. Dù sao tôi còn sáng mắt, anh ấy thì không", Hồng nói.
Sau lần gặp gỡ đó, nhiều lần Hồng chở Thành đi phỏng vấn khắp nơi trong thành phố. Đi cà phê cô dắt tay, đi ăn phở cô vắt chanh lấy đũa cho Thành. Tần suất gặp gỡ của hai người ngày càng nhiều, nhất là vào dịp hè khi Hồng được nghỉ dạy. Tình cảm của Thành lớn dần nhưng anh luôn im lặng trước sự chăm sóc của Hồng, bởi anh không dám mơ tới hạnh phúc riêng.
Một năm sau ngày gặp đầu tiên, lấy hết can đảm Thành mời cô bạn gái đến một quán cà phê rồi ngỏ lời. Cả buổi Hồng chỉ im lặng rồi đưa Thành về. Sau 2 tháng, Hồng nhắn Thành qua nhà chơi, ra mắt bố mẹ. Vừa nhìn thấy Thành, mẹ cô thở dài, không tiếp.
"Dù hỏng mắt nhưng cháu vẫn làm việc bình thường. Cháu sẽ đem lại hạnh phúc cho Hồng", Thành cất lời rồi lặng lẽ ra về.
Tết 2014, một lần nữa Thành qua nhà bạn gái, lần này bố mẹ Hồng hỏi han về sức khỏe và công việc của anh. Một tháng sau, đám cưới của hai người diễn ra. Trong giây phút tuyên bố cả hai thành vợ chồng, anh nắm chặt tay vợ, nước mắt tuôn chảy. Đây là lần thứ hai Thành khóc sau khi hỏng mắt.
Làm vợ, Hồng luôn hộ tống chồng đến các buổi phỏng vấn và giúp anh chụp ảnh. Tại tòa soạn nơi anh làm việc, người ta gọi cô là "Con mắt thứ hai của chồng". Giữa năm 2015, cả hai đón thêm thành viên mới là hai cô con gái. Lần đầu bế con trên tay, anh ngập ngừng sờ nắn. Đôi bàn tay gân guốc khựng lại trước hai sinh linh bé nhỏ đang cựa quậy, vui sướng khi cả hai đều lành lặn.
Gia đình hạnh phúc đủ đầy, Thành lại nghĩ tới những người khiếm thị xung quanh mình chưa bao giờ có được một đám cưới đúng nghĩa.
Tháng 9/2019, khi đã trở thành Chủ tịch hội người mù Thanh Xuân, anh nêu ý tưởng với các mạnh thường quân.
Hai tháng sau, với sự giúp đỡ của một trung tâm tiệc cưới, 21 cặp vợ chồng khiếm thị trên địa bàn Hà Nội đã có một đám cưới tập thể tràn ngập niềm vui, cặp đôi già nhất đã hơn 70 tuổi. Gặp Thành, cụ bà mắt mờ đục nắm tay anh rưng rưng "Cả đời bác chỉ mong một lần được mặc váy cưới, giờ nhờ cháu mà việc đó thành sự thật".
Cùng với những kiến thức về báo chí, Thành được Hội người mù Hà Nội mời làm giáo viên hướng dẫn các hội viên về cách viết tin bài trên các loại hình báo chí. Anh còn thường xuyên liên hệ, vận động các doanh nhân, doanh nghiệp, trao học bổng cho học sinh, sinh viên khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn, hòa nhập với cộng đồng.
Cuối năm 2019, Nguyễn Tiến Thành được trao tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" của Thành phố Hà Nội.
Theo VnExpress
https://vnexpress.net/doi-song/chang-duong-vuot-bong-toi-cua-nha-bao-mu-4063571.html