Cả nhà cùng nấu ăn, đánh cờ, tập dưỡng sinh, quan tâm nhau… giúp gắn kết tình cảm gia đình, thêm niềm vui cho đấng sinh thành tuổi xế chiều.
Con cháu là chỗ dựa, nguồn vui sống của cha mẹ khi tuổi già sức yếu. Thể hiện tình yêu thương đôi khi đơn giản bằng cách hiểu tâm lý, tình cảm của người cao tuổi; tổ chức hoạt động vui chơi cùng gia đình... Dưới đây là một số gợi ý giúp cha mẹ vui sống, hạn chế bệnh tật.
Hiểu tâm lý, sở thích của cha mẹ
Khi con cái trưởng thành, xây dựng gia đình riêng là lúc cha mẹ có dấu hiệu tuổi già. Mong muốn gắn kết, gần gũi hơn với con cháu nhưng giữa hai thế hệ có thể có khoảng cách. Sự khác biệt về suy nghĩ, nhìn nhận vấn đề, thậm chí cha mẹ trở nên chậm chạp, vụng về hơn dễ nảy sinh xung đột.
Người cao tuổi thường không chấp nhận mình già, sợ cô đơn. Cha mẹ lo lắng khi không thể làm những việc thường ngày, con cháu rời xa. Tuổi xế chiều cũng khó tránh khỏi chậm chạp hơn, trí nhớ kém đi. Bậc cao niên dễ xúc động nên sự cáu gắt của các thành viên có thể làm trầm trọng hơn vấn đề tâm lý.
Con cái có thể thổ lộ tình yêu thương đơn giản bằng cách động viên, hiểu sở thích của đấng sinh thành. Đăng ký câu lạc bộ cây cảnh, dưỡng sinh, yoga, nấu ăn... giúp cha mẹ trở nên bận rộn, tìm thấy niềm vui. Cuối tuần, con gái cùng mẹ mua sắm, vào bếp làm vài món ngon cho gia đình. Mẹ có cơ hội trổ tài khéo tay, nhận lời khen từ các thành viên.
Cha và con trai cùng nhau đánh cờ, xem tivi, bàn luận những chuyện tin tức đó đây. Thời gian rảnh rỗi, cha có thể cùng vài người bạn già đàm đạo về thú vui cây cảnh, nuôi cá kiểng... Cuộc sống sắc màu, bớt buồn tẻ là liều thuốc để người già sống vui khỏe mỗi ngày.
Gắn kết tình cảm gia đình
Theo một chuyên gia tâm lý ở TP HCM, cuộc sống hiện đại, mọi người dành thời gian cho gia đình ít, mối quan hệ giữa các thành viên lỏng lẻo. Đến một lúc nào đó, họ không thể tìm được tiếng nói chung sẽ khó tránh khỏi đổ vỡ. Đừng vì công việc quá bận rộn mà xem nhẹ sợi dây gắn kết tình cảm gia đình.
Hoạt động chung như đi chơi, cắm trại... góp phần kết nối, giúp thành viên thấu hiểu nhau hơn. Cuối tuần, gia đình có thể sắp xếp chuyến đi chơi gần, tổ chức nấu nướng.
Nếu không có thời gian, con cái có thể tạo niềm vui cho ông bà với mâm cơm đầm ấm, có đủ các thành viên. Nhìn ngắm những đứa trẻ chạy nhảy, cùng chơi với con cháu phần nào giúp ông bà khuây khỏa cô đơn tuổi xế chiều.
Nếu bạn ở xa, có thể tranh thủ dịp nghỉ lễ, vài ngày nghỉ cuối tuần để về bên gia đình. Tiền bạc, danh vọng có thể kiếm được nếu bạn cố gắng nhưng khoảnh khắc cận kề bên cha mẹ sẽ dần vơi đi.
Gia đình gắn kết, xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp góp phần giúp cha mẹ sống vui, hạn chế bệnh tật.
Chế độ dinh dưỡng phù hợp
Chăm sóc sức khỏe cha mẹ rất quan trọng, có sức khỏe tốt mới tận hưởng trọn vẹn niềm vui. Điều dễ nhận thấy ở tuổi già là hệ cơ kém đi, khả năng cầm nắm, nâng vật nặng không còn tốt. Hệ tiêu hóa, sức đề kháng suy giảm, khả năng hấp thu dinh dưỡng kém, dễ nhiễm bệnh hơn.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý góp phần duy trì nền tảng sức khỏe vững chắc. Thức ăn cho người cao tuổi cần mềm mịn, dễ tiêu hóa, nhạt hơn so với trước. Thực đơn nên hạn chế thịt đỏ, hải sản giàu đạm để phòng tim mạch, gan, thận và bệnh gút. Tuy nhiên, nguồn đạm Whey dễ hấp thu, cần được bổ sung vào bữa ăn để hồi phục cơ bắp, góp phần duy trì khối cơ nạc, hạn chế việc mất cơ.
Cha mẹ không thể ăn nhiều như trước nên cần chia nhỏ bữa. Mỗi bữa tuy ít nhưng nên đa dạng các nhóm thực phẩm, đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể, tăng cường sức đề kháng. Cần bổ sung thực phẩm nhiều chất xơ, vi sinh vật có lợi để hỗ trợ hệ tiêu hóa, hấp thu dưỡng chất tốt hơn.
Chăm sóc cha mẹ ngay từ độ tuổi 50 hạn chế suy giảm sức khỏe, giúp bậc cao niên tận hưởng sự an yên, hạnh phúc, khỏe mạnh trong cuộc sống thường nhật.
Theo Kim Uyên/VnExpress