Cụ ông Trung Quốc ngày nào cũng đi tìm vợ mất trí nhớ trong suốt hơn một năm qua.
Ngày 25/1/2018, ông Wang Yuming (châu tự trị Cam Nam, tỉnh Cam Túc) đang rửa mặt trong phòng tắm và nghe tiếng cửa mở. Ông cứ nghĩ vợ mình, bà Baoxia, 66 tuổi, đi ra nhà vệ sinh công cộng gần đó như mọi khi.
Sau 20 phút không thấy vợ trở lại, ông Wang nhận ra có điều không ổn. Bà Baoxia được chẩn đoán mắc bệnh mất trí nhớ (Alzheimer) năm 2008. Trước đó, bà nhiều lần đi ra ngoài không nhớ đường về, nhưng được hàng xóm dắt trở lại.
Ngày hôm đó có một trận bão tuyết nhỏ. Khi bà Baoxia đi ra khỏi nhà, bà mặc một chiếc áo khoác cũ, đi đôi giày rẻ tiền, và chỉ mang một cái đèn pin.
Ông Wang chạy nhanh đến trạm thu phí nhưng sau đó ông mới biết rằng mình đi sai hướng. 4 giờ sau khi rời khỏi nhà, một chiếc camera từ nhà dân ghi lại hình ảnh bà Baoxia đang đi bộ đến Fuzhen, cách nhà 17 km. Từ những hình ảnh camera trên đường cho thấy bà Baoxia tiếp tục đi qua một nhà máy rượu, và sau đó đi vào một con đường núi heo hút và mất thông tin từ đó.
Ông Wang cũng nghĩ tới khả năng có thể vợ mình bị xe đâm, hay chết đuối, nhưng sau nhiều lần tìm kiếm vẫn không có kết quả. Cảnh sát cũng liên tục cho người tìm các ngôi làng và thị trấn xung quanh nhưng không thấy gì. Cho đến bây giờ, bất cứ khi nào có xác chết, cảnh sát sẽ kiểm tra và gọi cho ông Wang.
Ông Wang dán tờ rơi tìm vợ khắp mọi nơi ông đi qua. Ảnh: Beijing News.
Từ đêm vợ mất tích, ông Wang bắt đầu hành trình đi tìm bà. Ông luôn nhìn vào bức ảnh của vợ và tự hỏi: "Bà ơi, bà ở đâu thế?".
16 tháng qua, ông đã đi bộ hàng nghìn km, đăng hơn 10.000 thông báo, dán tờ rơi, nhưng vẫn không nhận được tin tức gì. Ban đầu ông đến các thị trấn, làng mạc ở gần, sau đó mở rộng tìm kiếm ở xa. Đi tới đâu, ông cũng nhờ sự trợ giúp từ các trạm cảnh sát, cứu hộ, đài truyền hình. Tờ rơi tìm vợ được ông dán khắp các đường phố, trong các ngõ nhỏ. Những tờ rơi bị mờ chữ dần, hay rách ra sau vài tháng, ông Wang sẽ xé cái cũ và dán lại cái mới.
Để tránh thời tiết nắng nóng, ông Wang thường ra ngoài tìm vợ vào lúc 5 giờ sáng. Nhiều người đã quá quen với hình ảnh của một ông cụ còng lưng, gầy gò, và khuôn mặt luôn toát lên vẻ khắc khổ.
Do lao động quá sức, các khớp ngón tay của ông Wang bị thô và biến dạng, cả hai cánh tay không thể duỗi thẳng. Nhưng ông Wang luôn nói mình có sức khỏe tốt. Ông nói mình không bị cảm lạnh từ năm 18 tuổi. Đối với ông, tìm vợ bây giờ là điều quan trọng nhất.
Hầu hết thời gian, ông đều đi bộ, bởi theo ông, nếu tìm người mà đi xe thì sẽ không có nhiều kết quả. "Bạn phải hỏi người ta, xem có nhìn thấy không, có tin gì không, nên làm sao đi xe được", ông nói.
Theo ước tính, ông Wang có thể đi bộ ít nhất 40 km/ngày. Đôi khi ông đi một chiếc xe đạp cũ kêu cọc cạch. Có lần, gặp một trận mưa lớn, lở đất khiến ông kiệt sức khi leo dốc, may một chủ xe ôtô cho ông quá giang về nhà.
Ông Wang chủ yếu đi bộ tìm vợ, vì nghĩ đi xe sẽ khó hỏi han mọi người hơn. Ảnh: Beijing News.
Chiếc balo ông Wang đeo trên lưng chỉ có một tấm vải mỏng để trải ra khi ngủ. Ông không mang theo thức ăn và nước uống, vì mang nhiều thứ quá sẽ không thể đi lâu. Khi trời nắng nóng, ông thích rửa mặt bên bờ sông và uống một ít nước. Đồ ăn ông sẽ mua tạm một ít bên đường.
Ông Wang kể nhận được nhiều tình cảm ấm áp từ mọi người. Có lần một chàng thanh niên rút 20 tệ từ trong túi áo, đặt vào tay ông và nói: "Ông đừng lo lắng quá nhé, cứ bình tĩnh tìm bà ông ạ". Nhiều chủ cửa hàng cho ông nước, một người thậm chí còn nấu bát mỳ cho ông ăn.
Trong năm qua, số tiền thưởng ông hứa cho người báo tin đã thay đổi. Đầu tiên, những người cung cấp manh mối sẽ nhận được 5.000 tệ, sau lên 10.000 và giờ là 200.000 tệ.
"Điện thoại gọi đến rất nhiều nhưng không ai có thông tin đúng cả", ông Wang nói. Ông cho hay nếu thực sự có người đưa ra tin chính xác, ông sẽ bán nhà để trả tiền cho họ như đã hứa.
Ông chăm chút từng tờ rơi dán lên tường. Chỗ nào giấy bị rách hay quá cũ, ông sẽ thay ngay tờ mới. Ảnh: Beijing News.
Ông Wang kể thời mới lấy nhau, hai ông bà rất khổ. Sinh con trai đầu lòng, không có tiền đi viện nên bà sinh tại nhà. Kết quả là bà bị chảy máu quá nhiều, cơ thể yếu và xuất hiện triệu chứng trầm cảm sau sinh. Khi sinh con trai thứ hai, bà tiếp tục được chẩn đoán "rối loạn thần kinh". Ông nghĩ rằng điều kiện sống thiếu thốn là một trong những hậu quả dẫn tới tình trạng bệnh bà sau này.
Ông có hai con trai, một người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, còn một người ở xa, nên không hỗ trợ bố tìm mẹ được thường xuyên. Vì thế, ông vẫn luôn chủ động đi tìm bà mỗi ngày.
Theo VnExpress