Sau khi tốt nghiệp đại học, cô gái 9X xứ Huế đã không đi làm mà lập ra dự án “Ngôi nhà mơ ước", nhằm giúp bạn trẻ bị điếc và xương thủy tinh có việc làm, môi trường giao lưu cũng như gắn kết hơn với cộng đồng.
Các bạn bị câm điếc và xương thủy tinh quây quần học làm hoa giấy tại "Ngôi nhà mơ ước” PHƯƠNG DUNG - NVCC
Ngôi nhà của ước mơ và khát vọng
"Ngôi nhà mơ ước" của Lê Thị Thanh Nhàn (25 tuổi, tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại ngữ, Huế) nằm trên đường Ông Ích Khiêm, phía sau kinh thành Huế, tràn ngập những mẫu hoa giấy do cô sáng tạo. Đây là ngôi nhà cô lập nên để giúp các bạn trẻ có khuyết tật câm điếc và bệnh xương thủy tinh.
Tại đây, các bạn cùng nhau tập làm hoa giấy, với nhiều kiểu dáng bắt mắt, gam màu tươi sáng. Những bông hoa, chiếc lá không đơn thuần chứa vẻ đẹp thẩm mỹ, sâu bên trong là cái đẹp của sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên nghịch cảnh của bản thân, chất chứa ở đó bao nhiêu ước mơ và khát vọng.
Trước đó, Nhàn đã thuê lại nhà, tự tay tu sửa, trang trí bằng những vật dụng mà các bạn khuyết tật làm. Trò chuyện với Nhàn, chúng tôi cảm nhận bên trong cô gái năng động với nhiều tài năng này là nguồn năng lượng tràn đầy. Nhàn cho biết sau khi ra trường, Nhàn được tuyển vào làm dịch vụ tại khu Lục Bộ (thuộc một doanh nghiệp phát triển dịch vụ du lịch và sản phẩm đặc sản Huế), nhưng sau khi bắt tay vào dự án, Nhàn không còn thời gian để đi làm vì "phải dồn mọi tâm huyết cho công việc mình đam mê".
Lê Thị Thanh Nhàn
“Mục đích chính của Nhàn là tạo cho bất cứ ai đến với ngôi nhà đều cảm giác ở đây như chính ngôi nhà của họ. Khách được uống nước, mua hoa hay có thể chính tay mình làm ra một bông hoa để mang về. Với các em bị câm điếc, xương thủy tinh, đây cũng là nơi các em sống, cùng nhau học làm hoa, chia sẻ cho nhau những câu chuyện trong cuộc sống. Tất cả khoản thu từ hoạt động bán hoa, gốm sứ, hay những cốc nước dầm sẽ dùng phục vụ cho việc chuẩn bị nguyên liệu làm hoa giấy, trang trải chi phí ngôi nhà, trả lương cho các bạn, cũng như hỗ trợ thêm tiền thuốc cho những bạn có bệnh xương thủy tinh.
Mong phát triển dự án
Nói về dự án cộng đồng này, Nhàn chia sẻ: "Mình bắt đầu làm thêm từ năm học lớp 12, đã trải qua rất nhiều công việc như đi hát, thiết kế, trang trí nhà ở, khách sạn... Từ những việc này Nhàn tích góp được một số tiền và bây giờ dùng để xây dựng dự án này”. Dành cả tâm huyết, nhiệt tình chỉ dạy, tạo việc làm cho các bạn cách làm hoa giấy, lắng nghe, chia sẻ nỗi đau đớn về thể xác cũng như tinh thần của người câm điếc và xương thủy tinh..., Nhàn tự nhận đó là “trách nhiệm” của mình.
Khi chúng tôi đến “Ngôi nhà mơ ước”, các bạn câm điếc và xương thủy tinh đang hăng say cắt dán những bông hoa sen giấy với nụ cười rạng rỡ trên môi. Nhiều bạn đã không ngần ngại chia sẻ về hoàn cảnh bản thân qua những nét chữ, vì không nói được.
Phạm Thị Kim Huệ (23 tuổi, bị điếc), thành viên "Ngôi nhà mơ ước", chia sẻ: “Mình làm hoa cùng chị Nhàn ở đây vui lắm, tụi mình học làm hoa giấy từ từ, làm hết sức mình, cố gắng, và còn tạo thêm được thu nhập, phần nào hỗ trợ thêm cho gia đình nữa”. Tuy mỗi dòng chia sẻ của thành viên ở đây viết ra rất ngắn nhưng cũng đã cho thấy sự nỗ lực vượt qua khó khăn, cũng như niềm vui, lạc quan khi chia sẻ về những câu chuyện trong cuộc sống.
Do dự án phi lợi nhuận, hướng đến thiện nguyện, Nhàn cũng đã gặp không ít khó khăn. “Có lúc các bạn bị xương thủy tinh lên cơn đau, không đến học làm hoa được, mình đem nguyên liệu đến nhà để hướng dẫn, cũng như hỗ trợ phần nào tiền thuốc cho các bạn”, Nhàn chia sẻ.
Nhàn mong muốn phát triển và mở rộng hơn để các bạn không phải mỗi ngày đều đi đi, về về mà ở cố định tại đây, cũng như có điều kiện hơn để giúp đỡ thêm nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Mong muốn tuy đơn giản nhưng để đạt được hoàn toàn không dễ trong ngày một, ngày hai.
Theo Phương Dung/ Thanh Niên