Thủy điện mọc lên, bản làng và ruộng nương biến thành biển nước mênh mông giữa núi rừng, Lang Văn Mão vẫn quyết trở lại rừng, dựng nhà sống trên ốc đảo heo hút với quyết tâm bám rừng dựng cơ nghiệp.
Căn nhà của anh Mão trên ốc đảo
Mất gần nửa giờ, chiếc thuyền máy mới từ bến đò vào đến ốc đảo của “Robinson” Lương Văn Mão. Lòng hồ thủy điện Hủa Na (xã Đồng Văn, H.Quế Phong, Nghệ An) mùa này cạn, nhưng vẫn mênh mông nước. Cách bến đò chừng 10 phút chạy thuyền, Mão chỉ tay xuống đáy hồ nói, chỗ này là bản cũ, nơi Mão sinh ra và lớn lên, nay đã ngập gần 30 m.
Năm 2012, thủy điện chuẩn bị tích nước, gia đình Mão và hơn 1.300 hộ khác phải di dời nhà cửa, bỏ lại ruộng nương đến khu tái định cư. Đến đây, đất chật, người đông, xa rừng, ruộng chưa có và gia đình Mão bắt đầu đối mặt với cuộc sống khó khăn. Trong đầu Mão xuất hiện ý định tha hương như những thanh niên khác trong bản để đi làm thuê kiếm sống. Tuy nhiên, Mão chợt nghĩ, nước dâng, nhưng có ngập hết rừng đâu, nên quyết định ở lại bám rừng để sống. Thủy điện tích nước, Mão quay lại rừng chặt lùng (một loại cây giống cây tre) mang về bán cho các nhà máy làm tăm hương và anh phát hiện lòng hồ có rất nhiều cá. Mão về mua lưới cụ để đánh bắt và mỗi ngày bắt được hàng yến cá. “Lúc đó, tôi nghĩ đây là cơ hội để lập nghiệp nên quyết định trở lại rừng”, anh Mão kể.
Năm 2013, anh Mão sắm thuyền máy, tìm chọn một quả đồi heo hút nằm trong lòng hồ để lập nghiệp. Chàng thanh niên 25 tuổi này chặt cây, dựng nhà trên đỉnh đồi để ở tựa như nhân vật Robinson dạt vào hoang đảo của nhà văn Daniel Defoe. Không điện, không hàng xóm. Mùa mưa lũ, nước hồ dâng cao, căn nhà sàn ngập cả mét suốt cả tháng trời. Mọi sinh hoạt đều trên căn gác nhỏ, đi lại phải dùng thuyền, vật nuôi phải di dời lên quả đồi bên cạnh cao hơn. Không nản chí, anh Mão vẫn quyết dựng nghiệp ở ốc đảo này. Anh vay vốn mua lưới cụ đánh cá và làm bè lồng nuôi các loại cá có giá trị cao như cá lăng, leo, trắm...
Hằng ngày, lượng cá nhỏ đánh bắt từ lòng hồ rất lớn, anh Mão nghĩ đến việc tận dụng làm thức ăn để chăn nuôi. Anh tiếp tục vay vốn, mua hàng trăm con gà, vịt, lợn về nuôi. Trang trại nơi đảo vắng này ít tháng sau đã cho thu nhập rất tốt. Anh Mão cưới vợ và ốc đảo từ đó có thêm người đồng hành với anh. Năm 2014, xã Đồng Văn giao cho anh Mão quản lý, bảo vệ khu vực rừng gần ốc đảo anh sống và anh được khai thác cây lùng trong khu vực đó để bán. Lùng là loại cây đặc hữu, phân bổ ở ít nơi, trong đó có vùng này. Lùng có giá trị kinh tế khá cao, được các doanh nghiệp mua để làm tăm hương, đồ mỹ nghệ. Mỗi năm, ngoài chăn nuôi, riêng việc khai thác cây lùng trong khu vực rừng anh Mão nhận bảo vệ cũng cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Sau khi tích nước, anh Mão đến trồng những loại cây làm thực phẩm để “lấy ngắn nuôi dài”
Anh Mão kể, khi anh đặt vấn đề tự nguyện bảo vệ rừng để hưởng “lộc” rừng, xã đồng ý liền vì được một công đôi việc, vừa giữ được rừng vừa tạo được việc làm cho thanh niên. Theo anh Mão, nếu không giao cho anh bảo vệ rừng và được khai thác lùng thì xã rất khó quản rừng, người dân sẽ tự ý vào chặt phá. Họ khai thác theo kiểu tận diệt, chặt hết cây non bên ngoài để lấy cây già bên trong nên rất lãng phí. Những cây gỗ lớn trên rừng cũng sẽ bị lâm tặc đốn hạ mà chẳng ai biết. Từ khi xã giao cho anh Mão, khu rừng này đã bình yên.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lương Thái Quý, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn, nói mô hình của anh Mão lợi đôi đường, vừa bảo vệ được rừng, vừa phát triển được kinh tế cho thanh niên. Hiện xã có hơn 20.000 ha đất rừng cộng đồng do xã quản lý nên mô hình này đang được xã cho nhân rộng.
Chỉ vào khu đồi còn trống, anh Mão cho biết đang thử nghiệm trồng dừa xiêm, nếu thành công sẽ trồng hàng trăm gốc dừa xung quanh đồi để tạo cảnh quan và tạo nguồn thu nhập. Mô hình cá, gà, lợn cũng đang được mở rộng. Vùng này, thanh niên cứ kéo nhau đi xa làm thuê nhưng mỗi năm chỉ mang về mỗi người vài chục triệu đồng, có người thậm chí về tay không. Từ khi mô hình của anh Mão thành công, một số người bắt đầu làm theo và cho thu nhập ổn định. Năm 2017, anh Mão là 1 trong 29 thanh niên tiêu biểu với mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh được Tỉnh đoàn Nghệ An tôn vinh. Anh Mão nói sẽ tiếp tục vay vốn để đầu tư, biến lòng hồ và quả đồi hoang này thành nơi “hái ra tiền”. |
Theo Khánh Hoan/ Thanh Niên