Các bạn trẻ nhóm Water Wase Vietnam (Hà Nội) có hoạt động thiết thực trong dịp cúng ông Công, ông Táo. Đó là dọn rác xung quanh khu vực hồ Thiền Quang.
Dưới cái lạnh 11 - 12 độ C của Hà Nội, ba "ông Táo" trong sắc xanh lá, xanh dương và đỏ cùng các học sinh, sinh viên dọn dẹp cho hồ Thiền Quang thêm sạch.
Dự án này có tên Ông Táo ghét túi nilon. Do các bạn học sinh, sinh viên nhóm Water Wise Vietnam lập ra.
Ông Táo vất vả bơi trong biển rác
Bắt đầu thực hiện từ năm 2013 cho đến nay, Water Wise Vietnam có lực lượng thành viên đông đảo đến từ các trường THPT, đại học, cao đẳng trên toàn thành phố.
Trước đây, các bạn thực hiện chương trình này ở hồ Ngọc Khánh. Nhưng do hồ Ngọc Khánh đã được cải tạo theo quy mô khác, các vật dụng dọn dẹp của nhóm lại khá đơn giản nên phải tìm nơi khác vừa an toàn, vừa thực hiện công việc dọn rác dễ dàng. Hai năm nay, các bạn lựa chọn hồ Thiền Quang.
Không chỉ ngày cúng ông Công, ông Táo, mà mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, nhóm cũng tổ chức các buổi dọn hồ ở đây. Hồ Thiền Quang có vị trí trung tâm thủ đô, nên các bạn vừa dọn rác, vừa thực hiện các công việc truyền thông, xây dựng hình ảnh thực tế đến người dân để mọi người hiểu thêm về việc bảo vệ môi trường.
Những ngày gần đây, nhóm lại tất bật hơn cho việc dọn dẹp hồ ngày cúng ông Công, ông Táo. Nguyễn Đức Anh (Phó chủ tịch Water Wise Vietnam) kể: "Công việc vớt rác của tụi mình cũng có nhiều khó khăn. Đặc biệt là vớt rác dưới hồ, phải vớt làm sao cho tro tàn không bị trôi ra phía giữa hồ.
Nhiều người còn vứt cả bàn thờ, bát hương xuống dưới hồ khiến việc vớt rác cực nhọc. Ngoài ra, tụi mình còn phải vớt cả những chú cá bị chết do việc thả cá sai cách của người dân hay những bé cá không thể đủ không khí do những tro tàn lấp xung quanh mặt hồ.
Tụi mình cũng phải chạy quanh khu vực hồ khá nhiều lần vừa để dọn, vừa để cố gắng khuyên người dân không nên có những hành động thả vàng mã xuống hồ".
Đức Anh cho biết, hoạt động này đã được thực hiện vào sáng chủ nhật 4-2 vừa qua. Ngày 23 âm lịch (8-2), các bạn sẽ làm cả ngày từ 9h đến 11h 30, buổi chiều từ 2h đến 5h30.
"Mời ông bà Táo xơi nước"
"Tụi mình không hề cảm thấy ngại ngùng khi mặc đồ ông Táo. Vì trong dịp này, ông Táo là vị trí đặc biệt nhất. Riêng mình thì cảm thấy đáng nhớ vì được lựa chọn khoác bộ đồ. Đồ ông Táo chỉ có hai ông và một bà nhưng bạn nào cũng tranh nhau mặc. Những ông bà Táo sẽ cầm trên tay chiếc vợt dọn hồ dài hơn 1 mét và đi xung quanh vớt rác, vớt tro tàn, vàng mã dưới lòng hồ.
Tụi mình cố gắng hạn chế hết sức có thể tình trạng người dân xả tro vàng mã hay vứt túi nilon. Nhiều người sau khi thả cá đã vứt túi nilon xuống ao hồ, khiến nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái xung quanh.
Qua sự kiện lần này, tụi mình hi vọng phong trào giữ vệ sinh hồ và xả rác đúng nơi công cộng sẽ lan rộng ra khắp cộng đồng không chỉ ở hồ Thiền Quang mà cũng như trên toàn thành phố Hà Nội", Đức Anh chia sẻ.
Đức Anh kể, khi tham gia chương trình Ông Táo ghét túi nilon, các bạn đã có rất nhiều kỉ niệm thú vị.
"Ngày đầu làm ở hồ Ngọc Khánh, tụi mình mặc đồ ông Táo. Nhiều người cảm thấy kì lạ lắm nhưng khi thấy nhóm làm việc chăm chỉ, nhiều người mang mấy cốc nước trà ra mời và nói vui: "Chúng con mời ông bà Táo lại xơi nước".
Hay lần khác làm tại hồ Thiền Quang, tụi mình được mọi người chạy tới hỏi thăm rất nhiều. Có người chụp ảnh, có người động viên, có người cho ít quà. Mọi người động viên tinh thần tụi mình nhiều lắm".
Tuy nhiên, khi thực hiện chương trình năm nay, các bạn lại gặp rắc rối với thời tiết khi phải cởi bỏ lớp áo khoác để mặc đồ ông Táo cho vừa vặn. Khi đạp xe tuyên truyền, gió thổi phà phà khiến ai cũng run cầm cập. "Ngoài hồ thường có gió to, nhưng làm việc hăng say và được mọi người động viên, đứa nào cũng cảm thấy ấm lòng, không bị lạnh nữa", Đức Anh chia sẻ.
Anh thổ lộ thêm: "Mình chỉ mong muốn mọi người sẽ có cái nhìn rõ nét hơn về vấn đề ô nhiễm môi trường đang diễn ra và có thể cải biến được các phong tục cũ đã không còn thích hợp nữa, để chúng mình sang năm sau có thực hiện tiếp chương trình này đỡ vất vả hơn thôi.
Theo phong tục truyền thống của người Việt, vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, nhân dân lại thả cá tiễn ông bà Táo về trời tâu bẩm Ngọc Hoàng về cuộc sống trong một năm với những hi vọng về một cuộc sống an khang, thịnh vượng. Tuy nhiên, nhiều người sau khi thả cá đã vứt túi nilon xuống ao hồ, khiến nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái xung quanh.
Đó là ý tưởng giúp Ông Táo ghét túi nilon ra đời với các hoạt động như dọn hồ, đạp xe tuyên truyền. Tụi mình hi vọng truyền tải được thông điệp "Chúng ta cùng nhau bảo vệ môi trường" đến tất cả mọi người, để cái Tết thêm trọn vẹn và nhiều niềm vui".
Bên cạnh Ông Táo ghét túi nilon, Water Wise Vietnam còn có thêm nhiều hoạt động nhằm bảo vệ môi trường. Đó là tiến hành các hoạt động thực tế hướng tới tuyên truyền bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và hồ Hà Nội. Nhóm cũng tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực hoạt động tình nguyện cho các bạn thành viên, trang bị cho các bạn những kiến thức, kĩ năng cần thiết, hỗ trợ để các bạn có thể tự mình biến những ý tưởng tình nguyện thành những dự án thiết thực hướng tới cộng đồng. Sau 7 năm hoạt động, các bạn đã cho ra đời khoảng 50 dự án thành viên với thông điệp sống xanh đầy ý nghĩa. |
Theo Phương Vy/ Tuổi Trẻ