Con tôi gần 6 tuổi nhưng trong nhà vẫn còn nguyên một thùng đồ lủng lẳng mác cho trẻ 3-4 tuổi mà vợ mua vài năm trước.
Dưới đây là bài viết của anh Nguyễn Đình Dũng, 32 tuổi chia sẻ về lý do anh không còn dám giao tay hòm chìa khóa cho vợ sau 6 năm kết hôn:
Cả tuần nay vợ chồng tôi không ai nói với ai câu nào. Vợ đang giận vì sau khi cắt giảm hết các khoản chi không cần thiết trong nhà, tôi đồng thời không để cô ấy giữ thẻ ATM của mình nữa. Cô ấy nói tôi làm vậy là thiếu tôn trọng, không tin tưởng vợ. Nhưng quả thực, tôi quá sợ cứ đà chi tiêu của vợ như mấy năm qua, nhà tôi sẽ có ngày ra đường ở.
Vợ chồng tôi lấy nhau không phải lo lắng về kinh tế vì tôi đã có sẵn một căn chung cư nhỏ được bố mẹ mua cho từ thời sinh viên ở Thanh Xuân, Hà Nội. Mấy năm trước, tôi làm kinh doanh, thu nhập tốt, trung bình mỗi tháng cũng được 30-50 triệu. Vợ tôi làm ở cơ quan nhà nước, lương chỉ vài triệu, đủ cho cô ấy tiêu vặt nhưng nhàn nhã, thuận tiện chăm lo cho con.
Sau khi kết hôn, tiền làm ra mỗi tháng, tôi giao cho vợ 2/3, chưa kể thỉnh thoảng được một khoản to to cuối năm. Dù gì, cô ấy cũng tốt nghiệp đại học kinh tế nên chắc sẽ có kế hoạch thu chi tốt. Tôi có nhắc vợ để riêng ra một khoản tiết kiệm về sau cần đến nhưng vì công việc bận rộn nên cũng ít để ý cụ thể cô ấy thực hiện ra sao. Chỉ biết là, vợ tôi sống chẳng khác gì vợ đại gia.
Khi con còn nhỏ chuyện nuôi người giúp việc không tính nhưng lúc con đi mẫu giáo, 4 rưỡi chiều cô ấy ra khỏi cơ quan, tuần nghỉ hai ngày nhưng vẫn đều đều thuê người đến dọn nhà theo giờ. Đồ ăn trong nhà tôi toàn là hoa quả ngoại, hải sản to, bò Mỹ, lợn sạch… Tuần nào cũng đi siêu thị và lần nào cũng đều thanh toán tiền triệu.
Khoản tốn kém nhất của vợ là quần áo cho hai mẹ con. Không tuần nào tôi không thấy vợ khuân về đồ mới, nào giày dép, quần áo, mỹ phẩm của mẹ, váy vóc, đồ dùng của con. Tới giờ, nhà tôi vẫn còn cả thùng đồ của con gái mới nguyên vì nó quá nhiều đồ, chưa mặc đến, đó là chưa kể vợ tôi đã cho bớt đi các cháu khá nhiều. Trang phục của vợ thì hai tủ đầy chật, chưa kể những cái chất ở nhà kho.
Chuyện đi ăn hàng, đi chơi để vợ có dòng Facebook "sáng thức dậy ở nơi xa Hà Nội" cũng là hoạt động định kỳ. Ăn, chơi thì cũng thích nhưng nhiều khi tôi hoảng vì thấy tần suất nhiều quá, nhắc nhở thì vợ lại cười tươi: "Chồng yên tâm đi, em mua được voucher giảm giá, không tốn mấy đâu".
Hai năm trước, việc kinh doanh khó khăn, tôi hỏi vợ khoản tiết kiệm để quay vòng vốn thì cô ấy đưa ra chưa đầy một trăm triệu và nói tất cả chỉ có thế. Tôi bảo nhà chỉ có hai vợ chồng với một con, em tiêu gì mà tháng hết vài chục triệu thì vợ làm um lên, nói cô ấy chỉ lo cho gia đình mà bị tôi nghi ngờ. Tôi thực sự thất vọng vô cùng nhưng cũng không biết phải làm thế nào. Cuối năm 2015, liên tục thua lỗ, tôi đành từ bỏ việc kinh doanh, xin vào làm công ăn lương ở một công ty lớn.
Thu nhập giảm hơn nửa nhưng vợ tôi vẫn chi tiêu như cũ, tiền lương chồng chuyển vào ATM có khi chỉ chưa được nửa tháng thì vợ đã tiêu hết sạch. Nhắc nhẹ nhàng, nói chuyện tình cảm cô ấy vẫn không nghe, tôi đành khóa thẻ. Tôi nói từ giờ vợ dùng lương cô ấy để lo ăn uống, tôi sẽ đóng học cho con, lo điện nước, internet, các khoản xăng xe, hiếu hỉ... Cô ấy gào lên "anh đã muốn chia kiểu thế thì chia tay hẳn đi, mạnh ai nấy sống"... Tôi cũng chỉ biết im lặng, chẳng thể dỗ dành, giải thích mãi được.
Cuộc sống gia đình tôi giờ thực sự căng thẳng. Bản thân tôi đang phải cố gắng tìm mối làm thêm để tăng thu nhập để lo cho con cái sau này. Vợ thì vẫn không hiểu cho, bảo tôi quá đáng, ích kỷ... Dù cô ấy có nói gì, tôi cũng không thể một lần nữa giao tay hòm chìa khóa cho vợ. Nếu ngay từ 6 năm trước thực hiện việc này, chắc bây giờ gia đình tôi không tới nỗi khó khăn như vậy.
Theo chuyên viên hoạch định tài chính cá nhân, gia đình Bội Lê, (TP HCM), thực tế ông từng tư vấn không ít trường hợp tài chính gia đình gặp trục trặc khi chồng giao hết tiền cho vợ. Đó có thể là vì người vợ chi tiêu không hợp lý hoặc có khi dùng tiền đó để buôn bán nhưng bị lỗ mà không cho chồng biết, cố vay mượn nóng để đắp vào, đến khi số nợ lớn quá phải bán nhà trả nợ thì chồng mới vỡ lẽ. Ông Bội Lê cho rằng, trong gia đình, không nên ấn định người vợ phải là tay hòm chìa khóa mà ai có khả năng quản lý thu chi tốt hơn thì có thể giữ vai trò này. Thường khúc mắc xảy ra khi hai bên không có được tiếng nói chung và không đồng ý cho người kia "cầm chịch". Ông cho rằng, trong trường hợp đó, hai vợ chồng nên tìm gặp tư vấn tài chính để vạch kế hoạch cho gia đình rồi đưa ra lựa chọn thích hợp và cả hai cùng theo dõi quản lý. Vấn đề là, hiện tại, rất ít người thực hiện phương án này vì thói quen coi kinh tế gia đình là chuyện trong nhà, không muốn ai biết rõ hay can thiệp. Theo chuyên gia, khi hai vợ chồng không đồng ý về một cách giữ tiền chung thì có thể áp dụng việc tiền ai nấy giữ và mỗi người góp một phần vào quỹ chung hoặc phân chia mỗi người lo vài khoản nhất định. Tuy nhiên, nên thực hiện việc này như một cuộc đua xem ai quản lý có hiệu quả hơn và cả hai đều được biết kết quả của nhau. Trong mọi trường hợp, dù ai là người giữ tiền thì người kia cũng cần quan tâm và biết rõ các khoản thu để cùng có kế hoạch và mục tiêu cho tương lai gia đình. |
Theo Vnexpress