Chợ Nhe ở xã Khánh Vĩnh Yên (H.Can Lộc, Hà Tĩnh) tồn tại gần cả trăm năm qua nhưng đến nay vẫn giữ được những nét văn hóa đặc thù vốn có của một phiên chợ quê truyền thống. Chợ còn rất độc lạ khi việc mua bán trâu bò được trả giá bằng… 'mật ngữ'.
Dùng "mật ngữ" giao dịch
"Dù ai buôn ngược, bán lường/Nhớ phiên Nhe chợ cùng phường về xuôi" - câu ví này được lưu truyền trong dân gian rất lâu trước đó chứng tỏ từ ngày xưa chợ Nhe đã là một trong những chợ quê có tầm ảnh hưởng lớn trong việc giao thương buôn bán hàng hóa của người dân địa phương.
Một góc chợ Nhe trong phiên bán trâu bò ẢNH: PHẠM ĐỨC
Ngày nay, chợ Nhe còn được người dân khắp nơi biết đến là phiên chợ bán trâu bò lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh. Không như những phiên chợ quê khác, chợ Nhe mỗi tháng chỉ họp 12 phiên vào buổi sáng theo ngày âm lịch. Trong đó, có 6 phiên bán trâu bò, còn những phiên khác bán đủ các loại mặt hàng nông sản, thịt cá, quần áo…
Ghi nhận tại chợ Nhe trong phiên bán trâu bò vào một ngày giữa tháng 3 âm lịch, ngay từ sáng sớm, cánh tài xế xe tải, xe kéo chở vật nuôi về chợ đã diễn ra rất nhộn nhịp.
Tiếng người bán, kẻ mua làm huyên náo cả một vùng quê thanh bình. Hàng trăm con trâu bò lớn nhỏ được các tiểu thương mang đến, nhốt trong khu đất rộng chừng 3.000 m2 sẵn sàng chờ khách đến xem.
Trời bắt đầu hửng nắng là thời điểm cảnh mua bán ở đây diễn ra náo nhiệt nhất. Người mua dạo một vòng xem tướng mạo các con vật được tiểu thương đưa đến phiên chợ lần này, đến khi ưng mắt con nào thì bắt đầu đứng lại trả giá.
Anh Nguyễn Triển (45 tuổi, ngụ tại xã Khánh Vĩnh Yên) đến chợ từ rất sớm để chọn mua một con bê giống về nuôi. Anh bảo, người mua trâu, bò về nuôi thường lựa chọn rất kỹ. Người mua, người bán trong chợ đều thuộc lòng câu "Đầu tang, xoáy tóc, hàm sà/Trong ba thứ ấy cửa nhà ra đi", đó là tiêu chí cần tránh hàng đầu trong chọn mua giống.
Ngắm nghía một hồi lâu, anh Triển cũng tìm được một con ưng ý. "Nạp kẹo", anh Triển ra giá với lái buôn. Cuộc giao dịch bất thành vì lái buôn muốn bán con bê với giá "nạp chách kẹo".
"Ở chợ trâu bò này, người bán kẻ mua hầu như sử dụng tiếng lóng giống như "mật ngữ" để trả giá. Con bê này tôi trả giá 10,5 triệu đồng nhưng họ đòi 11,5 triệu đồng mới bán. Con bê có dáng cao, thân dài, da mỏng nhìn có vẻ rất nhanh lớn nếu mua về nuôi nhưng giá hơi cao", anh Triển giải thích.
Theo anh Triển, cách sử dụng "mật ngữ" này đối với người dân thường xuyên đi chợ và tiểu thương không lạ vì có quy ước rất rõ ràng.
Cụ thể, từ 1 - 10 triệu đồng được thống nhất bằng các từ lần lượt như: chách, lái, thâm, chớ, kèo, mục, hấp, bét, khươm, nạp. Còn 500.000 đồng sẽ được gọi là "kẹo", 20 triệu là "bị chục", 30 triệu là "thâm chục"...
Đập tay để chốt giá
Có thâm niên hơn chục năm buôn bán trâu bò ở chợ Nhe, anh Phan Văn Trà (45 tuổi, ngụ xã Gia Hanh, H.Can Lộc) nói rằng việc sử dụng từ lóng để trả giá là do cha ông để lại và không biết ai là người soạn ra quy ước tính tiền "độc nhất vô nhị" ấy.
Lái buôn và người mua đập tay chốt giá sau thời gian thương lượng ẢNH: PHẠM ĐỨC
"Khi đến đây, nếu thấy có hai người đập tay với nhau thì sẽ biết là cuộc giao dịch đã thành công. Việc đập tay cũng độc lạ giống như sử dụng từ lóng để trả giá mà các phiên chợ quê khác không có. Trong phiên này, tôi đưa đến 6 con bê giống và chỉ mất vài tiếng có mặt tại đây thì đã có 3 lần đập tay chốt giá với khách", anh Trà vui mừng.
Anh Trà cho hay, chợ Nhe có từ lâu đời, tồn tại gần cả trăm năm. Trước kia chợ chủ yếu bán lợn con, xe đạp và một số mặt hàng nông sản. Về sau mới hình thành thêm các phiên bán trâu bò. Riêng phiên chợ trâu bò thì không chỉ có người dân ở Hà Tĩnh đến mua bán mà các thương lái ở các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa cũng vào đây để giao thương. Có phiên, lái buôn đưa đến chợ từ 300 - 400 con.
"Phiên chợ trâu bò thường diễn ra rất chóng vánh, bắt đầu họp từ 5 giờ sáng nhưng khoảng 10 giờ trưa đã tan. Ngoài bán con giống, trâu bò thịt cũng được người dân tứ xứ đưa đến đây. Không phải phiên chợ nào cũng bán được, có khi chúng tôi phải chở trâu bò đi rồi phải chở chúng về. Thu nhập do vậy cũng bấp bênh lắm, song cũng đủ trang trải cuộc sống", anh Trà bộc bạch.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Khánh Vĩnh Yên, cho hay cái tên chợ Nhe bắt nguồn từ cây cầu cùng tên được xây dựng từ thời Pháp thuộc cách đây gần 100 năm. Sau khi cầu được xây dựng, bên cạnh cầu có một khu đất rộng, bằng phẳng nên người dân tổ chức họp chợ lấy tên là chợ Nhe.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cầu Nhe là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay địch. Vào ngày 15.4.1968, 53 chiến sĩ thuộc tiểu đoàn 351, trung đoàn 5 Yên Tử (Đoàn 1019) Quân khu 3, Bộ Tư lệnh TP.Hải Phòng, trên đường hành quân vào Nam chiến đấu đã vĩnh viễn nằm lại cầu Nhe.
Năm 2005, nhà bia ghi tên các anh hùng liệt sĩ tại cầu Nhe đã được xây dựng và đến năm 2014 thì được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Theo Phạm Đức/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/doc-dao-phien-cho-tra-gia-bang-mat-ngu-dap-tay-chot-gia-18525041319561847.htm