Bên cạnh hành lang pháp lý, để môi trường internet, mạng xã hội thực sự an toàn còn phụ thuộc nhiều vào hành vi sử dụng của người dùng. Nhưng sử dụng mạng xã hội như thế nào để an toàn và thông minh thì không phải ai cũng nắm rõ.
Những thông tin hữu ích để an toàn thông tin trên mạng xã hội được chuyên gia chia sẻ tại chương trình giao lưu trực tuyến "Tuổi trẻ Việt Nam - Những câu chuyện đẹp" số thứ 2 với chủ đề "An toàn thông tin trên không gian mạng cho giới trẻ" do T.Ư Đoàn chỉ đạo triển khai, Báo Thanh Niên tổ chức thực hiện.
Các khách mời có những chia sẻ hữu ích về sử dụng mạng xã hội an toàn và thông minh ẢNH: NỮ VƯƠNG
Hoạt động Đoàn ứng dụng ChatGPT, "bắt trend" mạng xã hội…
Tại buổi giao lưu, các khách mời đều nhìn nhận công nghệ thông tin và mạng xã hội đã mang lại rất nhiều tiện ích.
Anh Bùi Duy Hưng, Phó bí thư Quận đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên VN Q.3 (TP.HCM), cho biết nhờ mạng xã hội và công nghệ mà các hoạt động Đoàn, Hội được triển khai hiệu quả và thuận tiện hơn.
Điều đặc biệt, anh Hưng gây sự thích thú cho người xem khi "bật mí" tận dụng ChatGPT để hỗ trợ các công tác Đoàn. "Trước đây, mình rất đau đầu khi nghĩ các chương trình, hoạt động cho đoàn viên, thanh niên làm sao cho sáng tạo. Hiện nay, mình lựa chọn tham khảo ý kiến từ nhiều nguồn và trong đó có ChatGPT. Mình sẽ đưa ra thế mạnh ở địa phương là gì, những gì mình có thể làm được để phát triển công tác địa phương nhiều hơn nữa… và ChatGPT sẽ gợi ý rất nhiều ý tưởng. Từ đó mình chắt lọc lại để phù hợp hơn với điều kiện thực tế, cũng như nhu cầu của thanh niên và áp dụng tại địa phương", anh chia sẻ.
Anh Hưng cũng cho biết những trend hot trên mạng xã hội cũng được cập nhật để áp dụng vào các hoạt động Đoàn. Như trend "xé túi mù" đang được rất nhiều bạn trẻ quan tâm, cũng được cập nhật để đưa vào các buổi livestream bán các sản phẩm khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên…
Trần Thị Kiều Anh, Ủy viên Ban Thư ký T.Ư Hội Sinh viên VN, Phó chủ tịch Hội Sinh viên TP.HCM, cũng cho biết mạng xã hội là một phần không thể thiếu đối với mỗi sinh viên, và cá nhân Kiều Anh cũng vậy. Mạng xã hội giúp ích nhiều trong công tác Hội, giúp các hoạt động có sức lan tỏa hơn, kết nối với Hội Sinh viên các trường…
Tuy nhiên, các khách mời cũng lo lắng về những mối nguy mất an toàn thông tin trên không gian mạng cho giới trẻ.
Theo anh Hưng, mọi người thường nói mạng xã hội là thế giới ảo, tuy nhiên thực tế không phải như vậy. Vì mạng xã hội thật ở 3 điểm là nền tảng vận hành, con người tham gia sử dụng, và sự tác động đến cuộc sống.
Anh Hưng cho rằng rất nhiều nguy cơ mà người trẻ phải đối diện khi thế giới mạng vẫn còn nhiều thông tin xấu độc dễ khiến thanh niên nghe và làm theo, có thể là những đoạn video rất ngắn nhưng mức độ tác động đến người trẻ là không lường hết được. Điều lo ngại thứ 2 là mất an toàn thông tin cá nhân nếu người dùng bất cẩn. Cũng như hiện nay, người trẻ "sống" trên thế giới mạng nhiều hơn và dần xa rời các hoạt động ngoài thực tế, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các chứng bệnh về tâm lý, trầm cảm gia tăng…
Theo khách mời, công nghệ và mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong đời sống, nhưng người trẻ cần trang bị kỹ năng để đảm bảo an toàn trên không gian mạng ẢNH: NỮ VƯƠNG
Những cách hay mà người trẻ cần biết
Thạc sĩ Phan Thế Duy, giảng viên làm việc tại Phòng thí nghiệm an toàn thông tin - UIT InSecLab, Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng người trẻ đang đối diện với nhiều rủi ro khi sử dụng mạng xã hội nếu không được trang bị các kỹ năng về an toàn thông tin trên không gian mạng.
Anh Duy nhận định: "Hiện nay việc thực hiện các hành vi lừa đảo và kịch bản lừa đảo rất dễ dàng vì sự phổ biến của các công cụ trí tuệ nhân tạo. Kẻ lừa đảo có thể viết ra những kịch bản rất giống với thực tế. Khi người dùng mạng xã hội đăng tải, chia sẻ những thông tin như thường đi đâu, bạn bè và người thân của bạn gồm những ai, và kẻ lừa đảo sẽ xâu chuỗi lại để tạo nên câu chuyện hoàn hảo và dẫn dắt các bạn trẻ thực hiện những ý đồ xấu của họ".
Đồng thời, anh Duy cũng chỉ ra mức độ sâu hơn như bị nhiễm mã độc, vi rút thông qua việc truy cập những đường link chia sẻ trên mạng xã hội, hội nhóm hoặc nhóm chat nào đó… Khi nhấn vào các link đó mà không cảnh giác, cung cấp quá nhiều thông tin dẫn đến dễ mất tài khoản. Kẻ xấu sẽ chiếm đoạt tài khoản, nhân danh mình để thực hiện các thủ đoạn lừa đảo.
Để bảo vệ tài khoản trên không gian mạng thì điều tiên quyết, theo anh Duy là sự hiểu biết, nhận thức của người dùng về những mối nguy đang hiện hữu trên không gian mạng.
Anh Duy cho rằng sử dụng thiết bị di động, máy tính cần đặc biệt lưu ý khi cài đặt ứng dụng, phần mềm nào đó phải từ những kênh chính thống và đã được xác thực an toàn, không phải là những ứng dụng đã được bẻ khóa. Các phiên bản đã bẻ khóa nếu cài về máy tính hoặc điện thoại thì nguy cơ mất an toàn thông tin rất cao, vi rút hoặc mã độc sẽ được cài cắm vào máy tính, kèm theo đó là chúng sẽ theo dõi hành vi của mình trên mạng xã hội…
Anh Duy chỉ ra các thủ thuật như cài đặt xác thực 2 yếu tố, nếu chẳng may bị kẻ xấu đánh cắp và mất tài khoản thì vẫn còn cách xác thực thứ 2 để lấy lại tài khoản. Người dùng cũng nên thường xuyên xem lại nhật ký sử dụng mạng xã hội của mình trong mục nhật ký hoạt động, từ đây cũng có thể kiểm tra và phát hiện có thông tin đăng nhập nào khả nghi không. Nếu có thì ngay lập tức đổi mật khẩu để đảm bảo tài khoản của mình tốt hơn.
"Việc đặt mật khẩu rất quan trọng trong bảo mật và an toàn thông tin. Mật khẩu cần đủ mạnh, đủ phức tạp. Hạn chế sử dụng những mật khẩu quá dễ đoán như ngày tháng năm sinh hay tên tuổi cá nhân, người thân. Nếu khi vô tình đăng ngày sinh nhật hay thông tin cá nhân thì kẻ xấu rất dễ đoán được và thực hiện hành vi đánh cắp tài khoản. Ngoài ra người dùng cũng lưu ý không nên đặt chung một mật khẩu cho tất cả các tài khoản cá nhân, vì như thế làm gia tăng rủi ro", anh Duy lưu ý.
Ở khía cạnh là tổ chức Đoàn, Hội, anh Bùi Duy Hưng cho biết thời gian qua, Quận đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên VN Q.3 có rất nhiều hoạt động giúp nâng cao kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn cho người trẻ, như thường xuyên tổ chức nhiều chương trình mời các chuyên gia về an ninh mạng chia sẻ những cách để đảm bảo an toàn thông tin. Ngoài ra còn thực hiện cuộc vận động "Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp", tổ chức chương trình giao lưu với các gương được tuyên dương để nói về câu chuyện đẹp, lan tỏa điều tử tế…
Kiều Anh cho biết tại Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, các bạn vận động sinh viên tham gia khóa tập huấn trên nền tảng học tập công dân số, đây là nền tảng hoàn toàn miễn phí, thông qua đó sinh viên có thể vừa học được kỹ năng mềm vừa là kỹ năng an toàn mạng để bảo vệ chính bản thân mình. Ngoài ra, thế mạnh của sinh viên là sự sáng tạo, nên các bạn tận dụng thế mạnh này để xây dựng những nội dung tuyên truyền một cách sáng tạo, gần gũi với sinh viên.
Điều Kiều Anh rất tâm đắc là việc lan tỏa tin tốt, câu chuyện đẹp trên mạng xã hội, và đây cũng là giải pháp Hội Sinh viên áp dụng nhiều năm nay để lấy cái đẹp dẹp cái xấu và hướng sinh viên đến những giá trị nhân văn hơn…
Theo Nữ Vương/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/moi-truong-mang-xa-hoi-se-an-toan-hon-neu-185241223180508495.htm