Thiên tai, chiến sự Nga - Ukraine, 'chảo lửa' Trung Đông và bầu cử 'phủ bóng' các sự kiện nổi bật của thế giới năm 2024.
Năm 2024 sắp khép lại với nhiều sự kiện khó quên - Ảnh: AFP
Năm 2024 là năm kỷ lục về các cuộc bầu cử trên toàn thế giới, với hơn một nửa dân số trên toàn hành tinh đi bỏ phiếu ở hơn 60 quốc gia.
Tại Mỹ, ông Donald Trump đã trở thành tổng thống đắc cử sau khi giành chiến thắng trong một kỳ bầu cử đầy biến động. Ông cũng được tạp chí Time bầu chọn là Nhân vật của năm. Các cuộc bầu cử cũng làm rung chuyển Pháp, Đức, Nhật Bản và Ấn Độ.
Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục căng thẳng trong năm thứ 3. Câu hỏi lớn là việc ông Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1-2025 sẽ tác động thế nào đến cuộc xung đột, khi ông đã tuyên bố sẽ kết thúc chiến sự trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức.
Trung Đông tiếp tục "rực lửa" khi xung đột Israel - Hamas vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Israel - Iran nhiều lần "ăn miếng trả miếng" với các cuộc tấn công tên lửa. Israel tiếp tục giao tranh với nhóm Houthi đóng tại Yemen, nhắm vào đầu não của Hezbollah và Hamas khi tiêu diệt nhiều lãnh đạo của các lực lượng này... Ở Syria, phe đối lập đã lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Tuổi Trẻ Online gửi đến độc giả chùm ảnh điểm lại một số sự kiện quan trọng trên toàn thế giới trong năm vừa qua.
Ngày 1-1-2024, trận động đất với cường độ 7,5 đã tấn công bờ biển phía tây Nhật Bản. Hơn 200 người đã thiệt mạng. Trong ảnh: toàn cảnh thành phố Wajima, cách tâm chấn động đất khoảng 30km, bị tàn phá nặng nề - Ảnh: AFP
Ngày 18-3, theo số liệu của Ủy ban bầu cử trung ương Nga, ông Vladimir Putin tái đắc cử tổng thống Nga với số phiếu áp đảo 87,3% và sẽ lãnh đạo nước này trong 6 năm nữa. Tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở Nga trong cuộc bầu cử năm nay cũng đạt kỷ lục là 77,5%. Trong ảnh: Tổng thống Putin trong lễ nhậm chức ở Điện Kremlin ngày 7-5 - Ảnh: SPUTNIK
Ngày 22-3, ít nhất 139 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công ở nhà hát Crocus City Hall thuộc khu vực Matxcơva, Nga. IS nhận trách nhiệm về vụ tấn công trong một thông báo ngắn do hãng thông tấn Amaq có liên hệ với tổ chức khủng bố này đăng trên Telegram. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất ở Nga trong hơn hai thập niên - Ảnh: REUTERS
Ngày 1-4, dư luận quốc tế dậy sóng phẫn nộ sau khi Israel thừa nhận không kích nhầm vào đoàn xe của tổ chức viện trợ lương thực World Central Kitchen, khiến 7 nhân viên cứu trợ thiệt mạng. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi đây là "sự kiện bi thảm" và thừa nhận lực lượng của nước này "vô tình làm hại những người không tham chiến ở Dải Gaza". - Ảnh: REUTERS
Ngày 3-4, trận động đất với cường độ 7,4 tấn công bờ biển phía đông Đài Loan khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và hơn 900 người khác bị thương. Đây là trận động đất mạnh nhất trên hòn đảo này trong vòng 25 năm qua - Ảnh: REUTERS
Ngày 19-5, chiếc trực thăng Bell 212 chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đã rơi tại tỉnh Đông Azerbaijan của Iran, khiến toàn bộ người trên máy bay thiệt mạng. Ông Raisi được an táng hôm 22-5 tại quê nhà thành phố Mashhad, Iran - Ảnh: AFP
Ngày 2-6, bà Claudia Sheinbaum trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mexico. Bà từng là một nhà khoa học khí hậu và là cựu thị trưởng thành phố Mexico. Bà tuyên thệ nhậm chức vào ngày 1-10 - Ảnh: REUTERS
Ngày 4-7, Công Đảng giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử của Anh, chấm dứt 14 năm cầm quyền của Đảng Bảo thủ. Ông Kier Starmer trở thành tân thủ tướng Anh, thay ông Rishi Sunak. Trong ảnh: Thủ tướng Keir Starmer và phu nhân Victoria cảm ơn những người ủng hộ sau bài phát biểu tại Dinh Thủ tuớng ở phố Downing, London hôm 5-7 - Ảnh: AFP
Ngày 13-7, ông Trump bị ám sát hụt tại cuộc vận động tranh cử ở TP Butler, bang Pennsylvania. Viên đạn xuyên qua vành tai phải, máu chảy xuống mặt nhưng ông Trump vẫn an toàn. Một khán giả dự sự kiện thiệt mạng và hai người bị thương nặng - Ảnh: REUTERS
Trong hai ngày 17 và 18-9, hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của lực lượng Hezbollah đóng tại Lebanon bất ngờ phát ngổ, khiến khoảng 30 người thiệt mạng và khoảng 3.000 người bị thương. Ngày 30-9, Israel tuyên bố mở "chiến dịch trên bộ hạn chế" ở miền nam Lebanon, nhắm vào lực lượng Hezbollah - Ảnh: AFP
Đêm 1-10 đến rạng sáng 2-10, Iran phóng hàng trăm tên lửa nhắm vào Israel, tuyên bố trả thù cho thủ lĩnh các nhóm vũ trang thuộc "trục kháng chiến" do Iran hậu thuẫn bị Israel không kích thiệt mạng. Sau đó vào ngày 26-10, Israel tiến hành tấn công trả đũa vào Iran. Trong ảnh: Hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel đánh chặn các tên lửa, rocket Iran trong vụ tấn công ngày 2-10 - Ảnh: REUTERS
Ngày 29-10, Tây Ban Nha hứng chịu trận lũ lụt kinh hoàng nhất trong nhiều thập niên. Lượng mưa trong một năm đã đổ xuống chỉ trong vòng vài giờ ở các khu vực phía đông và nam của nước này khiến hơn 200 người thiệt mạng. Trong ảnh: tình nguyện viên cùng dân địa phương dọn sạch bùn trên đường phố ở Paiporta, gần Valencia, Tây Ban Nha, ngày 5-11 - Ảnh: REUTERS
Ngày 5-11, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra giữa hai ứng viên là ông Donald Trump của Đảng Cộng hòa và Phó tổng thống Kamala Harris - người đã trở thành ứng viên của Đảng Dân chủ sau tuyên bố rút lui và "chuyển giao ngọn đuốc" của Tổng thống Joe Biden. Ông Trump đã giành chiến thắng và sẽ chính thức trở lại Nhà Trắng vào tháng 1-2025 - Ảnh: AFP
Ngày 6-11, liên minh cầm quyền của Đức sụp đổ sau những bất đồng về nền kinh tế của đất nước, đỉnh điểm là việc Thủ tướng Đức Olaf Scholz sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner của Đảng Dân chủ tự do (FDP). Sự ra đi của FDP khiến liên minh, gồm Đảng Dân chủ xã hội của ông Scholz và Đảng Xanh, mất thế đa số. Thủ tướng Scholz cũng đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, trực tiếp đưa nước này đến gần cuộc bầu cử sớm vào tháng 2-2025 - Ảnh: REUTERS
Ngày 21-11, Tòa Hình sự quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái), cựu bộ trưởng quốc phòng Yoav Gallant và một quan chức cấp cao của Hamas, cáo buộc họ phạm tội ác chiến tranh trong và sau sự kiện 7-10-2023 - Ảnh: AFP
Ngày 3-12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol gây chấn động khi ban bố tình trạng thiết quân luật và gỡ bỏ chỉ 6 tiếng sau đó. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1980 thiết quân luật được ban bố tại Hàn Quốc. Sau đó vào ngày 14-12, Quốc hội Hàn Quốc thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol liên quan đến tuyên bố thiết quân luật này. Trong ảnh: Binh sĩ Hàn Quốc tiến vào tòa nhà Quốc hội sau khi Tổng thống Yoon ban bố tình trạng thiết quân luật ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 3-12 - Ảnh: REUTERS
Ngày 7-10, Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame) chính thức mở cửa trở lại trong muôn vàn cảm xúc. Sau hơn 5 năm tu sửa và tôn tạo với sự tham gia khoảng 250 công ty, hàng trăm chuyên gia và hàng triệu euro, nhà thờ chính thức mở cửa trở lại bằng một nghi lễ đầy cảm xúc với thông điệp cảm ơn. Hơn 4.000 người dân vẫn có mặt bên ngoài nhà thờ bất chấp thời tiết không thuận lợi. Buổi lễ đặc biệt này đã diễn ra với sự chứng kiến của hơn 40 nguyên thủ và lãnh đạo các nước, hàng trăm quan khách, cùng hàng trăm triệu khán giả trên thế giới chứng kiến thông qua chương trình truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia Pháp - Ảnh: AFP
Ngày 8-12, sau 13 năm nội chiến, phe đối lập ở Syria, do lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu, lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Truyền thông Nga sau đó thông báo ông Assad và gia đình đã đến Matxcơva và được cấp quy chế tị nạn. Trong ảnh: Người dân ăn mừng ở thành phố Aleppo sau khi quân đội Syria thông báo chế độ kéo dài 24 năm của Tổng thống Bashar al-Assad đã chấm dứt - Ảnh: REUTERS
Ngày 13-12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bổ nhiệm chính trị gia trung dung Francois Bayrou (phải) làm thủ tướng của nước này, dẫn dắt đất nước thoát khỏi khủng hoảng chính trị. Ông Bayrou là thủ tướng thứ sáu dưới thời của Tổng thống Macron, đồng thời là thủ tướng thứ tư của nước Pháp chỉ trong năm 2024, sau khi chính phủ tiền nhiệm của ông Michel Barnier (trái) bị lật đổ bởi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Thời gian tại vị của ông Barnier chỉ là 3 tháng - ngắn nhất trong thời kỳ Đệ ngũ Cộng hòa của Pháp (từ năm 1958), đồng thời là thủ tướng Pháp đầu tiên thua trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm từ năm 1962. Trong ảnh: ông Barnier và tân Thủ tướng Bayrou trong lễ bàn giao hôm 13-12 - Ảnh: REUTERS
Ngày 19-12, tòa án Pháp kết tội ông Dominique Pelicot và 50 bị cáo khác có tội hiếp dâm hoặc tấn công tình dục vợ cũ của ông Pelicot là bà Gisele Pekicot. Ông Pelicot đã bị kết tội đánh thuốc mê và cưỡng hiếp tập thể vợ trong gần một thập niên, bị tuyên án 20 năm tù - Ảnh: AFP
Theo Thanh Hiền/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/nhung-su-kien-the-gioi-noi-bat-nam-2024-20241224093000165.htm