Từ ngày 1.1.2025, TAND Q.1 (TP.HCM) sẽ là tòa án đầu tiên của cả nước áp dụng hệ thống quản lý nội bộ tòa án, tiến đến xây dựng tòa án điện tử theo định hướng của TAND tối cao.
Theo lãnh đạo tòa, việc xây dựng và áp dụng mô hình tòa án điện tử (TAĐT) giúp tăng cường tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch trong hệ thống tòa án.
Người dân giám sát
Theo ông Nguyễn Quang Huynh (Chánh án TAND Q.1), mô hình hướng tới TAĐT nghĩa là mọi hoạt động đều diễn ra trên môi trường số. Người dân và cơ quan tiến hành tố tụng không cần sử dụng giấy tờ gần như là trong toàn bộ hoạt động tố tụng.
Cụ thể, khi lên tòa nộp đơn khởi kiện, đương sự sẽ được hướng dẫn mở tài khoản bằng thông tin sinh trắc học hoặc có thể tự mở tài khoản tại nhà. Sau khi hoàn tất mở tài khoản, mọi thông báo và văn bản tố tụng, kết quả giải quyết, tài liệu chứng cứ sẽ được cập nhật trong tài khoản của đương sự.
Tổ số hóa được TAND Q.1 thành lập và những con số kết quả ẢNH: TAND Q.1 CUNG CẤP
"Đương sự hoặc người ủy quyền của đương sự sẽ là người quản lý tài khoản của mình, và họ có quyền giám sát mọi hoạt động của thẩm phán nói riêng và tòa án nói chung. Nếu không có hệ thống TAĐT, khi nộp đơn khởi kiện xong, đương sự phải chạy lên để biết đơn có được thụ lý hay cần bổ sung gì không, hoặc muốn gặp thư ký, thẩm phán thì phải hẹn lịch hoặc chờ đợi. Với mô hình TAĐT, đương sự chỉ cần vào tài khoản, dù bất kỳ ở địa điểm nào cũng có thể cập nhật được thông tin về vụ kiện của mình", ông Huynh chia sẻ.
Theo Chánh án TAND Q.1, thực tế, sau khi vụ kiện được tòa án thụ lý, đương sự rất nóng lòng được đưa vụ án ra xét xử, hoặc muốn biết bên bị kiện có cung cấp tài liệu gì hay không. Ngoài ra, theo quy định hiện nay, muốn sao chụp tài liệu thì buộc lên tòa làm đơn xin sao chụp tài liệu, rồi được sao chụp hay không còn phụ thuộc vào thư ký hay thẩm phán.
"Nhưng khi mọi hoạt động tố tụng đều diễn ra trên không gian số thì mọi văn bản, tài liệu vụ án đều cập nhật trên tài khoản vụ kiện, đương sự có quyền giám sát hoạt động của thẩm phán. Đồng thời, nếu không đồng tình với các văn bản, thời hạn tố tụng giải quyết vụ án của thẩm phán, thì trong tài khoản sẽ có mục phản ánh, để đương sự phản ánh trực tiếp đến lãnh đạo tòa", ông Huynh nhấn mạnh.
"TAĐT là một hình thức để người dân giám sát hoạt động của tòa án, của thẩm phán. Đồng thời cũng là hình thức để lãnh đạo tòa giám sát thẩm phán. Việc giám sát công khai, minh bạch này sẽ bắt đầu từ khâu nộp đơn, tiến độ và kết quả xét xử", ông Huynh cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Huynh, để thực hiện hệ thống hướng tới TAĐT, từ tháng 11.2023, TAND Q.1 quyết định thành lập tổ số hóa, và tiến hành số hóa tất cả hồ sơ thụ lý, bản án, quyết định, văn bản tố tụng đã phát hành với hơn 3 triệu tập tin (file), tương đương hơn 15 triệu trang tài liệu. Đến năm 2024, TAND Q.1 dần hoàn thiện quy trình, hệ thống TAĐT và chính thức áp dụng chuyển đổi số.
Nộp tài liệu, chứng cứ từ xa
Luật sư (LS) Trần Thu Nam (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho biết hồi tháng 7.2024, ông tham gia phiên tòa tranh chấp hợp đồng đại lý giữa một đại lý cấp 1 với Công ty T.L. Theo đó, tất cả chứng cứ, tài liệu được số hóa và trình chiếu trên các màn hình lớn; thẩm phán và LS không cần cầm hồ sơ giấy trong tay vì đã có đủ tài liệu số hóa.
LS Trần Thu Nam cho rằng việc áp dụng TAĐT có thể tốn kém trong thời gian đầu như kinh phí đầu tư thiết bị máy móc, đầu tư đào tạo cán bộ tòa án; nhưng bắt buộc phải thay đổi bởi đây chính là đổi mới trong tư pháp, tố tụng, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và cán bộ tòa cũng như kiểm sát viên.
Đương sự tự đăng ký tài khoản bằng cách xác thực sinh trắc học và căn cước công dân ẢNH: NHẬT THỊNH
Song LS Trần Thu Nam cũng băn khoăn rằng theo quy định tố tụng hiện nay, việc công khai tài liệu, chứng cứ là phải trực tiếp, các bên cùng đến tòa và lập thành biên bản. Trường hợp LS hoặc một bên đương sự từ xa đến tòa nhưng một bên đương sự vắng mặt thì việc công khai, tiếp cận chứng cứ không thành công.
Vì vậy, LS Nam gợi mở thêm nếu tòa án đã có một kho dữ liệu và tài khoản về một vụ án cụ thể, thì nên luật hóa việc dùng dữ liệu đã số hóa, cho các bên tiếp cận chứng cứ, tài liệu từ xa. Đồng thời, đương sự ở bất cứ đâu cũng có thể gửi tài liệu, chứng cứ vào tài khoản bằng đường email hoặc thể thức khác do tòa cung cấp. "Đây chính là giảm bớt thời gian, chi phí đi lại cho đương sự, và giảm bớt chính công việc cho thẩm phán, thư ký", LS Nam mong mỏi.
Về vấn đề này, Chánh án TAND Q.1 khẳng định muốn thay đổi hoàn toàn như trên thì cần luật hóa các quy định. Hiện nay, khi tòa đang triển khai hệ thống quản lý thông tin nội bộ, tiến đến TAĐT, bước đầu có thể chưa hoàn thiện nhưng luôn tạo điều kiện tối đa cho đương sự.
Chẳng hạn, khi đương sự đến nộp đơn khởi kiện và mở tài khoản, tòa sẽ cung cấp một đường dẫn để nộp các tài liệu, chứng cứ bổ sung, để tòa xem xét có phù hợp hay không. Đồng thời, nếu vụ án được thụ lý, tòa vẫn tạo đường dẫn để đương sự cung cấp tài liệu, chứng cứ, không phải đến tòa nộp nhiều lần.
"Tuy nhiên, việc gửi tài liệu, chứng cứ vào đường dẫn bằng bản scan, file tài liệu chỉ có giá trị tham khảo, trừ tài liệu có chữ ký số. Về bản chất, đương sự vẫn phải giao nộp bản chính cho tòa. Việc giao nộp bản chính này tòa vẫn tiếp nhận bằng đường bưu điện để xác thực chứng cứ và lưu hồ sơ. Tài liệu khi được tòa xác thực sẽ được số hóa vào kho dữ liệu, và đương sự đương nhiên được quyền tiếp cận", ông Huynh cho hay.
Bên cạnh đó, theo ông Huynh, đối với vụ án dân sự, khi đương sự đã có tài khoản, có kho dữ liệu về tài liệu, chứng cứ, thì tòa sẽ vẫn có thể mở phiên công khai tài liệu, chứng cứ, kể cả hòa giải trực tuyến.
Mới đây, chiều ngày 11.12, tại TAND Q.1, bà Ngô Vũ Vân Hà (đại diện ủy quyền cho đương sự trong một vụ kiện) đã tạo tài khoản để theo dõi hồ sơ vụ kiện. Bà Hà bày tỏ khá bất ngờ khi nhận được email của tòa thông báo vụ kiện đã được thụ lý. Bà Hà cho biết nếu như trước đây sau khi nộp đơn khởi kiện, bà phải đi lại nhiều lần để bổ sung tài liệu, hoặc lên tòa hỏi thăm hồ sơ của mình tới đâu, thì nay thông qua hệ thống này, bà nộp tài liệu vào tài khoản, cần thiết bổ sung thì tòa yêu cầu, nếu không thì tòa sẽ có email thông báo thụ lý cho bà. "Tôi cảm thấy rất yên tâm, không phải lo lắng là hồ sơ vụ án của mình đã đủ, đúng và hợp lệ chưa", bà Hà vui mừng.
Phần mềm hỗ trợ tranh tụng, làm sáng tỏ chứng cứ tại tòa TAND Q.1 hiện đã triển khai áp dụng phần mềm hỗ trợ tranh tụng tại các phiên xét xử dân sự và hình sự. Đây là phần mềm do TAND Q.1 tự xây dựng, có chức năng trình chiếu tài liệu, chứng cứ đã được số hóa trên màn hình công khai tại phòng xử án, cấp quyền truy cập, chia sẻ hồ sơ trực tiếp cho những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng tại phiên tòa. Ưu điểm của phần mềm hỗ trợ tranh tụng là chạy trên máy tính bảng, phù hợp cho các đương sự, LS, hay người tiến hành tố tụng tương tác như so sánh tài liệu, phóng to, thu nhỏ, đánh dấu, vẽ lên trên các tài liệu chứng cứ đã được số hóa do thư ký phiên tòa chuẩn bị sẵn hoặc do các bên giao nộp tại phiên tòa nếu được sự đồng ý của HĐXX. Thư ký tòa chủ động điều phối chứng cứ, tài liệu, tránh làm lộ hay vô ý trưng ra các tài liệu khi chưa cần công bố trong phiên tòa. Theo đó, LS, Viện kiểm sát, đương sự sẽ cùng tranh tụng một cách trực quan nhằm làm sáng tỏ các chứng cứ do mình cung cấp. |
Theo Phan Thương/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/huong-toi-toa-an-dien-tu-nguoi-dan-huong-loi-185241222225420401.htm