Theo tờ Korea Herald, phần lớn những người mắc hội chứng sợ nghe điện thoại là những người trẻ trong độ tuổi 20 - 30.
Giới trẻ và nỗi sợ mang tên "nghe điện thoại" - Ảnh: BBC
Một phút trước khi bắt đầu cuộc điện thoại với chủ nhà, chị Lee Hyun Jung (24 tuổi) cảm thấy tim đập nhanh, lòng bàn tay đổ đầy mồ hôi.
Một dạng rối loạn lo âu
Chị kể với tờ Korea Herald, những triệu chứng quen thuộc này dường như luôn phát sinh mỗi khi chị phải thực hiện các cuộc gọi điện thoại. Chính điều đó khiến chị luôn cố gắng né tránh việc nói chuyện điện thoại.
Chị cho biết thêm bản thân chỉ thường giao tiếp với mọi người thông qua các ứng dụng nhắn tin.
Sự lo lắng khi phải nói chuyện điện thoại là một dạng rối loạn lo âu xã hội thường được quan sát thấy ở những người trẻ, đặc biệt là những người thuộc thế hệ gen Y và gen Z (tức những người sinh từ năm 1980 đến 2010).
Giáo sư tâm lý học Lim Myung Ho từ Trường đại học Dankook nhận xét trong những năm qua phần lớn những người mắc phải hội chứng này là những người trẻ tuổi.
Cuộc khảo sát trên được thực hiện với sự tham gia của 1.000 người Hàn Quốc, phát hiện ra rằng khoảng 43,6% những người ở độ tuổi 20 và 36,4% những người ở độ tuổi 30 mắc phải hội chứng này.
Trong khi đó, tỉ lệ những người ở độ tuổi 40, 50 sợ nghe điện thoại lại tương đối thấp, lần lượt ở mức 29,2% và 19,6%.
Cuộc khảo sát trên cũng tiết lộ rằng khoảng 60% số người tham gia ở độ tuổi 20 và 30 ưu tiên lựa chọn nhắn tin làm phương thức liên lạc chính của mình.
Sợ bị mắc lỗi...
Về lý do của nỗi sợ điện thoại này, Lee cho biết chị thường lo lắng bản thân sẽ mắc lỗi khi nói chuyện trực tiếp qua điện thoại. “Mặc dù mọi lỗi lầm đều có thể được sửa chữa bằng tin nhắn sau khi cuộc gọi kết thúc nhưng tôi vẫn phải thật cẩn trọng để bản thân không nói ra điều ngốc nghếch hoặc bất lịch sự", chị Lee nói.
Chị Jeon, một nhân viên văn phòng cũng ở độ tuổi 20, cho biết chị cảm thấy không thoải mái khi phải nghe điện thoại vì trong lúc nói chuyện trực tiếp qua các cuộc gọi, chị buộc phải đưa ra câu trả lời nhanh chóng.
“Không giống như tin nhắn văn bản, tôi không có nhiều thời gian để suy nghĩ câu trả lời của mình. Cũng vì thế mà khi gọi điện tôi thường hay nói lắp hoặc nói những câu ngẫu nhiên để lấp đầy sự im lặng trong các cuộc gọi”, Jeon trần tình.
Jeon cho biết kỹ năng nói chuyện của chị đã được cải thiện đáng kể nhờ thường xuyên trò chuyện gọi và nhận điện thoại tại văn phòng. Tuy nhiên, những cuộc gọi mang tính chất công việc này đều đã được soạn sẵn “kịch bản” để có thể giảm bớt nỗi sợ.
Theo giáo sư Lim, nhiều người ở độ tuổi 20 - 30 cảm thấy chật vật khi phải trao đổi trực tiếp và truyền tải cảm xúc trực tiếp qua điện thoại bởi họ đã quen giao tiếp qua tin nhắn hơn.
Bởi khi trao đổi qua điện thoại, mọi người chỉ có thể trò chuyện bằng giọng nói mà không kèm theo ngôn ngữ cơ thể hoặc các biểu hiện trên khuôn mặt.
Không chỉ người trẻ Hàn Quốc sợ nghe điện thoại Không chỉ giới trẻ Hàn Quốc, Đài CBS News dẫn kết quả một nghiên cứu ở Úc cũng cho thấy khoảng 90% giới trẻ nước này mắc hội chứng sợ nghe điện thoại. Không những vậy, CBS News dẫn lời các chuyên gia Mỹ cũng cho biết số lượng những cuộc trò chuyện qua điện thoại ngày càng giảm là nguyên nhân khiến thanh thiếu niên trở nên sợ hãi với việc nghe điện thoại. “Tôi không thích gọi điện thoại cho lắm, tôi chỉ muốn nhắn tin”, James Masler (16 tuổi) ở California, Mỹ nói với CBS News. Destiny Quezada (23 tuổi) ở New York cũng bày tỏ: “Tôi luôn cảm thấy có chút căng thẳng khi nói chuyện qua điện thoại. Tôi đã mất rất nhiều nỗ lực để có thể nhấc máy và trò chuyện”. Theo các chuyên gia Mỹ, việc giao tiếp qua điện thoại cũng được xem là một kỹ năng và những người trẻ cần phải luyện tập mỗi ngày. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/noi-so-mang-ten-nghe-dien-thoai-chi-muon-nhan-tin-20230802170211168.htm