Cơ quan chức năng đang khẩn trương xác minh, làm rõ vụ nhiều người trình báo bị móc túi, mất tài sản khi đến dự lễ tốt nghiệp ở Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM vào sáng 23.7. Trước vụ việc này, nhiều ý kiến hiến kế cách để không trở thành nạn nhân của nạn móc túi.
Chị C.N.Q.N (ở TP.HCM) cho biết sáng 23.7 có đến Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM để dự lễ tốt nghiệp của em trai. Chị N. kể: "Tôi mang ba lô và có ai đó đã đụng chạm tôi từ sau lưng. Lúc tôi quay lại thì thấy người phụ nữ ôm hoa nhưng tôi không nghi ngờ. Nhưng lúc sau tôi phát hiện ba lô bị mở và điện thoại iPhone 13 Pro Max trị giá gần 30 triệu đồng đã bị mất".
Trường hợp khác là anh Đ.H.Q (ở TP.HCM) cũng cho biết đến dự lễ tốt nghiệp của người thân. Anh Q. để điện thoại iPhone 11 Pro trị giá 12 triệu đồng trong túi áo khoác nhưng sau đó phát hiện kẻ gian lấy mất.
Nhiều người trở thành nạn nhân bị móc túi mất tài sản tại lễ tốt nghiệp ở Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM vào sáng 23.7 CHỤP MÀN HÌNH
Đây chỉ là 2 trong khá nhiều trường hợp trở thành nạn nhân, từ sinh viên đến phụ huynh bị móc túi khi đến dự lễ tốt nghiệp ở Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM vào sáng 23.7.
Nguyễn Hoàng Tuyển, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết từng suýt trở thành nạn nhân khi tham dự lễ tốt nghiệp của sinh viên khóa trên cùng trường, diễn ra ở Nhà hát Hòa Bình (Q.10, TP.HCM). Theo Tuyển: "Những kẻ gian thường lợi dụng những chốn đông người để hành động. Trong không gian nhiều người như lễ tốt nghiệp, nếu chủ quan thì có thể sẽ mất tài sản bất cứ lúc nào bởi những kẻ móc túi luôn hành động... nhanh như chớp".
Cách đã giúp Tuyển không trở thành nạn nhân đó là: "Mình không bỏ tài sản hay ví tiền... ở các túi quần. Thay vào đó, mình bỏ tất cả vào túi bên trong của áo khoác và kéo lại thật kỹ lưỡng. Nếu có người áp sát, sờ vào các túi, họ chẳng thể "làm ăn" gì được".
Chị Phạm Thị Thùy Liên (31 tuổi), làm việc tại Công ty TNHH Vận tải Miên Sơn (TP.HCM), chia sẻ kinh nghiệm: "Mọi người khi đi dự lễ tốt nghiệp thường quên việc chú ý bảo quản tài sản. Điều này sẽ tạo cơ hội cho kẻ xấu dễ ra tay hành động. Mình nghĩ cần bỏ tài sản (ví tiền, điện thoại...) trong túi nhỏ và đeo trước ngực. Vì kẻ xấu thường móc túi từ phía sau, còn rất khó để móc túi từ phía trước. Ngoài ra, hãy để ý và lập tức phản kháng với bất kỳ sự đụng chạm của người khác. Bởi có thể sau sự đụng chạm ấy là... tài sản của mình sẽ không còn".
Hoàng Phú Bình, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, nói: "Cần phải đề phòng những nhóm người vì có thể họ sẽ dàn cảnh để móc túi. Đặc biệt là phải tránh xa những người hay để áo khoác, mũ, túi xách cỡ lớn... che tay. Chính mũ, áo khoác, túi xách ấy... thường là công cụ hỗ trợ để che đi hành động móc túi của kẻ gian".
Một cán bộ công an Q.Phú Nhuận (TP.HCM) chia sẻ: "Khi đi dự lễ tốt nghiệp, tiệc đám cưới... Nhiều người khá chủ quan trong việc bảo vệ tài sản. Đừng nghĩ rằng ai cũng là người tốt, vì rất có thể, người ngồi ở ghế bên cạnh, người ngồi cùng bàn... đều có thể trở thành kẻ gian, lấy đi tài sản, nhất là khi được người khác "tạo cơ hội" để họ "ra tay". Thế nên, trong hoàn cảnh, không gian nào, cũng phải có ý thức bảo vệ tài sản cẩn thận. Còn khi đi dự lễ tốt nghiệp, bên cạnh cẩn thận đồ đạc tư trang, đeo túi xách ở phía trước người... thì trong trường hợp phát hiện kẻ gian có hành động móc túi lấy cắp tài sản của người khác, phải nhanh chóng báo những người xung quanh, lực lượng bảo vệ cũng như cơ quan chức năng".
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/bi-kip-de-phong-ke-gian-moc-tui-chon-dong-nguoi-185230725122505179.htm