Nhằm giúp nhau không rơi vào tình cảnh "ngủ nướng" dậy muộn, nhiều người trẻ tạo động lực cho nhau dậy sớm bằng cách tham gia vào các nhóm "gọi nhau dậy" trên Facebook.
Vì muốn có động lực dậy sớm, không ít người trẻ tham gia các nhóm "gọi nhau dậy" THẢO PHƯƠNG
Í ới hò reo... gọi nhau dậy
Quá mệt mỏi vì phải liên tục cậy nhờ đồng hồ báo thức mới có thể dậy sớm vào mỗi buổi sáng, Trần Thanh Tùng (30 tuổi), nhân viên văn phòng tại TP.HCM quyết định tìm bạn đồng hành mỗi buổi sáng. Tùng kể: "Vì muốn có thêm thời gian cho những hoạt động thể chất, học tập, đọc sách... nên mình bắt đầu thói quen dậy sớm. Tuy nhiên kỷ luật của bản thân khá kém, hôm nào thức khuya thì sáng hôm sau sẽ dậy trễ. Nên mình lên Facebook tìm những bạn cùng mong muốn có thói quen dậy sớm để có động lực".
Để duy trì thói quen dậy sớm, Thanh Tùng tìm kiếm những người bạn đồng hành có cùng mong muốn NVCC
Theo Tùng, cách thức để mọi người gọi nhau dậy vào mỗi buổi sáng là tạo một nhóm trò chuyện trên messenger và mỗi tuần sẽ có một thành viên phụ trách việc gọi điện vào nhóm để đánh thức các thành viên khác dậy. "Tụi mình sẽ gọi nhau dậy lúc 4 giờ 55 phút và ngồi nói chuyện chia sẻ với nhau 15 phút để cho tỉnh táo hơn. Tới 5 giờ 10 phút thì ai làm việc đó", Tùng nói.
Đặng Văn Hinh (27 tuổi), quê Thái Bình cho biết trước đây toàn thức dậy sau 7 giờ 30 phút. Nhưng khoảng 2 tuần nay đã bắt đầu ngày mới từ lúc gần 5 giờ sáng nhờ tham gia vào một nhóm gọi nhau dậy sớm trên Facebook.
"Rất nhiều lần mình muốn dậy sớm nhưng hôm nào cũng dậy tắt báo thức rồi ngủ tới sát giờ đi làm. Vậy mà từ ngày tham gia nhóm, mình đã duy trì được việc dậy sớm nhờ nhóm có quy tắc vào muộn hoặc nghỉ mà không báo trước sẽ phải quay clip xin lỗi cả nhóm, quá 3 lần sẽ phải rời khỏi nhóm. Nhờ quy định đó mà mình có động lực vì trong nhóm có các bạn ít tuổi hơn mình nhiều, khi xin lỗi sẽ rất ngại", Hinh chia sẻ.
Văn Hinh thức dậy từ lúc gần 5 giờ sáng nhờ tham gia vào một nhóm gọi nhau dậy sớm trên Facebook NVCC
Nguyễn Thị Tường Anh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM kể vào thời điểm phải học bài thi các môn đại cương buộc học thuộc lòng, nhóm bạn luôn í ới gọi nhau dậy lúc 4 giờ 30 phút để học bài cho dễ thuộc. Nhờ vậy mà khi thi xong đã duy trì thói quen dậy sớm. Tường Anh nhận ra dậy sớm làm được rất nhiều việc và người cũng nhiều năng lượng hơn. "Nếu dậy một mình thì chỉ vài ba hôm là nản rồi lại ngủ nướng. Nhưng nhờ có cả nhóm, thấy mọi người đều cố gắng nên mình có động lực để dậy", Tường Anh nói.
Muốn dậy sớm thì... dậy cùng nhau
Phạm Quốc Hùng, sinh viên Trường CĐ Giao thông vận tải TP.HCM biết tới những nhóm gọi nhau dậy sớm vào 2 năm trước. Hùng chia sẻ: "Muốn đi nhanh thì đi một mình mà muốn đi xa thì cùng nhau. Tương tự, muốn dậy sớm thì... dậy cùng nhau. Nghĩa là khi có đồng đội thì mình có trách nhiệm hơn, ở chung với người dậy sớm thì mình cũng sẽ là người dậy sớm theo còn nếu làm một mình thì lúc thích thì làm, không thích thì bỏ, không có động lực để duy trì dẫn đến chây lười", Hùng nói.
Hùng cũng cho biết thêm, mỗi ngày đều thức dậy lúc 5 giờ để đọc sách, viết những mục tiêu… "Mình thích cảm giác làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống. Việc dậy sớm giúp có nhiều thời gian cho bản thân và chuẩn bị cho một ngày nhiều năng lượng", Hùng chia sẻ.
Không ít người trẻ thay đổi được thói quen dậy muộn nhờ những người bạn đồng hành xa lạ NVCC
Nhờ những người bạn xa lạ mà không ít người trẻ thay đổi được thói quen dậy muộn. Họ dậy sớm và làm thêm được nhiều việc có ích. Như Văn Hinh kể: "Mình có thêm thời gian học ngoại ngữ, cải thiện được thói quen ngủ muộn và phát triển thói quen tốt như: tập thể dục, quen biết thêm những bạn mới, được học hỏi, lắng nghe thêm các câu chuyện và cuốn sách hay...".
Thanh Tùng cũng chỉ ra những hiệu quả của việc cùng nhau thức dậy sớm: "Việc biết sẽ phải dậy sớm mỗi ngày giúp mỗi người kỷ luật với bản thân. Trước khi ngủ không dành thời gian nhiều cho mạng xã hội, cố gắng làm các công việc nhanh chóng và hiệu quả để có thể ngủ đúng giờ. Việc tạo lập thói quen dậy sớm là tiền đề để tạo thêm những thói quen tốt khác như ăn sáng đúng giờ, ngủ đúng giờ, tập thể dục, tập trung làm việc…".
Thạc sĩ tâm lý Trịnh Thị Thu Huệ, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Tâm, TP.HCM, cho rằng cách mà những người trẻ lập nhóm để gọi nhau dậy vào mỗi buổi sáng là cách làm khá thú vị và có thể mang lại những hiệu quả bất ngờ. "Tự mỗi người có thể hứa với bản thân sẽ dậy sớm, quyết tâm sẽ không ngủ nướng. Thế nhưng nếu ý định đó chỉ "mỗi mình ta biết" thì có lỡ say giấc, quên dậy sớm... cũng không sao. Trong khi đó, nếu tham gia vào một nhóm có cùng mục đích rủ nhau dậy sớm thì mỗi người sẽ có động lực hơn để không được dậy trễ", thạc sĩ Huệ cho biết.
Cũng theo thạc sĩ Huệ, những học sinh, sinh viên nếu lỡ có thói quen "ngủ cho đã" thì vào mỗi dịp làm đồ án, thi cử... nên tham gia vào những nhóm gọi nhau dậy, nhằm được thành viên khác truyền năng lượng tích cực, có thêm quyết tâm dậy sớm. Và khi đã dậy ở một khung giờ nhiều lần sẽ tạo thành thói quen dậy sớm.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/doc-la-chieu-tri-ngu-nuong-day-muon-ma-nhieu-nguoi-tre-dang-ap-dung-185230614001803353.htm