Người dân ở một vùng đất chuyên trồng lúa đã có cái nhìn khác về lục bình khi anh Trần Văn Thuận (28 tuổi, ngụ xã Vĩnh Trung, H.Tịnh Biên, An Giang) đưa loại cây này xuất ngoại.
Đưa nghề lạ về làng
Kể về quá trình mở cơ sở chuyên sản xuất nguyên liệu lục bình khô tại quê nhà ở xã Vĩnh Trung (H.Tịnh Biên, An Giang), anh Thuận cho biết sau khi tốt nghiệp ngành lâm sinh tại Trường ĐH Cần Thơ, năm 2017 anh về làm kiểm lâm tại rừng tràm Trà Sư. Hằng năm Ban quản lý rừng phải thuê nhân công dọn dẹp lục bình. Anh Thuận thấy tiếc vì số lượng lớn lục bình bị bỏ đi. "Những địa phương khác đã tận dụng loại cây này để sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ lâu, trong khi người dân quê tôi vẫn chưa khai thác tiềm năng của nó", anh Thuận nói.
Và rồi từng chuyến xe ba gác chở lục bình về phơi trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Không ai ủng hộ Thuận, kể cả gia đình. Khó khăn nhưng anh rất quyết tâm: "Nếu kiếm được tiền từ cây lục bình thì có thể sẽ giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho rất nhiều người. Trước tôi hầu như chưa ai ở địa phương nghĩ khởi nghiệp với lục bình mà thành công cả", anh Thuận bộc bạch.
Anh Thuận bên lô lục bình được phơi khô, đóng kiện để xuất khẩu Thanh Duy
Anh Thuận không gia công đan lục bình mà xây dựng vùng nguyên liệu khô bán cho thương lái. Hướng đi này có nhiều đòi hỏi trong cách xử lý, bảo quản; ngược lại thì thời gian sản xuất ngắn, có thể cung ứng số lượng lớn ra thị trường và chi phí vận chuyển thấp hơn nhiều so với bán lục bình tươi. Tay không vào nghề, anh đi học hỏi và tìm hiểu thị trường ở Long An, Đồng Tháp.
Theo anh Thuận, vùng đầu nguồn An Giang cây lục bình nhiều và người dân chịu khó làm ăn. Song để thuyết phục mọi người tham gia thì trước tiên anh phải thành công. Với số vốn ít ỏi ban đầu, anh tự cắt, tự phơi, tự bán lục bình. Khởi nghiệp từ tay trắng, anh bắt đầu gầy dựng cơ sở. Sau 2 năm, anh quyết định nghỉ làm kiểm lâm để tập trung vào kinh doanh.
Tự tìm cách kết nối với thương lái, anh Thuận xuất được lô hàng đầu tiên lên TP.HCM. Khi đó 1 tấn lục bình khô thu về lợi nhuận 8 triệu đồng. Lô hàng đảm bảo chất lượng giúp anh có thêm những hợp đồng tiếp theo. Đến đầu năm 2020, anh bao tiêu lục bình cho gần 100 người dân, không chỉ ở địa phương mình mà ở cả các vùng lân cận như Châu Phú, Chợ Mới, Tân Châu, Châu Đốc… Từ đây, anh liên kết với một số cơ sở ở Đồng Tháp xuất những lô hàng lớn sang Trung Quốc.
Cứ 10 tấn lục bình tươi sau 8 - 10 ngày phơi sẽ thu được khoảng 800 kg lục bình khô. Sau khi phân loại, lục bình mang đi tiêu thụ có mức giá khác nhau: loại 1 giá 24.000/kg, loại 2 là 20.000/kg, loại 3 dao động từ 13.000 - 15.000 đồng. Hiện mỗi tháng cơ sở của anh Thuận cung ứng ra thị trường 3 - 4 tấn lục bình khô ép sợi. Trừ hết chi phí, anh thu lợi nhuận hơn 20 triệu đồng.
Anh Thuận tâm huyết với mô hình cùng người dân làm giàu dựa trên tài nguyên bản địa
Mọi việc tưởng chừng suôn sẻ thì điểm tập kết nguyên liệu tại H.Tịnh Biên gặp trục trặc. Cơ sở phải dời sang điểm sản xuất mới là xã Tân Kiều (H.Tháp Mười, Đồng Tháp). Bắt đầu lại ở vùng đất mới, anh Thuận đã tạo việc làm thêm cho 7 hộ dân. Câu chuyện khởi nghiệp của anh Thuận đã được Hội Liên hiệp Thanh niên VN H.Tịnh Biên tuyên dương gương thanh niên làm kinh tế tiêu biểu (năm 2021 và 2022).
Cây lục bình ngày xưa lênh đênh trên sông nước không có giá trị kinh tế, nhưng ngày nay nó đang giúp nhiều người kiếm ra tiền. Mỗi ngày, một người dân ở xã Tân Kiều, H.Tháp Mười (Đồng Tháp) làm tốt có thể kiếm hơn 300.000 đồng từ việc phân loại lục bình khô hoặc cắt lục bình tươi.
Ông Lê Văn Minh (53 tuổi, người dân địa phương) cho biết: "Lục bình tươi cắt được bao nhiêu bán bấy nhiêu. Vợ chồng tôi có thể bỏ túi 500.000 đồng mỗi ngày vì lục bình nhiều vô kể. Trước đây lục bình gây phiền phức vì cản trở đường sông, nhưng giờ nó giúp cho nhiều người có thêm miếng cơm, manh áo", ông Minh chia sẻ
Mong được hỗ trợ nguồn vốn
Theo anh Trần Văn Thuận, thị trường xuất khẩu lục bình có nhiều tiềm năng nhưng anh chưa đủ nguồn lực tập kết nguyên liệu với số lượng lớn để sẵn sàng "bung" ra ngay khi có đơn đặt hàng. Chẳng hạn gần đây có khách hàng yêu cầu 1 container 15 tấn lục bình khô, nhưng anh chỉ đáp ứng được 7,5 tấn. Vậy là anh phải chạy vạy liên hệ các đầu mối khác gom lại cho đủ hàng theo yêu cầu của đối tác.
Mặc dù năng nổ và quyết tâm nhưng có những vấn đề anh Thuận chưa thể giải quyết. Hiện anh có nhu cầu vay 500 triệu đồng để mua xe tải chở hàng và làm vốn lấy hàng dự trữ, nhưng lại vướng ở chỗ không có tài sản thế chấp. Nếu vay vốn tín chấp thì cũng không được bao nhiêu. "Có một nghịch lý là thường người ta sản xuất ổn định rồi mới tìm đầu ra, còn với tôi đầu ra đã có nhưng lại thiếu vốn để sản xuất ổn định", anh Thuận tâm sự.
Chị Trương Thanh Thúy, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang, cho biết hành trình khởi nghiệp của anh Thuận cũng nhiều chông chênh, thậm chí có lúc vấp ngã, nhưng chưa bao giờ anh nghĩ đến bỏ cuộc. Anh rất tâm huyết với mô hình sản xuất nguyên liệu lục bình khô tại ĐBSCL, liên kết với nông dân cùng làm. Tuy có nhiều tiềm năng phát triển nhưng anh Thuận gặp không ít khó khăn về vốn để mở rộng sản xuất.
Trung tâm cũng đã hỗ trợ anh Thuận vay vốn trong hạn mức cho phép và đang đề xuất đầu tư thêm máy ép lục bình. Theo chị Thúy, những người trẻ có chí làm giàu như anh Thuận rất cần những cơ chế, chính sách riêng để hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp từ những lợi thế ngay trên quê hương.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/chang-trai-9x-dua-luc-binh-xuat-ngoai-18523051723421997.htm