Xúng xính trong bộ váy hồng, bé Thảo My (nhà ở xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) được ông nội chở đến lớp học vọng cổ nhí ở Cần Thơ. Mỗi tuần, ông đều vượt hàng chục cây số như thế để cháu gái thỏa đam mê.
NSƯT Ái Hằng hướng dẫn từng bé tập làm quen giữ nhịp, hát đúng chuẩn - Ảnh: LAN NGỌC
Lớp dân ca, vọng cổ nhí học ngay tại Nhà văn hóa Thiếu nhi quận Ninh Kiều (Cần Thơ), dạy hai buổi vào thứ năm và chủ nhật hằng tuần, hoàn toàn miễn phí cho các bạn nhỏ 7 - 10 tuổi yêu hát dân ca, vọng cổ.
Cô bỏ công, trò bỏ sức
Theo chân NSƯT Ái Hằng - cô giáo đứng lớp dân ca, vọng cổ nhí - chúng tôi tìm đến lớp học. Khởi động giờ học, cô Hằng giúp các bé ôn lại phần xướng âm. Lấy trong cặp ra bài vọng cổ Hương sắc mùa xuân đã được phân chia từng câu, Đặng Nguyễn Bảo Hân (7 tuổi, quận Cái Răng, Cần Thơ) khoe: "Theo hiệu lệnh của cô Hằng là con bắt đầu liền".
Những tiếng xế xang, liu xàng, xang xế, xệ liu… cứ thế được Hân và các bạn trong lớp ngân vang. Hễ khúc nào ca chưa đúng nhịp, chưa chuẩn, cô Hằng sẽ kêu hát lại đến khi đúng thì thôi. "Các con như tờ giấy trắng, tôi muốn nghiêm khắc với phần xướng âm vì phải đúng, chắc làm nền tảng sau này hát vọng cổ mới tốt" - cô Hằng bộc bạch.
Vượt ải khởi động, các bạn hát chung với cô giáo trong phần tập hát chính, rồi sau đó sẽ tự hát. Dương Thị Thảo My (10 tuổi, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) kể từ nhỏ đã nghe ông nội hát nên mê vọng cổ hồi nào không hay.
Bạn khoe rất vui mỗi khi được đi diễn, có thể hát trọn bài Vọng Kim Lang, Hương sắc mùa xuân. Nói rồi cô bé cất giọng, tự tin như một nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Còn Đặng Nguyễn Như Phúc (10 tuổi, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) khoe mới đầu nhẩm theo cho vui ai dè thấy hay nên bắt chước ca theo. "Vào học với cô Hằng, con được cô tận tình chỉ cho biết nhịp, cách hát bài bản nên bây giờ mê luôn, có thể hát được mấy bài rồi" - Như Phúc cười.
Đam mê truyền nghề
NSƯT Ái Hằng nói bộ môn nghệ thuật này có độ khó nhất định nên để học và hát được đúng chất dân ca, vọng cổ, người học phải thực sự đam mê. Các bạn cần biết cảm âm, cảm nhịp một chút mới theo được nên những lớp này thường rất ít người học.
Hơn ba năm qua, cô Ái Hằng - hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - đã trực tiếp đứng lớp toàn học viên nhí. Cô Hằng nói các bé tiếp thu tốt, cảm âm tốt, nhiều bạn có tố chất lại chịu khó học hỏi, kiên trì chỉnh sửa nhiều lần, quyết tâm luyện giọng theo hướng dẫn. Chính nét hồn nhiên và đam mê của các bạn đã giữ chân cô Hằng nên dù bận mấy cô cũng sắp xếp đều đặn tuần hai buổi lên lớp.
Hiện lớp có 10 bé theo học hoàn toàn miễn phí. Cô Hằng hướng dẫn từ căn bản đến nâng cao, không đóng khung thời gian mà tùy vào cảm thụ âm nhạc của từng bạn để chỉ dạy. Đặc biệt, các phụ huynh hết lòng ủng hộ con mình theo lớp.
Lúc biết lớp học khuyết giáo viên, cô Hằng đã xin được nhận dạy. "Mong rằng tấm lòng của tôi có thể tiếp thêm lửa gieo hạt mầm nghệ thuật để sự đam mê với dân ca, vọng cổ của các em được lớn lên và cho trái ngọt. Biết đâu trong số các em sẽ có bạn trở thành nghệ sĩ trên sân khấu sau này" - cô Hằng trải lòng.
Giữ gìn nét văn hóa dân tộc Ông Võ Minh Tuấn - giám đốc Nhà văn hóa Thiếu nhi quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) - cho biết lớp học dân ca, vọng cổ nhí ra đời khi nhiều bé muốn học bộ môn nghệ thuật này mà chưa có lớp dạy. "Mới đó mà đã duy trì được hơn 4 năm, lớp học 0 đồng, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, các bé chỉ cần đến học, miễn sao các bé thỏa đam mê, cùng giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc" - ông Tuấn nói. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/lop-vong-co-nhi-cho-tre-mien-tay-2023042309314659.htm