Bại liệt hai chân sau tai nạn, ông Lê Văn Hóa vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn, miệt mài "dựng" nhà sàn, "đóng" tàu biển bằng... tăm tre suốt 13 năm qua.
Biến cố dập tắt con đường xuất ngoại
Câu chuyện về một người đàn ông bại liệt, nhưng vẫn "dựng" nhà sàn, "đóng" tàu biển... được truyền tai nhau ở H.Bố Trạch (Quảng Bình). Khi được tận mắt chứng kiến cảnh ông Lê Văn Hóa (47 tuổi, thôn Phúc Tự Đông, xã Đại Trạch, H.Bố Trạch) biểu diễn cách làm các sản phẩm mỹ nghệ từ tăm tre, mới thấy thật thần kì và khâm phục tài năng của người đàn ông này.
Ông Hóa bị tai nạn bại liệt hai chân khi chỉ còn 1 tuần sẽ lên máy bay đi nước ngoài BÁ CƯỜNG
Dựng một xưởng sản xuất nhỏ ngay cạnh ngôi nhà ba gian, bên trong bừa bộn những que tre đã được vót nhỏ, bóng dáng một người đàn ông ngồi xe lăn, chăm chút từng li từng tí để "xây" một cây cầu bằng tăm tre mà ông Hóa nói là cầu Nhật Lệ 2 theo đơn hàng khách đặt. Công việc này đã kéo dài 13 năm và cũng là thứ cứu rỗi những ngày tháng suy sụp của cuộc đời ông Hóa.
"Năm 2006, tôi học xong ngoại ngữ, hoàn thành các thủ tục lên đường để đi xuất khẩu lao động ở Qatar. Đen đủi thay, tôi gặp tai nạn ngay khi chỉ còn vài ngày nữa sẽ lên máy bay, biến cố khiến tôi bị bại liệt hai chân và rồi giấc mơ xuất ngoại mãi bị chôn vùi", ông Hóa nghẹn ngào.
Các sản phẩm mỹ nghệ từ tăm tre của ông Hóa BÁ CƯỜNG
Chạy chữa khắp nơi nhưng không có kết quả, những năm dài tháng rộng trong căn phòng tối trở thành nỗi ám ảnh của ông Hóa khi đó vẫn đang là một thanh niên sung sức. Cay đắng nhất là khi trong gia đình ông có một người chị gái mắc khuyết tật, ông Hóa từ một người là trụ cột của gia đình bỗng thành người bị bại liệt, đồng cảnh ngộ với chị gái của mình.
"Sau này khi ổn định lại tâm lý, sức khỏe, tôi vẫn thường nghĩ vui rằng chắc vẫn có một điều gì đó ở quê hương đang muốn níu giữ mình lại. Năm 2010, tình cờ xem Ti vi, tôi biết đến nghề sản xuất các sản phẩm từ tăm tre, dùng tăm tre mô phỏng lại những di tích, danh lam thắng cảnh trên khắp Việt Nam", ông Hóa nói.
Góc làm việc của ông Hóa tại xưởng ngay kế bên nhà
Biết rằng định mệnh của bản thân đã đến, ông Hóa nhờ con trai đi kiếm những que kem đã sử dụng mang về, xin lại những xiên tre nướng thịt để tập tành làm thử. Sự quyết tâm và đam mê của người đàn ông khuyết tật dần cũng đến thành công, chỉ 6 tháng sau những sản phẩm của ông Hóa được bán ra thị trường.
Ước mơ quảng bá quê hương
Những sản phẩm bằng tăm tre đầu tiên của ông Hóa được một tổ chức tình nguyện giới thiệu cho các nhà hảo tâm, khách hàng để mua ủng hộ. Nhưng với cá tính của mình, ông Hóa vẫn muốn một thứ gì đó lớn lao hơn.
Ông hy vọng những sản phẩm của mình ngoài mang tính ủng hộ thì còn quảng bá được hình ảnh quê hương. BÁ CƯỜNG
"Tôi muốn những sản phẩm của mình đến tay khách hàng là những sản phẩm chất lượng tốt, góp phần quảng bá được hình ảnh quê hương chứ không hoàn toàn là những sản phẩm được mua để ủng hộ cho hoàn cảnh tôi gặp phải".
Với tiêu chí đã vạch sẵn, tay nghề của ông Hóa ngày càng cao hơn, những sản phẩm nào làm xong không vừa ý, ông không ngại phá bỏ để làm lại từ đầu. Điều đáng nể hơn, ông chỉ nhìn các di tích, danh lam qua ảnh, ti vi và tự đong ước được tỉ lệ, kích thước trong đầu rồi bắt tay vào chế tác.
Cầu Nhật Lệ 2 làm từ tăm tre theo đơn hàng khách đặt của ông Hóa BÁ CƯỜNG
"Ngoài việc được các mạnh thường quân giới thiệu, tôi cũng sử dụng mạng xã hội Yahoo thời điểm còn hoạt động để quảng cáo các sản phẩm. Dần dần được nhiều người, nhiều cơ quan, doanh nghiệp kinh doanh du lịch đặt hàng", ông Hóa chia sẻ.
Các sản phẩm của ông Hóa thường là các di tích, danh lam thắng cảnh như Quảng Bình Quan, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà sàn, thuyền bè... phần lớn được bán trưng bày tại các khách sạn, địa điểm du lịch, hội chợ và thỉnh thoảng được mang đi dự các hội nghị.
Người đàn ông bại liệt vẫn miệt mài "dựng" những căn nhà sàn suốt 13 năm qua BÁ CƯỜNG
Mỗi sản phẩm của ông Hóa có giá từ 200 ngàn đến 2 triệu đồng tùy vào kích thước sản phẩm, dù không phải là một nghề mang lại thu nhập ổn định, nhưng với lượng khách được duy trì đều, ông Hóa vẫn có thu nhập đủ sống.
"Thay vì trở thành một công dân hải ngoại quảng bá quê hương trong những giờ làm việc, thì nay số phận vẫn cho tôi được làm việc và quảng bá quê hương theo một cách khác", ông Hóa dí dỏm.
Các mô hình đang sẵn sàng gửi đến tay khách hàng. BÁ CƯỜNG
Ông Phan Văn Ngọ, Chủ tịch UBND xã Đại Trạch cho biết, các sản phẩm tăm tre của ông Hóa có giá trị thẩm mỹ rất cao và góp phần quảng bá được hình ảnh của quê hương, đất nước.
"Dù bại liệt hai chân nhưng ông Hóa vẫn chứng minh bản thân vẫn không hề là một người tàn phế, các sản phẩm của ông đã được bán đi khắp nơi ở Quảng Bình nói riêng và các tỉnh thành khác trên cả nước. Ngoài ra, xưởng của ông cũng nhiều lần nhận bằng khen của UBND tỉnh", ông Ngọ nói.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/nguoi-dan-ong-bai-liet-dung-nha-san-dong-tau-bien-bang-tam-tre-185230328205435206.htm