Gần 15 năm khởi nghiệp về công nghệ thông tin, trải qua muôn vàn khó khăn, anh Hồ Minh Đức tự hào với thành quả made in Vietnam về nền tảng lồng tiếng và chuyển văn bản thành giọng nói nhân tạo có cảm xúc, tự nhiên như người thật.
CEO Vbee Hồ Minh Đức mong muốn trở thành số 1 Việt Nam về cung cấp giải pháp và dịch vụ về trợ lý ảo nhân tạo cho toàn bộ doanh nghiệp, người dùng trong nước - Ảnh: NVCC
Hiện Vbee là công ty hàng đầu về trợ lý ảo nhân tạo, đặc biệt trong lĩnh vực trợ lý ảo cho tổng đài.
5 phút để con chữ "biết nói"
Công ty Vbee AI Voice Studio (trụ sở tại quận Ba Đình, Hà Nội) chuyên về sản xuất nội dung tự động, giúp giải quyết vô số bài toán ở rất nhiều khía cạnh phát triển doanh nghiệp bằng việc xây dựng công nghệ mới trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, cho phép người và máy có thể giao tiếp với nhau thông qua việc tạo ra trợ lý ảo, giọng nói nhân tạo, tổng đài viên...
Theo anh Hồ Minh Đức - CEO và sáng lập viên của Vbee, đây là một trong những xu hướng đang phát triển để tự động hóa cũng như robot thực hiện các nhiệm vụ dần thay thế con người, hoặc để con người làm những việc mang tính chất khó hơn.
Khởi nghiệp từ khi mới ra trường vào năm 2009, và tất cả đều thuộc ngành công nghệ thông tin, anh Đức chia sẻ: "Đam mê khởi nghiệp luôn tồn tại trong con người tôi. Lĩnh vực tôi làm từ trước tới nay đều đi sâu vào xử lý ngôn ngữ tự nhiên, trong đó tập trung xử lý tiếng Việt". Công ty đầu tiên của anh tiên phong trong lĩnh vực tìm kiếm tiếng Việt đã từng được Google đề xuất mua lại.
Tháng 1-2019, Vbee chính thức được thành lập sau thời gian dài lên ý tưởng và kế hoạch, với mong muốn xây dựng công nghệ lõi về xử lý và các bài toán liên quan ngôn ngữ tiếng Việt để đưa ra những dịch vụ phục vụ người Việt.
Start-up này mang đến giải pháp giúp cho việc lồng tiếng và chuyển văn bản thành giọng nói nhân tạo có cảm xúc người thật với nhiều giọng đọc theo giới tính, vùng miền. Đặc biệt có thể sử dụng thương mại, đăng tải trên các nền tảng YouTube, TikTok, E-Learning, Content Marketing…
Với cách sử dụng dễ dàng, thuận tiện, người dùng chỉ cần tạo tài khoản, nhập hoặc tải lên một văn bản, chọn giọng nói, ngay lập tức sẽ được chuyển đổi thành audio thuyết minh chất lượng cao. Giá thành cũng nằm ở mức tương đối rẻ.
Vbee Voice Studio được sử dụng rộng rãi với nhiều lĩnh vực, như phát các đoạn thông báo tự động và cập nhật liên tục về lịch trình, thời gian, số xe tại bến xe cho khách hàng; tổng đài tự động; chuyển nội dung sách báo, bài thuyết trình thành âm thanh; lồng tiếng game; thuyết minh tự động video giới thiệu, quảng cáo sản phẩm…
Sản phẩm của start-up Vbee với nền tảng chuyển văn bản thành giọng nói đầy cảm xúc - Ảnh: chụp màn hình
Giúp doanh nghiệp giảm chi phí, hài lòng khách hàng
Theo anh Đức, trí tuệ nhân tạo là một điều mới mẻ và rất khó, từ việc làm sao để doanh nghiệp và người dùng của họ hiểu và sử dụng.
Là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực còn khá mới, CEO của Vbee gặp vô vàn khó khăn về chi phí, thời gian, về thuyết phục khách hàng. Anh nhận định khi khởi nghiệp AI, cái khó nhất là làm cho khách hàng hiểu và quyết tâm để ứng dụng công nghệ, hay giải pháp có sử dụng AI để thay đổi cách thức đang hoạt động.
Việc tạo ra giọng nói nhân tạo, các trợ lý ảo, start-up này giúp cho doanh nghiệp tự động hóa các quy định của họ, cắt giảm chi phí và làm khách hàng của họ cảm thấy hài lòng hơn.
"Ví dụ bây giờ gọi lên tổng đài của một ngân hàng để khóa thẻ ATM khẩn cấp, nhưng thường khi gọi thì tổng đài luôn bận vì đang quá tải. Khi áp dụng công nghệ tạo ra trợ lý ảo để xác thực khách hàng một cách tự động, khách sẽ luôn được phục vụ 24/7, không cần phải chờ lâu rồi khó chịu nữa", anh cho hay.
Ngoài cung cấp giải pháp, founder Vbee cũng nhận lại được giá trị do chính khách hàng mang đến. Anh cho hay: "Thứ nhất là thấy được thị trường này rất tiềm năng, tiếp theo là chứng minh mô hình kinh doanh của chúng tôi đúng vì mở rộng và nhân bản lên rất nhanh trong thời gian ngắn. Thứ ba, tạo luồng doanh thu ổn định để có thể tái đầu tư, bởi đầu tư vào công nghệ đã tốn kém, mà vào lĩnh vực AI thì còn tốn hơn nữa".
Ngoài giúp doanh nghiệp tự động hóa, sản phẩm start-up này còn giúp người khiếm thị tiếp cận thông tin bằng cách chuyển text thành voice, audio để nghe - Ảnh: NVCC
Hỏi có sợ bị cạnh tranh không, anh Đức cho biết hiện nếu muốn start-up mảng này phải có sự đầu tư bài bản ở hai góc độ. Thứ nhất là team nghiên cứu, bởi việc nghiên cứu bằng ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Việt đòi hỏi chiều sâu, cho nên đội ngũ này phải giỏi, đam mê và sinh ra để làm nghiên cứu về nền tảng hội thoại công nghệ lõi về ngôn ngữ này.
Thứ hai là nguồn vốn, vì ngành này đòi hỏi vốn rất lớn, buộc đơn vị đầu tư phải nghiêm túc. "Chúng tôi có quỹ đầu tư tham gia cùng. Hai yếu tố đó dẫn đến đối thủ trong lĩnh vực này không quá nhiều, bù lại họ rất mạnh.
Nhưng chúng tôi có thể tự tin cạnh tranh khi sở hữu công nghệ lõi, trong đó tập trung lợi thế xử lý tiếng Việt, đóng gói theo yêu cầu khách hàng một cách tròn trịa. Sản phẩm mang tính bản địa, đi sâu vào các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…", vị CEO chia sẻ.
Sau hơn 4 năm ra mắt, đến nay Vbee đã có hơn 400.000 khách hàng, người sử dụng. Bên cạnh đó, start-up này còn cung cấp giải pháp miễn phí cho người khiếm thị tiếp cận thông tin bằng cách chuyển text thành voice, audio để họ có thể nghe được.
Với 5 nhà sáng lập đều là những người nghiên cứu về công nghệ, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, mới đây Vbee đã được Bộ Thông tin - Truyền thông công nhận là giải pháp lõi made in Vietnam, giải pháp này có sự ảnh hưởng trong nhiều ngành nghề và phát triển mở rộng. Chia sẻ về mục tiêu ngắn hạn, Vbee mong muốn trở thành số 1 Việt Nam về cung cấp giải pháp và dịch vụ về trợ lý ảo nhân tạo cho toàn bộ doanh nghiệp, người dùng tại Việt Nam. Còn xa hơn, anh Đức hy vọng sẽ trở thành nền tảng về hội thoại thông minh, giao tiếp. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/bien-con-chu-thanh-giong-ao-day-cam-xuc-20230320105652896.htm