Những cây cầu bập bênh, cầu trượt, cầu thăng bằng, xích đu... đủ sắc màu làm từ vật liệu phế liệu đã thành sân chơi hút hồn trẻ con tại nhiều trường học vùng sâu Đắk Lắk.
Học trò vùng sâu hào hứng trải nghiệm với các thiết bị ở sân chơi mới - Ảnh: THẾ THẾ
Tiếng trống giờ ra chơi vang lên, từng nhóm học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Dliê Ya, Krông Năng, Đắk Lắk) túa ra sân chơi mới được lắp đặt ở góc sân trường. Trên nền đất đỏ bazan, nhóm tình nguyện viên đã mất nhiều ngày cưa sắt, hàn xì, sơn phết tạo nên khu vui chơi trẻ con đầy vui nhộn.
Hiện nhiều nhóm thiện nguyện giúp sửa chữa bàn ghế, mở lớp dạy bơi, tặng sân chơi cho trẻ đã tạo ra làn gió mới trong phong trào thanh thiếu nhi tại Đắk Lắk.
-Anh TRẦN DOÃN TỚI (phó bí thư Tỉnh Đoàn Đắk Lắk)-
Gieo tiếng cười cho trẻ vùng sâu
Nhóm trẻ Ê Đê chạy nhảy quanh mấy thiết bị vui chơi vừa được lắp đặt. Trên chiếc bập bênh một bên có sáu bạn nhỏ, bên kia gồm ba bạn khác và một tình nguyện viên nữ đang "cân" xem bên nào nặng hơn. Mỗi nhịp lên xuống của chiếc bập bênh là cả không gian nức tiếng cười rộn một góc sân trường.
Ở góc khác, nhiều bạn đang được các anh chị tình nguyện viên chỉ cách ngồi xích đu, đi trên cầu thăng bằng... vì lần đầu các bạn được chơi. "Em vui lắm, lần đầu tiên có một khu vui chơi ngay trong sân trường. Đi học em chơi chung với bạn, ngày nghỉ cũng chạy ra chơi vì nhà gần đây" - Y Vinh (lớp 3) vừa chơi cùng bạn vừa khoe.
Cô Phạm Thị Thắm - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc - nói trường nằm ở xã vùng sâu, hơn 80% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc di cư, cuộc sống còn thiếu thốn nhiều lắm. Nhà nào đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở cho con đến trường đã là rất nỗ lực. Nhà trường phải luôn vận động để duy trì sĩ số, ngăn chặn tình trạng bỏ học giữa chừng nên đầu tư một sân chơi cho học trò trường cũng chưa tính tới.
Nên khi nhóm Kết nối yêu thương Buôn Ma Thuột muốn làm khu vui chơi cho trẻ ngay trong sân trường, cô và ban giám hiệu ủng hộ hết mình. Giờ ra chơi, tụi nhỏ loanh quanh trong lớp, bạn nào hiếu động chạy nhảy, rượt đuổi nhau ngoài sân lấm lem đất đỏ, có khi còn té ngã trầy xước. "Có khu vui chơi để học trò vận động, rèn luyện sức khỏe quá bổ ích. Thầy trò chúng tôi rất biết ơn sự đóng góp của nhóm thiện nguyện", cô Thắm chia sẻ.
Tình nguyện viên nhóm Kết nối yêu thương lắp đặt sân chơi tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk)
Nhân lên những điều tốt đẹp
Anh Phạm Thanh Tuấn - trưởng nhóm Kết nối yêu thương Buôn Ma Thuột - kể nhóm thường có những chuyến thiện nguyện tại các trường vùng sâu, vùng xa. Trong một lần đi làm dự án "Thư viện về buôn" hồi tháng 3 năm ngoái, hình ảnh những học sinh lấm lem bụi đất không có gì để chơi đã bật lên trong anh cùng các bạn chung nhóm ý nghĩ về sân chơi từ vật liệu rẻ tiền cho các bạn nhỏ còn thiếu thốn những nơi này.
"Tiền đâu?" là câu hỏi tiếp theo khi bắt tay thực hiện. Nhưng nhóm vẫn chia nhau khảo sát địa điểm, tìm kiếm vật liệu với tiêu chí đảm bảo bền, đẹp nhưng tiết kiệm nhất có thể. Nhóm cũng dùng mạng xã hội để chia sẻ về các dự án sắp làm và kêu gọi hỗ trợ, cả vận động bạn bè, người thân. "Nhiều thợ cơ khí, nơi bán vật liệu giảm giá, giảm luôn tiền công nên các công trình thực hiện nhanh chóng, bền đẹp, chi phí thấp", anh Tuấn khoe.
Sau dự án đầu tiên, cái tên "Sân chơi cho em" được nhiều người biết đến, ủng hộ giúp nhóm tự tin hơn với các dự án tiếp theo ở nhiều nơi khác. Sân chơi tại Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc đã là sân thứ 19 và nhóm đang thực hiện công trình thứ 20, 21 mà toàn bộ đều là kinh phí vận động từ các nhà hảo tâm muốn đem thêm nhiều tiếng cười cho trẻ khó khăn vùng sâu.
Mỗi lần đi làm sân chơi cho một nơi nào đó, nhóm luôn "khuyến mãi" thêm thư viện di động, tặng sách, quà, rồi cắt tóc, cho học sinh vẽ tranh. Chiếc xe tải màu vàng đặc trưng nhóm tự gọi tên "Thư viện mùa xuân" hai năm qua trở nên quen thuộc với trẻ con nhiều buôn làng, góp thêm kiến thức và khuyến khích thói quen đọc sách cho trẻ.
Phó bí thư Tỉnh Đoàn Đắk Lắk Trần Doãn Tới cho rằng đây là những đóng góp thiết thực, cụ thể cả về vật chất lẫn tinh thần cho học sinh tại những trường vùng sâu, vùng xa vốn còn khá thiếu thốn. Anh Tới nói vì thiếu sân chơi, nhiều trẻ ở các khu vực này sau giờ học có khi rủ nhau đi rừng hay tắm suối, chơi thác mà không có người lớn giám sát, rất dễ gặp tai nạn đáng tiếc. "Sân chơi trong khuôn viên trường không chỉ là ý tưởng hay mà phần nào giúp hạn chế những tai nạn luôn rình rập trẻ" - anh Tới nói.
Sẽ có thêm nhiều sân chơi khác "Sân chơi cho em" là dự án cộng đồng tặng sân chơi miễn phí cho trẻ tại các buôn làng Tây Nguyên của nhóm Kết nối yêu thương Buôn Ma Thuột. Đã có 20 sân chơi tặng các em ở nhiều vùng khó khăn tại Đắk Lắk hai năm qua. Mỗi sân giá khoảng 30 triệu đồng từ nguồn vận động xã hội hóa. Cùng với sân chơi nhóm còn tặng xe đạp, đèn chiếu sáng, áo trắng cho học sinh nghèo. Ngoài "Thư viện về buôn", "Sân chơi cho em", nhóm đang ấp ủ các ý tưởng, dự án khác, chẳng hạn giúp học sinh vùng sâu, vùng xa được học kỹ năng, tiếng Anh. "Nhưng đó là tương lai xa, còn hiện tại chúng tôi vẫn tiếp tục góp những niềm vui nho nhỏ để thu hẹp bớt thiệt thòi cho các em ở miền xa", anh Tuấn tâm sự. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/dak-lak-thanh-nien-ve-vung-sau-lam-san-choi-cho-tre-2022120523174772.htm