Từ khóa "nhân viên hạnh phúc" đang dần "leo top" những mối quan tâm hàng đầu của giới nhân sự toàn cầu. Nhưng hạnh phúc của con người không chỉ đến từ 8 tiếng tại văn phòng.
Lãnh đạo và giới nhân sự đang đối diện với nghịch lý: càng đổ nhiều công sức để nhân viên hạnh phúc, nhân viên càng né tránh và xa cách với công ty
Theo nghiên cứu, một nhân viên hạnh phúc sẽ cho năng suất cao hơn 12%, duy trì mức năng lượng cao hơn 65%, sẵn sàng làm việc với thời gian dài gấp 2 lần và có khoảng thời gian gắn bó trung bình với tổ chức dài gấp 4 lần so với một nhân viên không hạnh phúc.
Hàng triệu USD chỉ đổi lấy 10% hạnh phúc?
Bà Ý Phạm, phó tổng giám đốc kiêm CGO - giám đốc tăng trưởng của Vui App (phát triển bởi Nano Technologies), chia sẻ: "Các doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ ràng việc mang lại những trải nghiệm hạnh phúc cho nhân viên đóng vai trò tiên quyết giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Các chương trình chăm sóc, rèn luyện sức khỏe được chú trọng đầu tư, có thể kể đến như: làm "xanh" văn phòng, xây dựng khu vực nghỉ ngơi trong văn phòng, tài trợ các chương trình rèn luyện sức khỏe, mua bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên".
Tuy nhiên, dù nhận thức được tầm quan trọng của trải nghiệm hạnh phúc, không phải chiến lược nào của doanh nghiệp cũng thành công. Lãnh đạo và HR từ nhiều doanh nghiệp đang đối diện với nghịch lý: càng đổ nhiều công sức để nhân viên hạnh phúc, nhân viên càng né tránh và tỏ ra xa cách với công ty.
Chuyên gia nhân sự Susan Lamotte (từng giữ vị trí giám đốc nhân sự một tập đoàn trong danh sách 500 Fortune, hiện làm việc tại một đơn vị tư vấn tuyển dụng) đã nhận ra một "thủ phạm" gây ra nghịch lý nói trên. Đó chính là thay vì tập trung vào bản thân nhân viên, phần lớn chiến lược chỉ chăm chăm vào trải nghiệm làm việc.
Một nghiên cứu được chia sẻ trong cuốn sách The How Of Happiness cũng phân tích, hạnh phúc toàn diện được cấu thành từ 3 yếu tố: 50% do di truyền và không thể thay đổi, 10% do môi trường sống, 40% còn lại do cảm nhận, tình cảm cá nhân quyết định.
Theo phân tích trên hàng triệu USD đầu tư vào các giải pháp xây dựng môi trường làm việc vui vẻ chỉ để đổi lấy tối đa 10% hạnh phúc của nhân viên.
"Kho tàng" niềm vui chưa được khai phá là cảm nhận của nhân viên không chỉ trong công việc, mà nằm ở mọi khía cạnh sống bên ngoài bức tường văn phòng.
Mục tiêu mới cho các chiến lược hạnh phúc
Doanh nghiệp có hai mục tiêu chính cần đạt được để đánh thức niềm vui của nhân viên: bảo toàn 10% hạnh phúc nhờ yếu tố môi trường, và mở rộng tìm kiếm 40% hạnh phúc còn lại
Khi doanh nghiệp đã thấu hiểu bản chất của hạnh phúc toàn diện, có hai mục tiêu chính cần đạt được để đánh thức niềm vui của nhân viên ở nơi làm việc: bảo toàn 10% hạnh phúc được quyết định bởi yếu tố môi trường, và mở rộng tìm kiếm 40% hạnh phúc còn lại.
Đối với mục tiêu đầu tiên, bà Nguyễn Phi Vân - chủ tịch Hiệp hội Đầu tư thiên thần Đông Nam Á, đồng thời là thành viên hội đồng thẩm định Vietnam HR Awards 2022 - chia sẻ: "Được là chính mình là một trong những trông đợi lớn nhất của nhân viên dành cho một môi trường làm việc. Tổ chức cần đưa ra những chiến lược để nhân viên được góp ý, sáng tạo ý tưởng. Từ đó, tạo sự kết nối trong tổ chức nhằm biến mỗi người trở thành "chủ" trong chính công ty".
Doanh nghiệp có thể tìm "insight" mới từ những dữ liệu sẵn có, đào sâu để xác định mong muốn thật sự của người lao động. Chẳng hạn, nếu nhân viên không hứng thú với những cuộc họp sáng sớm hoặc chiều muộn, không thể vội kết luận tinh thần đóng góp của họ yếu kém, mà có thể vì khoảng cách di chuyển giữa công ty và nhà nhân viên quá xa, hay đơn giản vì đa số nhân viên đều có con nhỏ.
Còn để đạt được 40% hạnh phúc còn lại, doanh nghiệp cần tập trung vào các khía cạnh mới bên ngoài công việc. Thấu hiểu những chủ đề và sở thích mà nhân viên chú trọng trong cuộc sống giúp chính sách của công ty thoát khỏi sự rập khuôn và chạm đến trái tim nhân sự.
Để làm được như vậy, ngay từ bước đầu, lãnh đạo và HR phải nắm rõ đặc điểm nhân khẩu của từng nhân viên. Đồng thời, biết cách tận dụng nền tảng kiến thức xoay quanh các yếu tố tác động đến niềm vui như tâm lý, văn hóa, xã hội…
Bà Tiêu Yến Trinh, tổng giám đốc Công ty tư vấn nhân sự Talentnet - đại diện ban tổ chức sự kiện Vietnam HR Awards Gala 2022 - Awakening Joy (ngày 22-11), chia sẻ: "Hạnh phúc toàn diện sẽ không còn là một mục tiêu bất khả thi khi ta xem xét dưới lăng kính toàn diện của một bản thể con người.
Hiểu rõ điều này, các nhà lãnh đạo có thể tái cơ cấu chiến lược nhân sự, kiến tạo những chính sách thật sự gieo mầm hạnh phúc cho người lao động".
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/di-tim-hanh-phuc-toan-dien-cho-nhan-vien-khong-nam-trong-8-tieng-van-phong-20221108084408947.htm