Chuông cảnh báo suy thoái kinh tế đang vang lên, điều đó có nghĩa đến lúc cần phải có một cái nhìn sâu sắc về tình hình tài chính của bạn và giữ một cái đầu lạnh.
Bạn cần phải có cái nhìn sâu sắc về tình hình tài chính cá nhân - Ảnh: DREAMS TIME
Các chuyên gia tài chính cá nhân và nhà kinh tế nói với tờ Business Insider: Mọi người thường phản ứng thái quá trước những dấu hiệu cảnh báo suy thoái kinh tế bằng cách làm rối tung túi tiền của họ.
Xu hướng "bầy đàn"
Theo các chuyên gia về xu hướng thực phẩm, chúng ta làm những điều kỳ lạ trong thời kỳ suy thoái, như ăn bánh mì thịt và kem một cách thoải mái.
Giáo sư Dan Ariely, một nhà kinh tế học hành vi tại Đại học Duke (Mỹ), cho biết mọi người thường có tâm lý bầy đàn trong thời kỳ suy thoái, việc áp dụng "tư duy khan hiếm" khiến họ nghĩ rằng mọi thứ tồi tệ hơn thực tế.
Ông Ariely nói: "Khi mọi thứ không chắc chắn, mọi người rất khó để suy nghĩ chính xác".
Yếu tố sợ hãi
Các nhà kinh tế của Bloomberg cho biết gần đây họ nhận thấy 100% khả năng xảy ra suy thoái vào năm 2023.
Giám đốc điều hành Ngân hàng Goldman Sachs, ông David Soloman, cho biết vào cuối tháng 10 rằng nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với một "sự suy thoái kéo dài".
Các chuyên gia cho biết suy thoái, hay sợ hãi suy thoái, gây ra cảm giác tuyệt vọng về tài chính.
Những cảm giác này có thể bị ảnh hưởng từ những tin tức xấu về nền kinh tế rộng lớn hơn. Dấu hiệu suy thoái thường đi trước bằng sự sụt giảm của thị trường chứng khoán. Điều này đè nặng lên tâm trí các nhà đầu tư - thực sự, chỉ số S&P 500 đã mất 1/5 giá trị trong năm nay.
Ông Ramit Sethi, người sáng lập I Will Teach You To Be Rich - một trang web giáo dục về đầu tư và quản lý tài chính - cho biết khách hàng của ông thường bị ảnh hưởng bởi tin tức về nền kinh tế rộng lớn hơn là những gì đang xảy ra với tài chính của họ.
"Mọi người nhìn vào các tiêu đề trong tin tức, họ nhìn những gì bạn bè của họ đang nói về và điều đó tạo ra cái nhìn của họ về thế giới. Đó là lý do tại sao tôi đang nhận được nhiều câu hỏi hơn bao giờ hết về lạm phát", ông nói.
Ông Sethi khuyên mọi người nên tập trung vào kế hoạch tài chính dài hạn hơn là những tiêu đề truyền thông tiêu cực.
Ông Chad Rixse, giám đốc kế hoạch tài chính của Công ty cố vấn đầu tư tài chính Forefront Wealth Partners, cho biết mọi người có thể bị ảnh hưởng về mặt tinh thần khi tài sản của họ sụt giảm đáng kể.
Họ sẽ hành động "phi lý trí" để bảo vệ những gì còn lại. Họ không kịp nghĩ rằng thị trường chứng khoán và nền kinh tế đều có tính chu kỳ.
Giữ cái đầu lạnh
Ông Jeremy Schneider, người sáng lập trang web huấn luyện tài chính Personal Finance Club, cho biết đối với hầu hết mọi người, chuẩn bị cho một cuộc suy thoái giống như chuẩn bị cho một cơn bão.
"Hãy làm những điều trong thời kỳ tài chính tồi tệ tương tự như bạn đã làm trong thời kỳ tài chính tốt. Thiết lập một khuôn khổ tài chính hiệu quả bằng cách trả hết nợ không thế chấp của bạn, tiết kiệm một quỹ khẩn cấp từ 3 - 6 tháng" - ông Schneider nói.
Nếu bạn không tự tin về tài chính của mình, đã đến lúc bắt đầu xây dựng quỹ khẩn cấp thông qua thói quen tiết kiệm và chi tiêu mới, các chuyên gia khuyên. Đây là những thói quen tốt không phụ thuộc vào tình trạng của nền kinh tế.
Khi xây dựng quỹ khẩn cấp, các chuyên gia khuyên không nên đầu tư bằng tiền mặt từ quỹ chứng khoán và các nguồn đầu tư khác.
Ông Nikolai Roussanov, giáo sư tài chính tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, cho biết các nhà đầu tư thường dễ bị rút tiền đầu tư sớm.
Bà Emilie Bellet, người sáng lập Vestpod, một trang web nhằm nâng cao năng lực tài chính của phụ nữ, nói rằng việc lập quỹ khẩn cấp sẽ giúp bạn có triết lý về tiền của bạn và lý do bạn chi tiêu nó.
"Hãy nghĩ về đồng tiền thực sự có ý nghĩa đối với bạn, giá trị của bạn là gì cũng như mục tiêu tương lai của bạn - bà Bellet nói, và nhấn mạnh - Hãy sống thật với chính mình. Đừng chạy theo để có những gì người khác có. Bạn rất dễ bị cuốn vào việc so sánh mình với người khác".
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/can-cai-dau-lanh-de-giu-tui-tien-khi-kinh-te-suy-thoai-20221107143121957.htm