Đối với bạn trẻ, ở trọ ghép là vì tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Tuy vậy, cuộc sống khi những mảnh ghép xa lạ được đặt vào cùng một chỗ cũng xảy ra không ít chuyện bi hài.
Ở trọ ghép chắc hẳn không còn là khái niệm xa lạ đối với bạn trẻ, đặc biệt là những sinh viên phải đi học xa gia đình. Hình thức ở trọ này đem đến nhiều lợi ích về mặt vật chất lẫn tinh thần cho các sinh viên song bên cạnh đấy cũng có nhiều hoàn cảnh oái oăm, ngang trái.
Bất đồng với bạn trọ
Nguyễn Thanh Thảo (quận Thanh Xuân), đã gắn bó gần 3 năm với hình thức ở trọ ghép. Mặc dù rất hiểu những lợi ích kinh tế mà hình thức ở trọ này đem lại nhưng Thảo vẫn gặp khó khăn trong việc chung sống hòa hợp với các bạn trọ của mình.
"Các chi phí (tiền điện, nước, tiền phòng...) nhờ được chia cho nhiều người nên tiết kiệm được một khoản tiền. Việc ở chung với nhiều người cũng đem đến cho mình những giây phút thoải mái và vui vẻ. Tuy nhiên, chính điều này cũng làm giới hạn không gian riêng tư của mình", Thảo chia sẻ.
Ở trọ ghép đem đến nhiều lợi ích nhưng cũng không tránh khỏi những xích mích, mâu thuẫn (Ảnh: Mai Châm)
Thảo thú thực, cô không cảm nhận được sự đồng cảm, quan tâm và thấu hiểu từ những người bạn trọ của mình: "Vì không hợp tính nhau nên mình không nhận được nhiều sự đồng cảm từ những người bạn cùng phòng. Mặc dù mình luôn sẵn sàng giúp đỡ nhưng mọi người chỉ những lúc cần mình mới tìm đến. Có lúc sức khỏe mình không tốt, cần sự giúp đỡ từ những người xung quanh nhưng ai cũng chỉ dùng điện thoại và không có một lời hỏi han, quan tâm".
Để giải quyết mối quan hệ không hòa hợp cùng bạn trọ, Thảo đã từng muốn cùng mọi người ngồi xuống nói chuyện nhưng vấn đề vẫn còn đó: "Vì mình đi học và đi làm cả ngày, ít có thời gian tiếp xúc với mọi người nên có lẽ đó là phần nào lí do tạo nên khoảng cách với họ.
Mình đã từng thử nói ra những suy nghĩ của bản thân với những người còn lại nhưng thứ nhận được chỉ là sự im lặng. Dần dần, mình cảm thấy bản thân bị cô lập giữa chính căn phòng mình đang ở và cảm thấy rất stress (căng thẳng - PV) mỗi khi trở về. Đó là lí do dẫn tới quyết định chuyển phòng của mình".
Việc bị cô lập ngay trong chính căn trọ của mình không phải là tình trạng hiếm (Ảnh: Francesco Sambati/ Eyeem/ VICE)
Giống với Thanh Thảo, Nguyễn Thị Hồng Thơ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng gặp khó khăn trong việc chung sống hòa hợp với bạn trọ.
"Thói quen sinh hoạt giữa các thành viên khác nhau thường dẫn đến mâu thuẫn. Cá nhân mình thấy bạn cùng phòng không được sạch sẽ lắm, cộng thêm khẩu vị mỗi người khác nhau nên rất khó hóa hợp trong sinh hoạt. Đặc biệt, bạn cùng phòng của mình làm gia sư online (dạy học qua mạng - PV) nên mỗi lần bạn ấy làm việc là hai người còn lại không được làm ồn hay nói chuyện khiến chúng mình thấy có phần bất tiện", Hồng Thơ kể.
Chia sẻ thêm, Hồng Thơ cũng cho rằng quan điểm sống khác nhau giữa các thành viên trong phòng cũng là nguyên nhân khiến việc ở trọ ghép trở nên khó khăn: "Bạn cùng phòng mình thường không giúp đỡ người khác dù là việc đơn giản nhất như lấy hàng hộ. Bạn ấy cho rằng thời gian của bạn ấy là vàng là bạc, những việc không có lợi cho mình thì sẽ không làm.
Để cải thiện sự bất hòa này, chúng mình đã nhiều lần góp ý nhưng bạn ấy không thay đổi nên giờ chúng mình không còn ở chung trọ với nhau nữa".
Suýt bị bạn cùng phòng "bùng tiền" trọ
Chia sẻ thêm về những câu chuyện ở trọ ghép đầy "éo le" của mình, Hồng Thơ kể lại một lần suýt bị bạn trọ bắt trả hết tiền trọ một mình.
"Đợt dịch năm ngoái hai đứa cùng về quê nhưng đồ đạc của cả hai vẫn để ở phòng trọ. Vì vậy nên, chúng mình vẫn phải trả tiền thuê hàng tháng dù không ở. Thời gian đó, đồ đạc trong phòng trọ hầu như là của mình, bạn kia chỉ có ít đồ dùng cá nhân.
Điều này dẫn đến việc bạn ấy cho rằng không ở thì không cần đóng tiền nhà, đồ đạc của bạn ấy có thể đem bỏ và số tiền đóng tiền nhà đủ để bạn ấy mua đồ mới. Lý lẽ này của bạn cùng gia đình bạn ấy nhằm khiến mình phải đóng toàn bộ chi phí thuê nhà. Nhưng sau cùng, mình thỏa thuận đóng tiền nhà nhiều hơn bạn ấy", Thơ nói.
Sau những câu chuyện ở trọ ghép không mấy vui vẻ như vậy, Hồng Thơ nhận định: "Vì muốn tiết kiệm chi phí nên mình tìm người ở ghép. Nhưng sau cùng, ở một mình vẫn là chân ái!".
Được bạn trọ giúp đỡ
Bên cạnh những mâu thuẫn đầy căng thẳng với bạn trọ, vẫn còn tồn tại nhiều câu chuyện thú vị xoay quanh việc ở trọ ghép.
Khuất Thị Thanh Hằng (20 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Ở trọ ghép đem đến cho mình nhiều lợi ích về vật chất và tinh thần nhưng chủ yếu là lợi ích tinh thần.
Có người ở chung rất vui, giống như mình có thêm những người bạn để có thể tâm sự, cười đùa mặc dù cũng không tránh khỏi xảy ra mâu thuẫn. Chúng mình thường lên sân thượng để tâm sự và nói chuyện với nhau rất say sưa, đặc biệt là những lúc đang trong giai đoạn bận bịu, căng thẳng trong công việc và học tập".
Nhận xét về bạn trọ của mình, Hằng tâm sự: "Tuy tính cách cũng có điểm không hợp nhưng họ đều là người tốt. Chúng mình luôn yên tâm, tin tưởng để làm sao có thể sống với nhau được thoải mái".
Chính quãng thời gian vui vẻ, hòa hợp với bạn trọ khiến Hằng luôn sẵn sàng tiếp tục gắn bó với hình thức ở trọ này ngay cả khi có điều kiện kinh tế tốt hơn: "Ở ghép đem lại cho mình cảm giác yên tâm hơn, không sợ gặp biến thái, không sợ ma. Hơn nữa mình cũng không thể làm hết được việc nhà nên có người san sẻ cùng thì cũng đỡ".
Ở trọ ghép đôi khi còn đem đến những người bạn mới (Ảnh: DT)
Giống với Khuất Thị Thanh Hằng, Nguyễn Song Nhi (20 tuổi, quận Thanh Xuân) cũng có những quãng thời gian dễ chịu khi sống cùng những người bạn mới: "Mình từng ở một mình khoảng 3 tháng lúc mới xuống Hà Nội. Mình hiểu rất rõ việc ở trọ một mình rất tự do, không sợ ai ảnh hưởng tới mình hoặc không sợ làm ảnh hưởng tới người khác. Nhưng khi ở ghép với bạn bè, mặc dù sẽ có nhiều điều phải nhường nhịn nhau nhưng ở trọ ghép sẽ là một trải nghiệm thú vị nếu chúng ta tìm được một room mate (bạn cùng phòng) phù hợp".
Nhi kể lại một kỷ niệm ấm lòng với người bạn trọ của mình: "Phòng mình có ba người. Vừa rồi có một bạn về quê, chỉ còn lại hai người trong đó có mình ở lại phòng trọ. Đúng lúc đó lại đóng tiền trọ mà hai đứa bọn mình cũng đúng lúc hết tiền. Vậy là bạn ở quê không nề hà gì gửi 1 triệu lên "tiếp tế" và sẵn sàng cùng chúng mình san sẻ tiền điện mặc dù bạn ấy chỉ ở vài ngày cuối hè".
Làm sao để chung sống hòa hợp với bạn trọ?
Bên cạnh yếu tố quan trọng mà nhiều người đã nhắc đến như tính cách phù hợp với nhau hay biết giữ gìn về sinh và không gian chung, nhiều yếu tố khác cũng được đưa ra đầy hợp lí.
Khuất Thị Thanh Hằng sau gần 2 năm chung sống hòa thuận với bạn trọ cho rằng sự nhẫn nại và vị tha là điều quan trọng để tạo nên môi trường ở trọ lành mạnh và bền vững.
"Trao đi yêu thương để nhận lại yêu thương. Mỗi người biết nhường nhịn, thông cảm cho nhau thì hoàn toàn có thể chung sống hòa thuận. Bạn trọ của mình trở về phòng sau một ngày có thể kể lại những câu chuyện rất nhàm chán, nhưng mình vẫn sẽ kiên nhẫn lắng nghe để bạn ấy cảm thấy mình được tôn trọng và quan tâm", Hằng cho hay.
Đồng quan điểm với Hằng nhưng Nhi cũng bổ sung một điều nữa trong "bí kíp" sống chung hòa hợp với bạn trọ của mình là luôn rõ ràng, rạch ròi với bạn trọ của mình trong mọi mặt.
"Khi bắt đầu sống chung, chúng ta nên thiết lập các quy tắc. Quy tắc của phòng có thể như là: không dẫn người yêu về phòng, đi đâu phải báo, muốn dẫn bạn về phải hỏi ý kiến những người còn lại trước… Không phải một người phải nhường nhịn mà tất cả đều phải nhường nhịn lẫn nhau.
Đặc biệt, khi có khúc mắc với nhau thì phải nói thẳng ngay thay vì để trong lòng rồi tích tụ thành thù oán là không nên. Bên cạnh đó, các thành viên cũng phải luôn sòng phẳng, rõ ràng trong tiền bạc", Nhi nhấn mạnh.
Theo Đinh Phương Nhung/ Dân trí
https://dantri.com.vn/nhip-song-tre/bi-hai-chuyen-o-tro-ghep-cua-cac-ban-tre-thoi-nay-20220904093716758.htm