Dù chỉ cách nhau 4 km nhưng vì dịch Covid-19, hơn 3 tháng trời chị em cụ bà U.90 không được gặp nhau. Trong cuộc hội ngộ bất ngờ, bà Hai (87 tuổi) ôm em gái nức nở khiến cư dân mạng xúc động.
Mạng xã hội đang chia sẻ đoạn clip dài khoảng 1 phút ghi lại cảnh hai bà cụ U.90 tóc bạc trắng, móm mém ôm chầm lấy nhau ngay thời khắc hội ngộ sau dịch Covid-19. Hình ảnh hai cụ bà cùng ngồi trên võng, cách nói chuyện vô tư nhận được hàng ngàn lượt thả tim và bình luận.
Cuộc gặp gỡ bất ngờ
Chia sẻ với Thanh Niên, anh Nguyễn Văn Minh (nickname Hí Minh, 20 tuổi, ngụ Sóc Trăng) cho biết đoạn clip được quay vào ngày 10.12 khi anh chở bà nội sang thăm bà dì. Bà nội của Minh là cụ bà Đặng Thị Thanh (81 tuổi), còn bà dì là bà Đặng Thị Hai (87 tuổi), cùng ngụ xã Hòa Tú 2, H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng.
Chị em cụ bà U.90 bật khóc ôm lấy nhau khi gặp lại sau dịch Covid-19Ảnh: cắt từ clip
Theo lời anh Minh, khoảng cách giữa 2 nhà chỉ 4 km nhưng suốt mấy tháng dịch, hai cụ bà không ra khỏi nhà. Vừa qua, nhớ không chịu nổi, bà nội gọi Minh chở sang thăm bà dì. “Lúc vừa tới thì không thấy bà dì đâu nên bà nội tôi đi thẳng vào võng ngồi, réo lên: “Bà Hai có nhà không?”. Lát sau bà Hai chạy vô thấy bà nội ngồi trên võng liền hỏi: “Ủa Năm xuống hả?” rồi lao lên võng ôm nội tôi khóc nức nở. Ngoài tôi, còn có con dâu của bà dì và người hàng xóm nữa chứng kiến, ai cũng xúc động”, anh Minh kể.
Theo đoạn clip được chia sẻ, bà Hai ôm chặt lấy cổ bà Thanh lắc qua lắc lại bật khóc thành tiếng, bà Thanh cố gắng kìm nước mắt đẩy chị gái ra đánh trống lảng: “Tui trông muốn chết không thấy qua”. Bà Hai vẫn không giấu được xúc động, vừa ôm đùi em gái vừa nói: “Chân cẳng có mần được cái gì đâu, cái tay này giở lên không được”. Nói rồi bà Hai sụt sùi kể với em gái chuyện bị té trong đợt dịch.
“Ai còn người thân bên cạnh hãy quý trọng từng giây từng phút”
Anh Minh cho hay thông thường 1 - 2 tuần bà Hai lên thăm bà nội của anh, nhưng vừa qua do dịch Covid-19 nên cả hai không gặp nhau cũng không gọi hỏi thăm được vì không ai xài điện thoại. Thấy hai bà tay bắt mặt mừng, đang sẵn điện thoại trên tay, anh Minh đã quay lại đoạn clip này đăng lên TikTok của mình. Anh bộc bạch: “Tôi xúc động muốn khóc theo luôn. Bà nội tôi cũng muốn khóc mà chắc thấy chị khóc nên ráng kìm nén lại cho qua chứ mắt nội cũng đỏ hoe. Clip được lan tỏa trên mạng xã hội, nhiều người để lại bình luận chúc sức khỏe hai bà mà tôi cũng vui lây. Qua đó, tôi mong muốn chia sẻ thông điệp: Ai còn người thân bên cạnh hãy quý trọng từng giây từng phút”.
Khi chưa có dịch, khoảng 1 - 2 tuần chị em cụ Hai gặp nhau một lần NVCC
Trên đường chở bà nội về lại, anh Minh nhắc lại chuyện bà dì khóc nức nở khi có em gái xuống thăm sau dịch, nhưng không nghe bà nội đáp lại gì. Quay ra phía sau xe, anh Minh bắt gặp ánh mắt bà nội cũng đang rưng rưng. Đến ngày 12.12, bà Hai lên thăm lại em gái, tâm sự tiếp với nhau cho thỏa nỗi nhớ.
Kể lại câu chuyện với PV qua điện thoại, cụ bà Đặng Thị Thanh cười vang: “Năm nay tui 81 tuổi rồi, còn bả 87 tuổi mà mít ướt lắm. Gặp tui mà bả mừng quá trời, ôm tui khóc làm tui muốn khóc theo”. Cụ bà cho hay gia đình hiện còn 4 anh chị em, 2 người ở TP.HCM, chỉ có cụ bà và bà Hai sau khi lập gia đình vẫn ở miền quê Sóc Trăng. Gần nhau, hay qua lại thăm nom, hỏi han nên tình cảm chị em cũng gắn bó hơn.
Cụ bà 81 tuổi cho hay lúc nhìn thấy chị gái khóc, bà càng thương chị hơn. Trong ký ức của cụ Thanh, ngày nhỏ cụ thường mặc đồ cũ của chị gái. Cả nhà làm ruộng nên quanh năm chị em phụ cha mẹ ruộng đồng, bắt cá về kho mặn cả nhà cùng ăn cơm. Cứ vậy mà giờ cả hai đã U.90, con cháu đã làm ăn kinh tế khá hơn nhưng kỷ niệm về thời nghèo khó vẫn là những hồi ức không thể nào quên.
“Gặp lại bả tui thiệt mừng, thấy bả vẫn khỏe là mừng lắm. Xưa hai chị em mần ruộng dữ lắm, giờ chân cẳng yếu đi hông nổi nên lâu lâu qua thăm nhau thôi. Vừa qua dịch hai chị em không dám ra đường vì ai cũng có tuổi rồi. Thường 1 năm tui lên Sài Gòn thăm anh chị em một lần, mà năm nay dịch quá chưa dám đi. Qua dịch mà còn nhìn thấy nhau khỏe là mừng quá trời quá đất”, cụ bà Đặng Thị Thanh tâm sự.
Theo Vũ Phượng/Thanh niên
https://thanhnien.vn/chi-em-u-90-om-nhau-khoc-hoi-ngo-sau-dich-covid-19-mung-qua-troi-qua-dat-post1411314.html