"Thắt lưng, buộc bụng" hay có kế một kế hoạch chi tiêu chính hợp lý là câu chuyện được nhiều bạn trẻ làm văn phòng đang hướng tới nhằm tiết kiệm cho tương lai.
Đại dịch Covid-19 đã kéo theo rất nhiều hệ lụy, trong đó phải kể đến việc giảm sút thu nhập, thậm chí cuộc sống rơi vào trạng thái lao đao của nhiều bạn trẻ làm công việc văn phòng.
Cũng nhờ vậy mà nhiều bạn trẻ đã phải áp dụng nhiều cách "thắt lưng buộc bụng", thay đổi cách chi tiêu hàng tháng để tiết kiệm lương, tạo một quỹ sử dụng cho công việc cần thiết sau này.
Từ mang theo cơm trưa đến lên kế hoạch chi tiêu cụ thể
Gần một năm nay, nhân viên lập trình Bùi Công Minh (23 tuổi, Ba Đình) đã tự chuẩn bị cơm trưa ở nhà rồi mang đến công ty thay vì ra quán để ăn trưa cùng với đồng nghiệp.
"Mỗi ngày chỉ cần dậy sớm khoảng 50-60 phút, tự chuẩn bị đồ ăn trưa thì một tháng cũng tiết kiệm được khoảng 3 triệu đồng", Công Minh hào hứng kể.
Ngoài việc tự chuẩn bị cơm trưa mang đi làm hàng ngày, Công Minh còn lên một kế hoạch chi tiêu cụ thể và rất nguyên tắc (Ảnh: NVCC).
Công Minh chia sẻ: "Ngoài đem theo cơm đi làm, mình sẽ lên một kế hoạch chi tiêu, mọi người thường hay gọi nó là nguyên tắc chi tiêu. Ví dụ, nguyên tắc của mình là đi ăn bên ngoài hay cà phê không quá 6 lần/tháng; tất cả số lần đó sẽ tính cả những lần đi ăn sinh nhật bạn bè hoặc liên hoan công ty, bộ phận".
Theo chia sẻ của Công Minh, với mức lương dao động khoảng 15 triệu đồng/tháng, sau khi khấu trừ các khoản chi phí nhà trọ, điện nước, sinh hoạt, gửi về cho bố mẹ thì vẫn dư được khoảng 6-7 triệu đồng.
"Nếu mỗi tháng tiết kiệm được 6 triệu đồng thì một năm có thể để dư ra 72 triệu đồng, thậm chí là hơn. Chỉ cần làm vài năm là mình có đủ tiền thực hiện dự định riêng, như mở một cửa hàng quần áo hay quán ăn nhỏ", Công Minh bộc bạch.
Nói "không" với trào lưu mua sắm
Bạn Hương Giang (sinh năm 1998) hiện đang là nhân viên một công ty chứng khoán luôn nói không với trào lưu mua sắm và cũng nhờ việc đó mà sau 2 năm cô đã có thể mua xe, đi du lịch khám phá mọi miền của Tổ quốc.
"Mình là một người sống có kế hoạch, nên ngay từ khi còn là sinh viên mình đã bắt đầu đi làm thêm và tích lũy số tiền kiếm được. Mình sẽ không chạy theo các trào lưu mua sắm rầm rộ của giới trẻ, chỉ mua khi thật sự cần thiết và dùng đủ chứ không mua thừa", Hương Giang chia sẻ.
Để tiết kiệm số lương tích lũy của mình, Hương Giang còn chọn cách làm sổ tiết kiệm, tránh để trong thẻ để tiêu dùng hết (Ảnh: NVCC).
Hương Giang cho hay: "Mặc dù có kế hoạch cụ thể nhưng nhiều khi mình sẽ bị mất kiểm soát và quẹt tiền trong thẻ bất kỳ lúc nào. Thời buổi hiện đại, chuyện quẹt thẻ hay rút tiền đều rất thuận lợi nên chỉ cần có tiền trong thẻ thì sẽ bị mất kiểm soát.
Mình làm sổ tiết kiệm từ 5 triệu, 15 triệu, 20 triệu đồng… và cứ hết 1 năm sẽ cộng dồn vào một sổ lớn để dễ quản lý. Chỉ sau 2 năm đi làm, mình đã có thể mua xe, đi du lịch khám phá khắp các địa điểm đẹp của Việt Nam".
Ngoài ra, Hương Giang cũng chia sẻ thêm: "Mình cũng hay bị ốm vặt nên nếu chi tiêu hoang phí thì những lúc ốm đau sẽ không có tiền để dùng. Bạn của mình không có kế hoạch chi tiêu, khi dịch đến đã trở tay không kịp, phải vay mượn để tiêu dùng rồi ốm đau cũng phải vay nợ, những lúc như vậy thực sự sẽ rất bị động và phụ thuộc vào người khác".
Quy tắc 6 chiếc lọ
Như Quỳnh, hiện đang làm tại công ty xây dựng nền tảng chăm sóc sức khỏe và gia đình lại chọn cho mình quy tắc 6 chiếc lọ để có một chiến lược chi tiêu hợp lý, tích lũy tài chính hiệu quả cho tương lai.
"Mình luôn đặt câu hỏi cho bản thân: "Làm thế nào để biến thu nhập hàng tháng của mình thành một khối tài sản lớn", nhưng chỉ sau 2 năm tìm hiểu và thực hiện thì quy tắc 6 chiếc lọ khiến mình có một kế hoạch tích lũy hiệu quả", Như Quỳnh cho hay.
Quy tắc 6 chiếc lọ sẽ giúp mỗi cá nhân tách biệt các khoản chi tiêu và đạt kết quả tốt nhất (Ảnh: NVCC).
Quy tắc 6 chiếc lọ gồm: "Tài khoản chi tiêu cần thiết - tài khoản tiết kiệm dài hạn - tài khoản giáo dục - tài khoản tự do tài chính - tài khoản hưởng thụ - tài khoản hưởng thụ".
Như Quỳnh cho hay: "Với lọ đầu tiên là tài khoản chi tiêu cần thiết sẽ chiếm 55%, nó sẽ phục vụ cho nhu cầu thiết yếu mỗi ngày của bạn và gia đình, như chi phí ăn uống, xăng xe, điện thoại, tiền học… Vì vậy, đây là lọ chiếm phần trăm cao nhất. Tác dụng của tài khoản này là để bạn biết được giới hạn chi tiêu, từ đó thay đổi lối sống cho phù hợp.
Lọ thứ hai là tài khoản tiết kiệm dài hạn chiếm 10%, lọ này dành để chi tiêu cho những việc trong tương lai. Tác dụng của tài khoản này là để bạn thấy rõ được mục đích mình nhắm tới, và tiết kiệm tiền dần dần cho việc đó.
Lọ thứ ba - tài khoản giáo dục chiếm 5%, đây là quỹ để bạn dành cho việc học hành, liên tục đầu tư vào chính bản thân mình, vì càng đầu tư vào kiến thức thì bạn sẽ càng sinh lời, chẳng bao giờ sợ lỗ.
Mỗi chiếc lọ hay mỗi tài khoản sẽ có mục đích riêng. Nếu coi tổng thu nhập hàng tháng của bạn là 100% thì mỗi chiếc lọ này sẽ chiếm một khoản nhất định (Ảnh: Văn Hiền).
Lọ thứ tư - tài khoản tự do tài chính chiếm 10%, đây sẽ là khoản để bạn tham gia vào các hoạt động như mua cổ phiếu, đầu tư vào chứng khoán... Sau này nếu 90% kia đã tiêu hết thì bạn vẫn luôn còn 10% nguyên vẹn và sinh lời.
Lọ 5 thứ 5 - tài khoản hưởng thụ chiếm 10%, đây là khoản tiền để bạn dành cho việc hưởng thụ, chăm lo cho bản thân. Tài khoản này là để bạn tự thưởng, từ đó có động lực làm việc hơn.
Chiếc lọ cuối cùng sẽ là tài khoản từ thiện chiếm 10%, tài khoản này sẽ giúp bạn sử dụng để làm từ thiện giúp đỡ người khác hay đóng góp cho lợi ích cộng đồng. Tài khoản này có thể giảm xuống 5% nếu như bạn có nhiều thứ phải chi trả hơn nhưng phải nhớ luôn dành ra một khoản để giúp đỡ người khác".
Vậy bạn đã chọn cách tiết kiệm ra sao để tích lũy hiệu quả cho tương lai? Hãy cùng chia sẻ vào phần bình luận bên dưới.
Theo Văn Hiền - Khánh Linh/Dân trí
https://dantri.com.vn/nhip-song-tre/gioi-tre-lam-van-phong-that-lung-buoc-bung-tiet-kiem-cho-tuong-lai-20211129080933738.htm