Tổng thống đắc cử Joe Biden đã chính thức nhậm chức để bắt đầu công cuộc tái thiết và vực dậy một nước Mỹ đang gặp vô vàn khó khăn và thách thức.
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên thệ nhậm chức. (Ảnh: CNN)
Ngày 20/1, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã làm lễ nhậm chức tại Điện Capitol ở thủ đô Washington, chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.
Rất nhiều cựu nguyên thủ cùng gia đình đã có mặt tại lễ nhậm chức của ông Biden, trong đó có các cựu Tổng thống Barack Obama, Bill Clinton và George W.Bush. Tuy nhiên, người tiền nhiệm của ông Biden là Tổng thống Donald Trump đã không tham dự buổi lễ này.
Ông Joe Biden đọc lời tuyên thệ nhậm chức trước Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts.
Sau lễ nhậm chức, ông Biden cùng chính quyền mới sẽ không có nhiều thời gian chuẩn bị mà phải bắt đầu ngay công cuộc tái thiết và vực dậy một nước Mỹ đang gặp vô vàn khó khăn.
Thách thức đầu tiên đối với ông Biden chính là dịch bệnh COVID-19. Lễ nhậm chức của ông diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang gần chạm mốc 25 triệu ca mắc bệnh và hiện đã có hơn 400.000 người tử vong.
Trước đó, nhiều nguồn tin trong nhóm chuyển giao quyền lực cho biết ông Biden dự kiến sẽ đưa ra nhiều quyết định liên quan đến vấn đề y tế, trong đó đáng chú ý nhất là việc đưa Mỹ quay lại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Trước đó, Tổng thống mãn nhiệm Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi WHO, chỉ trích cơ quan này đã hoạt động không hiệu quả trong cuộc chiến chống COVID-19.
Với việc hàn gắn quan hệ với WHO, Mỹ nhiều khả năng sẽ tham gia vào sáng kiến phân phối vắcxin COVAX và đây sẽ là một dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến chống dịch bệnh trên toàn cầu.
Các vấn đề đối ngoại cũng sẽ là một thách thức đối với chính quyền Biden. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ dường như đã "gây thù chuốc oán" với cả thế giới, có thể kể đến cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, căng thẳng hạt nhân Iran, mâu thuẫn trong quan hệ với Nga, những tranh cãi về thương mại với châu Âu...
Biến đổi khí hậu cũng là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Trước đó, ông Biden tuyên bố sẽ đưa Mỹ quay trở lại với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đúng như những gì từng cam kết trong quá trình tranh cử.
Ngoài ra, ông Biden được cho là sẽ đảo ngược lại những chính sách của chính quyền Trump, trong đó có việc thu hồi giấy phép mở dộng của dự án khai thác dầu Keystone XL cũng như đưa ra những tiêu chuẩn mới về khí thải./.
Theo Vi Diệu (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/ong-joe-biden-chinh-thuc-tro-thanh-tong-thong-my-thu-46/690651.vnp