Ngay sau khi tòa cấp phúc thẩm tuyên án Nguyễn Khắc Thủy được giảm án từ 3 năm tù giam xuống còn 18 tháng tù treo, Viện KSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có báo cáo khẩn cấp lên cấp trên.
Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không đồng tình
Chiều 13/5, Viện KSND Tối cao cho biết, ngay sau khi TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên bị cáo Nguyễn Khắc Thủy (sinh năm 1940, ngụ TP Vũng Tàu) 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có báo cáo khẩn cấp vụ án gây phẫn nộ dư luận này.
Theo Viện KSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì cơ quan này sẽ kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy án sơ thẩm
Theo HĐXX thì qua lời khai của gia đình, ở thời điểm đó, cháu H.A đã có ý thức về việc người khác có hành vi như vậy là xâm hại nên có thể phản xạ lại để ngăn chặn hoặc kêu người giúp đỡ, không để ông Thuỷ thực hiện hành vi trên. Do đó, HĐXX nhận thấy chưa đủ căn cứ vững chắc để quy kết bị cáo Thuỷ có hành vi dâm ô với cháu H.A. Vì vậy, HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Thuỷ, xác định bị cáo không có hành vi dâm ô với cháu H.A. HĐXX kết luận bị cáo Thuỷ chỉ có hành vi dâm ô với cháu T.D như bản án sơ thẩm đã tuyên.
Đối với tình tiết giảm nhẹ, theo HĐXX, bị cáo là người già phạm tội, là đảng viên và có nhiều cống hiến cho ngành ngân hàng, vì thế cần áp dụng các tình tiết để giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo. Ngoài ra, xét bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, bản thân đang có nhiều bệnh nên HĐXX áp dụng cho bị cáo hưởng án treo.
Ngay sau khi TAND tỉnh tuyên mức án 18 tháng tù cho hưởng án treo thì lãnh đạo Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ký báo cáo khẩn cấp lên Phòng Nghiệp vụ Viện KSND Cấp cao tại TPHCM và Vụ Nghiệp vụ Viện KSND Tối cao.
Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định cáo trạng của Viện KSND TP Vũng Tàu và bản án sơ thẩm đã tuyên đúng người, đúng tội, không oan sai. Đồng thời, khi lượng hình, cấp sơ thẩm đã cân nhắc những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ rồi mới tuyên 3 năm tù đối với bị cáo Thủy.
Báo cáo của Viện KSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bảo lưu quan điểm truy tố của cấp sơ thẩm (xử 3 năm tù giam) và đề nghị giám đốc thẩm vụ án này.
Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM lên tiếng
Trong một diễn biến khác, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cũng đã vào cuộc, có văn bản gửi Viện KSND Cấp cao tại TPHCM yêu cầu xem xét lại vụ án. Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, việc TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên cho bị cáo Thủy hưởng án treo thể hiện sự không nghiêm minh, không tương xứng với tính chất và hành vi của ông Thủy bởi lẽ ông ta phạm tội "tày trời" với nhiều cháu thiếu nhi, thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần.
Theo luật sư Nữ, đây là bản án không có tính răn đe, bởi lẽ đã xâm hại trẻ em, tức là vi phạm Điều 6, khoản 3, Luật trẻ em, gây bức xúc trong dư luận. Việc Tòa án dụng tình tiết giảm nhẹ với người là Đảng viên, người già yếu là không thể chấp nhận được. Bởi là Đảng viên phải làm gương. Tòa đáng ra phải áp dụng tình tiết tăng nặng vì phạm tội với trẻ em, phạm tội nhiều lần đối với nhiều người. Ngoài ra, đã kết tội là dâm ô với trẻ em thì không thể tuyên phạt mức án treo, cho dù sức khỏe già yếu như thế nào.
Trao đổi với PV, luật sư Lê Ngọc Luân (Đoàn Luật sư TPHCM) - người từng theo đuổi vụ việc cho đến khi vụ án được khởi tố - cho rằng bản án phúc thẩm tuyên đối với bị cáo Nguyễn Khắc Thủy là quá nhẹ, chưa đủ sức nặng để thực thi công lý, trừng trị bị cáo và răn đe xã hội.
“Hơn nữa, việc bị cáo thực hiện hành vi dâm ô với đối tượng là trẻ em thì bản án 18 tháng tù treo càng không đủ nghiêm khắc. Việc áp dụng các tình tiết "già yếu, bệnh tật, có cống hiến" để giảm nhẹ là chưa phù hợp.Theo quy định, trong thời hạn 1 năm, những người liên quan và bất kì người nào thấy bản án có dấu hiệu trái pháp luật thì vẫn có quyền viết đơn gửi lên cơ quan có thẩm quyền để đề nghị xem xét lại bản án. Nếu như cơ quan có thẩm quyền - ở đây là hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem lại bản án này, mức án như thế quá nhẹ thì có thể kiến nghị và yêu cầu xét xử lại từ đầu” Luật sư Luân cho biết thêm.
Luật sư Luân nhận định, qua vụ án này cũng là hồi chuông báo động tình trạng xâm hại trẻ em để các bậc cha mẹ bảo vệ các cháu. Nhà lập pháp cần ban hành quy định hữu hiệu hơn để ngăn ngừa cũng như nghiêm trị những kẻ phạm tội. Các cơ quan, hội bảo vệ cần hành động trước vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em.
Theo Dân trí