Sự trở lại của dịch Covid-19 tưởng như sẽ lại khiến khẩu trang bị “thổi giá” và dân kinh doanh có thể kiếm bộn tiền, nhưng sự thật lại khiến nhiều người “ngã ngửa”!
Khẩu trang sốt giá, doanh nghiệp bị lừa, cướp trắng 8,1 tỷ đồng tiền cọc
Khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp thì nhu cầu mua khẩu trang của người dân lại càng tăng mạnh. Chính vì vậy, nhiều gian thương đã lợi dụng tình hình để “giật” tiền cọc của người dân và doanh nghiệp.
Khẩu trang luôn là mặt hàng "hot" trong mùa dịch. Chính vì điều này mà nhiều kẻ gian đã lợi dụng tình hình để chuộc lợi
Ông H.V.T, đại diện một doanh nghiệp trên đường Nguyễn Văn Đậu (phường 6, quận Bình Thạnh) cho biết, qua giới thiệu của người quen thì ông có biết ông Thường (ngụ phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Ông Thường giới thiệu mình là “chủ tịch” của nhiều thương hiệu khẩu trang như Maque, Nhân An, Hưng Phát…
Hai bên đã ký hợp đồng mua bán khẩu trang 4 lớp với giá 2 triệu đồng/thùng 50 hộp, mỗi hộp 50 chiếc. Sau khi ký hợp đồng, ông Thường liên tục gọi điện giục ông T. chuyển tiền. Vì tin tưởng nên ông T. đã chuyển tiền đặt cọc mua khẩu trang là 8,1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền cọc thì công ty ông T. vẫn không nhận được thùng khẩu trang nào theo hợp đồng đã ký. Ông T. đã đến Công ty Hưng Phát làm việc với ông Nguyễn Thế Hưng – Tổng giám đốc công ty này. Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng, không có lịch giao hàng nào cho công ty ông T. và cũng không biết ông T. là ai.
Cũng trong thời gian vừa qua, cơ quan công an đã khám phá nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tương tự liên quan đến đặt cọc mua khẩu trang.
Khẩu trang đột ngột giảm giá, dân buôn lỗ nặng, “khóc thét” vì ôm hàng
So với mức giá 150.000 đồng/hộp khẩu trang của tuần trước, thì đến đầu tuần này, giá bán lẻ đã về 80.000 - 90.000 đồng/hộp, thậm chí có nơi chỉ bán 70.000 đồng/hộp. Tại các hiệu thuốc, giá khẩu trang vẫn ở mức 100.000 đồng/hộp.
Lượng hàng đã quay trở lại bình ổn, không còn khan như khi dịch vừa mới bùng phát trở lại.
Theo một số người bán lẻ, việc nhập hàng ngày 3/8 rất đơn giản. Chỉ cần gọi điện là có hàng chở tới tận nơi, chứ không sốt ảo như tuần trước.
Giá “sập” nhanh, khiến dân buôn như anh L.C. (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trở tay không kịp. Theo anh C, trước đó, anh nhập khẩu trang với giá 6,3 triệu đồng/thùng. Anh C nhập số lượng 100 thùng, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa bán hết.
Lượng hàng còn nhiều, nên anh C lỗ nặng khi giá thị trường về còn 3,5 - 4 triệu đồng/thùng. Anh phải rao bán nhanh với giá rẻ hơn để tránh lỗ thêm.
“Nếu giá khẩu trang về còn hơn 2 triệu như lúc chưa có dịch thì tôi sẽ còn lỗ thêm nữa. Bởi giá đang càng ngày càng rẻ thêm” - anh C cho hay.
Giá vàng SJC tăng sốc qua mốc 62 triệu đồng/lượng
Tuần qua chứng kiến một tuần tăng giá “điên loạn” của giá vàng. Đến sáng ngày 7/8, giá vàng đã xô đổ mọi kỷ lục thời đại.
Giá vàng lên đỉnh 62 triệu đồng/lượng, dân bán vàng tiếc nuối do đã chốt lời "quá sớm". Ảnh: Sơn Tùng
Theo báo giá của một số cửa hàng vàng lớn tại TPHCM, giá vàng SJC được giao dịch ở mức 60,6 triệu đồng/lượng (mua vào) - 62,2 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng sốc tới 1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 800.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tương tự tại Hà Nội, giá vàng SJC qua niêm yết của doanh nghiệp giao dịch ở mức 60 triệu đồng/lượng - 61,8 triệu đồng/lượng, tức tăng mỗi chiều 500.000 đồng/lượng và 900.000 đồng/lượng.
Giá vàng tiếp tục xô đổ mọi kỷ lục, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm lu mờ triển vọng hồi phục kinh tế của các nước trên thế giới. Qua đó nó thúc đẩy sức hút trú ẩn an toàn của vàng, bất chấp tốc độ tăng nhanh có thể dẫn đến một số hoạt động chốt lời.
Theo một số nhà đầu tư vàng, đầu tư vàng lướt sóng trong thời buổi giá cao có thể có lời song thời điểm chốt lời sẽ là cả một vấn đề. Nếu chốt sai thời điểm có thể mất số tiền lớn, còn nếu không tận dụng được thời điểm chốt lời, giá vàng hạ cũng khiến tiền kỳ vọng mất đi rất lớn.
Thủ tướng: Không ngăn sông cấm chợ, không để “đứt gãy” nền kinh tế!
Về tin tức vĩ mô, trong chiều 2/8, kết luận cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc về phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh không được chủ quan, lơ là, lỏng lẻo để dịch bệnh tràn lan, bùng phát, mất kiểm soát.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu: “Cần tính toán rất chặt chẽ trước khi quyết định giãn cách xã hội với phạm vi và quy mô hợp lý. Không được tuyên bố giãn cách xã hội mà chưa tính toán phương án phù hợp, đặc biệt là khi chưa có ổ dịch, dẫn đến bế tắc các hoạt động kinh tế - xã hội”.
Trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng cũng nêu rõ đối với những địa phương chưa áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì “phải đảm bảo sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy nền kinh tế, không thái quá, không ngăn sông cấm chợ ”.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 5 thế giới trong năm 2020
Sau đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, các tổ chức quốc tế, những định chế tài chính lớn đều đánh giá khá lạc quan về Việt Nam.
Cụ thể, Ngân hàng Thế giới nhận định, kinh tế Việt Nam dù ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19 nhưng vẫn chịu đựng tốt và sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020 với mức tăng 2,8% và lên 6,8% trong năm 2021.
Tạp chí The Economist nhận định Việt Nam là nơi trú ẩn ưa thích của nhiều nhà đầu tư thế giới, đang trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
Ông Mai Tiến Dũng cũng thông tin, mới làm việc với nhiều nhà đầu tư lớn của Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư.
Xe tải, xe khách, đại bàng, chim sẻ cùng đi trên “cao tốc” EVFTA
Tại hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) ngày 6/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, EVFTA như một tuyến đường cao tốc quy mô lớn, hiện đại, nối gần hơn giữa EU và Việt Nam. Từ đây, người dân hai bên dễ dàng hợp tác, giao lưu, các doanh nghiệp của hai bên có thể tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau.
“Như vậy, dù xe tải hay xe khách, đại bàng hay chim sẻ sẽ cùng đi, cùng bay trên cao tốc ấy”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta có một niềm tin, không phải hôm nay chúng ta mới tham gia EVFTA, mà chúng ta đã có 13 FTA đang thực thi, trong đó có 2 hiệp định với nội dung rất mới, đó là CPTPP và EVFTA. Đây là những hiệp định thế hệ mới và mở ra nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam và các đối tác có liên quan.
Ông yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước phải trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên triển khai thực thi EVFTA một cách hiệu quả, đồng thời cần tăng cường phối hợp, tránh tình trạng “quyền anh, quyền tôi” và phải đặt lợi ích quốc gia lên cao nhất.
Theo Mai Chi/Dân trí (tổng hợp)
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/tin-khau-trang-sot-gia-thoi-dai-dich-dan-buon-ngam-dang-mat-ca-ty-dong-20200808222535510.htm