Nếu đại dịch Covid-19 kéo dài đến hết tháng 6, tháng 9 hoặc hết năm, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam sẽ là 6,1% duy trì, 19,3% cắt giảm qui mô và 39,3% phá sản.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa có báo cáo đánh giá tác động của đại dịch Covid 19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách.
Theo đó, tăng trưởng GDP quý 2 của Việt Nam dự báo khoảng 2,0 % so với cùng kỳ và thậm chí suy thoái nếu xảy ra kịch bản xấu. Dự kiến phục hồi từ quý 3 năm 2020. Xuất khẩu giảm từ khoảng 25% trong quý 2 và phục hồi về mức giảm 15% trong các quý sau của năm 2020.
Nếu đại dịch dịch kéo dài thì ảnh hưởng đến nền kinh tế là rất nghiệm trọng. Nếu đến hết tháng 4, 49,2% doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động; 31,9% cắt giảm qui mô sản xuất; 18,1% tạm dừng hoạt động; và 0,8% có khả năng phá sản. Nếu đến hết tháng 6, tháng 9 hoặc hết năm tỷ lệ phá sản sẽ là 6,1%, 19,3% và 39,3%.
Theo nhóm nghiên cứu, nếu chỉ căn cứ trên các số liệu căn bản về số lượng ca nhiễm, số lượng người phải cách ly ở Việt Nam trong thời gian đến ngày 27/3, sử dụng 3 mô hình định lượng nhằm xây dựng các kịch bản về tình hình dịch số lượng ca nhiễm của Việt Nam trong thời gian tới – ARIMA, EWMV và SIR. Kết quả từ các mô hình cho thấy các kịch bản từ thấp đến cao (các kịch bản 1, 2 và 3) tương ứng với thời gian đại dịch COVID-19 kéo dài đến hết cuối tháng 4; cuối tháng 5 và cuối tháng 6 năm 2020.
Cho đến nay đã có một số tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước dự báo về tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên các dự báo này đếu dựa trên tình hình dịch từ đầu tháng 03 trở về trước khi mà Châu Âu và Mỹ chưa chịu tác động nặng nề như hiện nay.
Bloomberg dự báo tăng trưởng của Việt Nam giảm 0,4 % (số liệu đến tháng 02), ADB cho rằng tăng trưởng giảm 0,5 – 1% và kịch bản xấu có thể giảm đến 1,5% (Báo cáo ngày 10/03). Bộ KH-ĐT dự báo tăng trưởng có thể giảm từ 0,67 đến 0,96%, lạm phát trong khoảng 3,96% - 4,86%, xuất khẩu giảm 21%, nhập khẩu giảm 16%, ngành nông nghiệp giảm 0,11%; ngành công nghiệp giảm 0,24%; ngành dịch vụ giảm 0,32% (Báo cáo ngày 04/02 và 10/02). Ngân hàng Nhà nước dự báo lạm phát của Việt Nam thay đổi trong khoảng 4,5% +/- 0,4% (Báo cáo ngày 12/03). Nhóm nghiên cứu thực hiện Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2019 của ĐHKTQD dự báo tăng trưởng giảm từ 0,6 đến 0,8% (số liệu đến ngày 07/03). Trong báo cáo gần nhất (ngày 31/03/2020), World Bank dự báo rằng kinh tế Việt Nam năm 2020 là khoảng 1,5% đến 4,9% tùy kịch bản. Tuy nhiên tăng trưởng sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021.
Nhóm nghiên cứu cho rằng với sự thay đổi của tâm dịch từ phía Trung Quốc sang các nước Châu Âu, Mỹ và lan rộng sang các khu vực khác, tác động đến nền kinh tế Việt Nam sẽ mạnh hơn và thay đổi về cơ chế tác động từ phía đứt gãy nguồn cung ứng đầu vào sang chủ yếu là phía cầu.
Dựa trên cơ sở các kịch bản về số ca nhiễm và cách ly tại Việt Nam, chúng tôi tiến hành xây dựng một số mô hình định lượng nhằm dự báo sơ bộ tác động của đại dịch đến nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Kết quả dự báo của các mô hình này cho thấy:
(i) Tăng trưởng GDP quý 2 của Việt Nam khoảng 2,0 % so với cùng kỳ và thậm chí suy thoái nếu xảy ra kịch bản xấu. Dự kiến phục hồi từ quý 3 năm 2020.
(ii) Vnindex giảm khoảng 28% phục hồi ngay sau khi dịch được khống chế với mức xấp xỉ 20%.
(iii) Xuất khẩu giảm khoảng 25% trong quý 2 và phục hồi về mức giảm 15% trong các quý sau của năm 2020.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng dự báo tác động của dịch COVID-19 đến một số lĩnh vực của nền kinh tế với kịch bản thuận lợi nhất (Kịch bản 1 - dịch kéo dài đến hết tháng 4/2020) và kịch bản xấu nhất (Kịch bản 3 - dịch kéo dài đến hết tháng 6/2020).
Dự báo tác động của dịch COVID-19 đến một số lĩnh vực:
Khu vực doanh nghiệp khó khăn chồng chất khó khăn
Bên cạnh các số liệu thống kê chính thức, để có thể thấy rõ hơn tác động của đại dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát ý kiến của 510 doanh nghiệp (tính đến ngày 01/04/2020). Mẫu doanh nghiệp này bao gồm 92,6% doanh nghiệp ngoài NN, 6,08% doanh nghiệp FDI và 1,76% DNNN. Trong đó các doanh nghiệp thuộc ngành dịch vụ chiếm 65,1%, công nghiệp và xây dựng 29,8% và nông nghiệp 5,1%. 69,3% các doanh nghiệp tại Hà Nội, 12,2% tại TP. Hồ Chí Minh và 18,5% tại các địa phương khác. Trong số này có 61,56% doanh nghiệp có quy mô lao động dưới 50 người và 82,74% doanh nghiệp dưới 200 người.
Kết quả nghiên cứu số liệu báo cáo của các cơ quan quản lý Nhà nước và kết quả khảo sát doanh nghiệp của ĐH KTQD cho thấy, cho đến thời điểm hiện tại, tác động của COVID-19 đến khu vực doanh nghiệp đã bắt đầu bộc lộ một cách rõ ràng trong tất cả các ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp. Kết quả khảo sát cho thấy có đến 93,9% các doanh nghiệp điều tra đánh giá dịch Covid-19 có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.
Dịch bệnh đã làm cho các doanh nghiệp cùng một lúc phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Với các doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, khảo sát đã đề nghị các doanh nghiệp đưa ra 5 khó khăn lớn nhất mà họ đang gặp phải. Kết quả cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với việc sụt giảm nguồn thu để bù đắp cho các chi phí khác (60,2% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực lựa chọn); hay hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành dưới mức bình thường (51,8% doanh nghiệp lựa chọn). Bên cạnh đó, 43,4% doanh nghiệp trong số này gặp khó do không có nguồn thu; 39,4% không thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh, chẳng hạn, phải đóng cửa trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh theo qui định để phòng chống dịch. Ngoài ra, 31,2% doanh nghiệp trả lời do hàng hóa sản xuất không tiêu thụ được trong nước; 17,20% không xuất khẩu được. Các vấn đề về thiếu hụt vốn (36,7% doanh nghiệp lựa chọn), thiếu hụt nguyên liệu sản xuất cũng là một khó khăn lớn, đặc biệt nguồn nguyên liệu từ nhập khẩu (29,1% doanh nghiệp lựa chọn).
Sụt giảm doanh thu đang là khó khăn lớn nhất mà nhiều doanh nghiệp gặp phải trong thời kỳ dịch bệnh. Cụ thể, 20,2% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực cho rằng doanh thu của doanh nghiệp mình sụt giảm từ 80% trở lên; 28,4% doanh nghiệp bị sụt giảm từ 50% đến 80% doanh thu; 34,9% sụt giảm từ 30% đến 50%; 13,9% sụt giảm từ 10% đến 30%; và chỉ có 2,7% doanh nghiệp bị sụt giảm dưới 10% doanh thu.
Gánh nặng lớn nhất của doanh nghiệp dưới tác động của dịch Covid-19
Trong khi doanh thu bị sụt giảm nặng nề, các doanh nghiệp vẫn phải gánh chịu nhiều khoản chi phí lớn. Kết quả khảo sát cho thấy, chi phí nhân công lao động đang là gánh nặng lớn nhất của 34,5% doanh nghiệp dưới tác động của dịch Covid-19. Tiếp theo là khoản chi trả lãi vay ngân hàng (25,0%), chi phí hoạt động thường xuyên (20,6%), chi phí thuê mặt bằng (17,9%).
Một trong các khuyến nghị của nhóm nghiên cứu đưa ra lúc này là cần phải xây dựng nhiều kịch bản chính sách kinh tế khác nhau từ ngắn đến dài hạn nhằm ứng phó với tình hình dịch ở cả Việt Nam lẫn các quốc gia khác trên thế giới. Mức độ kết nối rất lớn của Việt Nam với chuỗi giá trị toàn cầu và các biện pháp giãn cách xã hội do các nước áp dụng dẫn đến việc đại dịch có thể được kiểm soát ở Việt Nam cũng không thể làm cho nền kinh tế phục hồi ngay nếu nó vẫn tiếp diễn ở các quốc gia khác.
Nếu bệnh dịch trong nước có thể kiểm soát ngay trong tháng 04 hoặc cùng lắm đến hết quý 2 thì phản ứng chính sách nên mang tính “hỗ trợ”. Nếu bệnh dịch kéo dài hơn (đến quý 3 hoặc hết năm 2020) chính phủ cần tính tới các biện pháp thiệp mạnh mẽ hơn mang tính “giải cứu”. Các giải pháp chính sách đưa ra cần tính đến độ trễ trong quá trình ban hành và triển khai để đảm bảo tính kịp thời và hiệu quả./.
Theo VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/kich-ban-xau-nhat-covid19-co-the-khien-393-doanh-nghiep-pha-san-1033257.vov