Đại dịch làm gián đoạn kinh tế toàn cầu nhưng lại khiến những đại gia xích lại gần nhau, "chia lửa" cùng các Chính phủ chống lại Covid-19.
Chỉ trong hơn 3 tháng, Covid-19 đã lan ra 176 quốc gia trên thế giới, khiến hơn 530.000 người lây nhiễm và 24.000 người thiệt mạng. Đại dịch cũng làm gián đoạn hoạt động kinh tế trên toàn cầu, khiến hàng chục triệu người thất nghiệp và hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa. Nhưng những công ty còn hoạt động đang nỗ lực lấp đầy khoảng trống này. Họ vừa duy trì việc kinh doanh, vừa hỗ trợ cả về tiền mặt, thiết bị y tế, thực phẩm lẫn công nghệ.
Một số doanh nghiệp khi nhu cầu sụt giảm còn tận dụng dây chuyền sản xuất sẵn có để tạo ra các thiết bị y tế, giúp thế giới vượt qua khủng hoảng.
LVMH Moët Hennessy (Pháp) – công ty mẹ của các thương hiệu Louis Vuitton, Fenty Beauty, and Benefit Cosmetics tuần trước thông báo các nhà máy của hãng vốn sản xuất nước hoa và mỹ phẩm giờ sẽ chuyển sang làm nước rửa tay. Họ sẽ cung cấp miễn phí sản phẩm này cho các cơ sở y tế tại Pháp trong bối cảnh toàn cầu thiếu hụt.
L'Oréal cũng có động thái tương tự. Hãng này còn đóng góp một triệu euro để cung cấp thiết bị vệ sinh cho các tình nguyện viên.
Tại Anh, chính phủ nước này cũng đã tìm đến các đại gia công nghiệp. Rolls Royce, Dyson và nhiều doanh nghiệp khác được kêu gọi sản xuất máy trợ thở. Hiện tại, hãng xe Vauxhall đã đồng ý sử dụng máy in 3D tại các nhà máy của hãng ở Anh để sản xuất các linh kiện và lắp ráp máy trợ thở. Các nhà máy này gần đây đã phải ngừng hoạt động vì nhu cầu giảm sút.
Còn ở Mỹ, General Motors và Ford Motors đã thảo luận với Nhà Trắng về khả năng hỗ trợ sản xuất các thiết bị y tế, như máy trợ thở. Hanes (Mỹ) thì cho biết đã đồng ý cùng một nhóm doanh nghiệp dệt may khác sản xuất 6 triệu khẩu trang một tuần, sau khi chính phủ Mỹ liên hệ hồi giữa tháng. Nhiều hãng thời trang khác tại Mỹ cũng đã chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang và thiết bị bảo hộ.
Honeywell, 3M và Pernod Ricard USA cũng đồng ý hợp tác với Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước cho biết Pernod Ricard USA đã chuyển đổi nhà máy sản xuất tại 4 bang thành dây chuyền sản xuất nước rửa tay.
Khẩu trang được sản xuất tại một nhà máy ở Nagoya (Nhật Bản). Ảnh: Nikkei Asean Review
Tình trạng thiếu khẩu trang trầm trọng tại Nhật Bản cũng khiến chính phủ phải kêu gọi các doanh nghiệp vào cuộc. Cách đây vài ngày, Sharp đã bắt tay vào việc này, với công suất mỗi ngày vào khoảng 150.000 chiếc. Một hãng chip ở Kanagawa và hãng đồ lót Atsumi Fashion ở Toyama cũng cũng bắt đầu làm khẩu trang từ tháng 3.
Trước đó, từ đầu tháng 2, hàng loạt hãng xe, công ty xăng dầu tại Trung Quốc, như SAIC-GM-Wuling, BYD, Sinopec cũng tham gia làm khẩu trang do nguồn cung tại đây thiếu hụt. Trung Quốc là nơi khởi phát Covid-19, nhưng hiện đã qua đỉnh dịch.
Những doanh nghiệp không trực tiếp sản xuất vật tư y tế thì chọn cách ủng hộ, bằng cả tiền mặt lẫn hiện vật. Cách đây vài ngày, CEO Apple Tim Cook thông báo hãng này sẽ ủng hộ 10 triệu khẩu trang cho các nhân viên y tế tại Mỹ. Trước đó, Táo Khuyết cũng cam kết quyên góp 15 triệu USD.
Facebook thì ủng hộ 720.000 khẩu trang trong kho dự trữ. Họ đã mua số khẩu trang này từ trước đó để dự phòng trường hợp cháy rừng ở Mỹ tiếp diễn. "Chúng tôi đang tìm thêm hàng triệu khẩu trang nữa để quyên góp. Hy vọng tất cả khỏe mạnh và an toàn", ông chủ Facebook Mark Zuckerberg viết trên trang cá nhân. Facebook cũng cam kết quyên góp 20 triệu USD cho các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh.
Salesforce cũng đóng góp 9.000 khẩu trang cho Trung tâm Y tế thuộc Đại học California. "Chúng tôi đang huy động tất cả nguồn lực và mối quan hệ để có thêm 5 triệu khẩu trang nữa tuần này, cùng với thiết bị bảo hộ cá nhân cần thiết nữa", CEO Salesforce Marc Benioff cho biết trên trang cá nhân.
Đại gia hóa mỹ phẩm Johnson & Johnson cũng đóng góp 1 triệu khẩu trang, 48.000 chai isopropyl alcohol và 1.300 hộp kính áp tròng cho các bệnh viện và nhân viên y tế tại Trung Quốc. Họ trước đó cũng đóng góp 1 triệu nhân dân tệ cho Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc.
Hàng loạt hãng thời trang xa xỉ như Dolce & Gabbana, Giorgio Armani và Kering thì quyên góp hàng triệu USD cho các dự án nghiên cứu và bệnh viện trên toàn cầu.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác tận dụng triệt để lĩnh vực kinh doanh và thế mạnh của mình để hỗ trợ chính phủ và xoa dịu tác động từ đại dịch. Uber Eats đóng góp 300.000 bữa ăn cho các nhân viên y tế và những người tham gia trực tiếp việc chống dịch. Họ cũng miễn phí vận chuyển với hơn 100.000 nhà hàng độc lập để khuyến khích mọi người ủng hộ doanh nghiệp địa phương.
Đại gia dược phẩm Thụy Sĩ Roche thì đã bắt đầu vận chuyển kit xét nghiệm Covid-19 sang Mỹ và lên kế hoạch cung cấp ít nhất 400.000 bộ mỗi tuần.
Microsoft tạo ra các phần mềm giúp chăm sóc y tế từ xa, hợp tác với các tổ chức trong những dự án như Theo dấu người nhiễm Covid-19 của Đại học John Hopkins. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng sử dụng chatbot đánh giá Covid-19 của Microsoft.
CEO Amazon Jeff Bezos thì thay đổi mức ưu tiên trong kho hàng và hoạt động logistics, tập trung vào nhu yếu phẩm như đồ dùng gia đình, thiết bị y tế và sản phẩm cho trẻ em. Công ty này cũng tuyển thêm 100.000 lao động, giúp giải quyết phần nào tình trạng thất nghiệp do Covid-19 và nâng lương giờ cho các nhân viên.
Tại Trung Quốc, đại gia tìm kiếm Baidu sử dụng dữ liệu để theo dấu người nghi nhiễm và làm bản đồ di chuyển tại tất cả thành phố Trung Quốc. Ở Singapore, Grab và Go Jek cũng cung cấp dịch vụ tương tự.
Ứng dụng đi chung xe Didi Chuxing (Trung Quốc) hỗ trợ đưa đón nhân viên y tế tại một số thành phố. Tencent Holdings cũng ra mắt bản đồ giúp người dùng WeChat tìm cơ sở y tế gần nhất.
Đại gia thương mại điện tử Alibaba thì hợp tác với Viện Nghiên cứu Thuốc Toàn cầu tại Bắc Kinh (Trung Quốc) để phát triển một nền tảng dữ liệu mã nguồn mở về Covid-19. SenseTime - hãng phát triển phần mềm trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới, thường được dùng trong giám sát, cũng giúp Bắc Kinh tạo ra thuật toán cải thiện tính chính xác của việc đo thân nhiệt trong đám đông.
TmiRob – một hãng robot y tế tại Thượng Hải thì cho biết trên Nikkei Asian Review rằng họ đã triển khai hàng chục robot tại các bệnh viện ở Vũ Hán và Thượng Hải. Những robot này sẽ giúp tẩy trùng bệnh viện, phát thuốc và kiểm tra thân nhiệt bệnh nhân.
Còn tại Hàn Quốc, góp công lớn vào nỗ lực kiềm chế dịch của chính phủ nước này là bộ xét nghiệm của công ty Seegene. Sử dụng hệ thống dữ liệu trí tuệ nhân tạo, họ có thể phát triển thần tốc kit xét nghiệm Covid-19.
Trong khi một số quốc gia gặp khó khăn trong việc chuẩn bị đủ kit xét nghiệm để chẩn đoán bệnh nhân nghi nhiễm, Hàn Quốc cung cấp xét nghiệm miễn phí và dễ dàng cho mọi người dân. Seegene sản xuất khoảng 10.000 kit một tuần và mỗi kit có thể xét nghiệm cho 100 bệnh nhân. Sản lượng này đủ để xét nghiệm cho một triệu bệnh nhân mỗi tuần với chi phí dưới 20 USD cho mỗi xét nghiệm. Ngoài nhu cầu trong nước, Seegene hiện cung cấp cho cả 30 quốc gia khác.
Cũng có những hình thức chung tay ý nghĩa khác. McDonald's, Coca-Cola, Audi và Volkswagen gần đây công bố thiết kế logo theo xu hướng "cách biệt xã hội".
Logo McDonald's thiết kế theo xu hướng "cách biệt xã hội". Ảnh: McDonald's
Các hình ảnh, ký tự trên logo được để cách xa nhau, thể hiện thông điệp giữ khoảng cách an toàn trong mùa dịch, giảm khả năng lây nhiễm. Trên CNN, Douglas Sellers – Giám đốc sáng tạo tại Siegel+Gale cho rằng: "Những logo sáng tạo này sẽ là lời nhắc nhở rất dễ nhớ với mọi người".
Brian Braiker – tổng biên tập Ad Age cho biết giờ là lúc các thương hiệu cung cấp "dịch vụ thực sự và có ý nghĩa". "Hiểu rõ tình hình, im lặng và làm điều có ích là cách duy nhất giúp các công ty tồn tại lúc này", ông kết luận.
Theo VnExpress
https://vnexpress.net/kinh-doanh/dai-gia-toan-cau-ho-tro-gi-chinh-phu-chong-covid-19-4075482.html