Nhiều hãng xe lớn trên thế giới phải đóng cửa vì Covid-19, doanh nghiệp xe Việt cũng đối diện nguy cơ thiếu hụt trầm trọng thiết bị, xe mới và có thể "đóng băng" do cầu giảm rất mạnh.
Thiếu linh kiện và xe nguyên chiếc
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 3/2020, giá trị linh kiện ô tô nhập khẩu của Việt Nam đạt hơn 151 triệu USD, giảm gần 26 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, ước giảm khoảng 14,5%.
Tổng giá trị nhập khẩu linh kiện ô tô tính đến hết ngày 15/3 đạt hơn 811 triệu USD, giảm gần 170 triệu USD so với cùng kỳ năm trước (ước giảm khoảng 17%).
Giá trị linh kiện ô tô nhập khẩu suy giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, cảnh báo nhiều khó khăn phía trước cho doanh nghiệp Việt
Về xe nhập, trong 15 ngày đầu tháng 3, dù lượng xe nhập có tăng so với tháng trước, song vẫn giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, 15 ngày tháng 3, lượng xe nhập đạt 4.600 chiếc, giảm hơn 1.800 chiếc so với cùng kỳ năm trước; xe con đạt hơn 3.150 chiếc, giảm gần 600 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Tổng lượng xe nhập tính đến hết ngày 15/3 đạt hơn 19.100 chiếc, giảm hơn 20.400 chiếc so với cùng kỳ năm trước, giảm gần 52% so với cùng kỳ năm trước. Xe con nhập về đạt hơn 14.000 chiếc, giảm 13.100 chiếc so với cùng kỳ năm trước, ước khoảng hơn 48% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, về cả linh kiện nhập khẩu lẫn lượng xe nhập tháng 3 đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy những tác động trực tiếp của dịch bệnh đến với hoạt động của doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam.
Nếu chu kỳ suy giảm nhập khẩu xe hơi tiếp diễn, chắc chắn lượng cung xe nhập tại Việt Nam sẽ giảm, chuỗi giảm giá từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020 sẽ bị chặn đứng và các doanh nghiệp xe hơi cũng khó có xe để duy trì bán hàng trong 3 đến 6 tháng tiếp theo.
Doanh nghiệp ô tô đối diện nhiều rủi ro
Trong tháng 2, doanh số bán xe hơi tại Việt Nam suy giảm mạnh, tổng lượng xe bán ra trong 2 tháng giảm 27%, trong đó xe con giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.
Lượng xe nhập lao đốc, doanh số bán xe sụt giảm, tổng cầu toàn thị trường xe hơi đang suy giảm mạnh mẽ, doanh nghiệp đối diện nhiều khó khăn
Lượng bán ra suy giảm, cộng với nguyên liệu khó khăn đã và đang khiến các hãng xe hơi nhập khẩu, lẫn lắp ráp trong nước đều khó khăn. Hiện Việt Nam nhập phần lớn linh kiện xe hơi từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Pháp, Mỹ…
Đây chính là các thị trường đã, đang trải qua đợt dịch bệnh Covid-19 lớn khiến hàng loạt các hãng xe phải đóng một hoặc nhiều nhà máy để cắt giảm chi phí, chống dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động của mình.
Trong khi đó, các đối tác cung cấp xe lớn cho Việt Nam là Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Đức cũng đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát ở nước họ, việc vận chuyển hàng hóa đang bị siết chặt bởi các quy định kiểm dịch cực kỳ khắt khe.
Mới đây, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã gửi báo cáo lên Chính phủ và các cơ quan chức năng chia sẻ những khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam.
Thay mặt các doanh nghiệp ô tô nói chung, VAMA và một số doanh nghiệp ô tô lớn tại Việt Nam như Ford, Mercedes đề xuất Chính phủ giảm, giãn 50% thuế phí cho người mua xe, trong đó có 50% thuế VAT, 50% lệ phí trước bạ, giãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt từ tháng 3 sang tháng 9/2020.
Theo chia sẻ của một doanh nghiệp xe hơi phía Nam, dịch Covid-19 hiện tại tác động lớn đến nhu cầu mua xe của người dân do thu nhập giảm, hạn chế đi lại. Điều này về lâu dài sẽ khiến các doanh nghiệp giảm sút dây chuyền lắp ráp, không đủ công suất khiến hao mòn lớn máy móc. Nguy cơ dừng sản xuất là rất lớn nếu dịch tiếp tục diễn biến khó lường.
“Tổng cầu thị trường giảm, trong khi đó, các doanh nghiệp lắp ráp đẩy mạnh nhập xe tồn kho về nước, các doanh nghiệp thuần túy lắp ráp sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Để đảm bảo nguồn cung tốt, đủ dung lượng cho thị trường, Nhà nước cần can thiệp bằng giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu tương lai”, vị đại diện doanh nghiệp ô tô chia sẻ.
Theo An Linh/Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/hang-loat-hang-xe-the-gioi-dong-cua-thi-truong-xe-viet-ra-sao-20200324155518303.htm